4.000 tỷ đồng trang bị máy tính bảng cho HS: Lợi bất cập hại

Nhiều ý kiến cho rằng, việc dùng 4.000 tỷ đồng để trang bị máy tính bảng cho học sinh là lãng phí, không cần thiết trong bối cảnh kinh tế, xã hội của nước ta.

Công nghệ không thể thay thế con người

Trong  xu thế công nghệ hóa hiện nay, việc đưa những phương tiện khoa học kỹ thuật mới vào nhà trường để phục vụ cho công tác giảng dạy là một xu hướng tất yếu, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Thế nhưng, công nghệ dù có văn minh, hiện đại tới đâu đi chăng nữa, suy cho cùng cũng chỉ là một công cụ, không thể thay thế được con người.

Trong giáo dục, vốn là một lĩnh vực đặc thù, việc áp dụng những phương tiện, công nghệ mới nào, lộ trình ra sao lại là việc càng phải cân nhắc. Bởi dù ở bất kỳ cấp học nào, từ phổ thông cho tới đại học, công nghệ vốn dĩ không thể thay thế hoàn toàn cho người thầy thực sự. Đặc biệt, đối với học sinh lớp 1, 2, 3 đây là giai đoạn các em mới bắt đầu tiếp xúc với ghế nhà trường và làm quen với thế giới bên ngoài, nên việc tương tác giữa thầy cô, bạn bè và cha mẹ là một điều tối quan trọng trong việc hình thành nên nhân cách hay những quy tắc ứng xử.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu giáo dục nhận định, với việc thay thế sách giáo khoa hiện tại bằng một bộ sách giáo khoa điện tử, tích hợp trong một chiếc máy tính bảng, vô hình chung, chúng ta đã tự hạn chế đi khả năng tương tác của trẻ với thầy cô giáo, bạn bè và môi trường thật. “Lâu dần, sẽ dẫn tới việc các em quá thụ động, phụ thuộc vào một màn hình máy tính mà quên mất rằng, thế giới thật mới chính là cái mang lại cho các em những trải nghiệm cần thiết không chỉ trong học tập mà còn ở cuộc sống thường ngày”.

Một giáo viên tiểu học tại quận 6 thì cho rằng, việc đưa máy tính bảng áp dụng vào các khối lớp 1, 2, 3 cũng giống như việc “chưa học bò đã lo học chạy”. “Các em mới vào lớp 1, có khi đọc chữ, đánh vần còn chưa rõ, thế mà bây giờ lại bắt các em phải học trên máy tính, bỏ luôn chuyện tập viết chính tả, rèn chữ… thì quả thật là không ổn. Điều này dễ làm cho học sinh mất đi những kỹ năng cơ bản của việc học, hậu quả thế nào, chắc ít ai lường tới”.

4.000 tỷ đồng trang bị máy tính bảng cho HS: Lợi bất cập hại - 1

Đề án sách giáo khoa điện tử của Sở Giáo dục & Đào tạo đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Ảnh minh họa

Không chỉ học sinh, việc sử dụng máy tính bảng vào giảng dạy cũng là vấn đề khiến nhiều giáo viên quan tâm. “Cứ nghĩ tới cảnh đang giảng bài, hết em này đến em khác ơi ới nhờ sửa giùm máy tính là mình đã thấy oải. Tụi nhỏ thì hiếu động nên việc hư hỏng máy móc là điều đương nhiên, trong khi kiến thức về công nghệ thì không phải giáo viên nào cũng giỏi. Nếu việc đào tạo cho giáo viên trước khi áp dụng đề án không được làm tới nơi tới chốn thì sẽ rất tốn thời gian cho những điều tưởng như rất nhỏ này. Từ đó, chất lượng giảng dạy đi xuống là điều khó tránh khỏi”, cô N.T.H, giáo viên tiểu học chia sẻ.

