Cao đẳng Kỹ thuật xây dựng mỏ

Tên ngành, nghề: KỸ THUẬT XÂY DỰNG MỎ

 

Mã ngành, nghề: 6510116

 

Trình độ đào tạo: Cao đẳng

 

Danh hiệu: Kỹ sư thực hành

 

Hình thức đào tạo: Chính quy

 

Đối tượng tuyển sinh: Tốt nghiệp Trung học phổ thông và tương đương

 

Thời gian đào tạo: 02 năm học

 

         1. Mục tiêu chung

 

        Kỹ thuật xây dựng mỏ trình độ cao đẳng là ngành, nghề mà người hành nghề thực hiện các công việc đào và chống giữ các đường lò mở vỉa, lò chuẩn bị có độ dốc bất kỳ, diện tích ≥ 1,5 m² trong đất đá để phục vụ quá trình khai thác mỏ bằng phương pháp hầm lò, đáp ứng được yêu cầu bậc 5 trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

 

Người hành nghề Kỹ thuật xây dựng mỏ làm việc chủ yếu trong các đường lò trong lòng đất tại các mỏ khai thác khoáng sản bằng phương pháp hầm lò với các nhiệm vụ chính: phá vỡ đất đá, khoáng sản bằng cơ giới hoặc bằng khoan nổ mìn; xúc bốc đất đá, khoáng sản bằng dụng cụ thủ công hoặc vận hành thiết bị cơ giới; vận chuyển đất đá, khoáng sản bằng goòng thủ công hoặc tời trục hoặc băng tải hoặc máng cào hoặc tàu điện; vận chuyển vật liệu bằng dụng cụ thủ công hoặc thiết bị chuyên dùng; chống giữ đường lò bằng các loại vì chống: gỗ, kim loại, vì neo hoặc bê tông cốt thép liền khối; các công việc xây dựng bao gồm kỹ thuật ghép cốp pha, cốt thép và trình tự kỹ thuật đổ bê tông các đường lò và công trình ngầm của mỏ; củng cố các vì chống bị suy yếu; sửa chữa các vì chống hoặc đoạn lò có vì chống bị hư hỏng, biến dạng quá mức cho phép; tham gia xử lý các sự cố trong quá trình sản xuất như sập đổ lò, cháy nổ khí hoặc bục nước ngầm.

 

Người hành nghề Kỹ thuật xây dựng mỏ làm việc theo ca kíp, trong điều kiện không có ánh sáng tự nhiên và môi trường khắc nghiệt về nhiệt độ, không khí, tiếng ồn, bụi... một số khâu trong sản xuất công việc khá nặng nhọc và có tính chất nguy hiểm, công việc mang tính tập thể; vì vậy, người công nhân phải có đủ sức khỏe, có tâm về nghề nghiệp và có đủ năng lực, kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ, có tay nghề chuyên môn vững và khả năng tổ chức làm việc theo nhóm tốt.

 

         2. Mục tiêu cụ thể

 

         2.1. Kiến thức

 

- Phân tích được các