Nhìn rộng ra, ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, người ta rất thận trọng khi đưa máy tính bảng vào nhà trường, đặc biệt là ở lứa tuổi nhỏ. Bởi ở lứa tuổi đó, các em đến trường không phải chỉ để tiếp thu những kiến thức như 2x2 = 4, mà còn học cách tiếp xúc, tiếp thu những nguyên tắc ứng xử trong xã hội thông qua mối quan hệ với người khác và quan sát mối quan hệ giữa học trò với học trò, học trò với thầy cô…. Những điều đó, chỉ có một người thầy bằng xương bằng thịt mới có thể mang lại, công nghệ không bao giờ có thể thay thế được. Hiện nay, nền giáo dục của chúng ta  dường như vẫn quá chú trọng đến việc giảng dạy kiến thức trong trường. Việc cải thiện phương tiện kỹ thuật cũng chỉ nhằm giải quyết mục đích này, nhưng lại quên mất đi việc dạy tương tác giữa thầy và trò, đây là điều hết sức đáng báo động.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại học viện Nhi khoa Mỹ và Canada, việc trẻ từ 6 đến 18 tuổi tiếp xúc quá nhiều với các thiết bị điện tử cầm tay như điện thoại di động, máy tính bảng… có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý và hành vi của trẻ. Đồng thời gây ra các chứng bệnh như béo phì, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến quá trình phát triển não hay gây ra tính bạo lực trong đời sống hàng ngày.

4.000 tỷ đổi lấy vài kg sách vở?

Theo một chuyên gia giáo dục, việc thay đổi từ sách giáo khoa truyền thống sang sách giáo khoa điện tử, tích hợp trên máy tính bảng cũng có cái lợi. Thay vì mang nhiều tài liệu, sách vở, có khi lên đến hàng chục kg như báo chí phản ánh thời gian qua thì các em chỉ cần mang theo một máy tính bảng, vừa gọn nhẹ, lại có khả năng chứa đựng nhiều thông tin hơn bất kỳ một sách in nào.

Thế nhưng, vị này cũng cho rằng, việc đổi mới từ sách giáo khoa truyền thống sang sách giáo khoa điện tử, phải bắt đầu từ việc xây dựng một bộ giáo trình điện tử phù hợp, thống nhất. Cho tới nay, vẫn chưa thấy có một sự án nào thực sự đầu tư cho việc biên soạn giáo trình đúng nghĩa, mà người ta chỉ làm một việc đơn giản là đưa sách giáo khoa hiện tại vào máy. “Đấy không phải là sách giáo khoa điện tử, bởi sách giáo khoa điện tử cần phải có những thiết kế riêng, tương tác do công nghệ mang lại, chứ không phải chỉ là scan trong sách in rồi thôi. Theo dõi đề án sách giáo khoa điện tử của Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, tôi mới chỉ thấy các vị đề cập tới việc trang bị máy tính bảng cho học sinh chứ chưa đề cập tới việc xây dựng chương trình học như thế nào. Đây giống như việc anh trang bị một công cụ làm việc, nhưng lại chưa rõ sẽ dùng nó để làm gì”.

Một câu hỏi khác cũng được đặt ra, là liệu những người xây dựng đề án đã tính tới việc, chúng ta quá lệ thuộc vào chiếc máy tính bảng, nếu có sự cố xảy ra (mất điện, mất mạng, máy tính hư hỏng…) thì việc xử lý sẽ như thế nào khi cơ sở hạ tầng của chúng ta cũng còn khá lạc hậu. Việc các em sử dụng máy tính bảng được trang bị vào những việc khác ngoài mục đích học tập như chơi game, lướt web… được quản lý như thế nào cũng là vấn đề cần phải có câu trả lời xác đáng.

Cuối cùng, điều quan trọng nhất mà nhiều người dân muốn biết, đó là sách giáo khoa điện tử sẽ mang lại những lợi ích gì nổi bật so với phương pháp học hiện nay? Bởi nếu bỏ ra 4.000 tỷ đồng, đơn giản chỉ để bớt đi vài kg sách vở cho học sinh đi học, phải chăng là một việc làm quá lãng phí trong bối cảnh kinh tế xã hội nước nhà còn gặp nhiều khó khăn!


Nguồn 24h.com.vn

TIN LIÊN QUAN


TIN TỨC - SỰ KIỆN

Xem thêm...

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG

Trụ sở chính: Số 54 - Khu Liên Phương - P. Phương Đông - TP Uông Bí - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.854497 - Fax:02033.854302

Địa điểm đào tạo số 01: Phường Hà Phong - TP Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh

Địa điểm đào tạo số 02: Nguyễn Văn Trỗi - P. Cẩm Thủy - TP Cẩm Phả - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.862091 - 02033.969661 - Fax:02033.864950

Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn

TAG BÀI VIẾT

BẢN ĐỒ CHỈ DẪN

PAGE FACEBOOK

Xét tuyển trực tuyến Nhập học trực tuyến
Xét tuyển trực tuyến
Nhập học trực tuyến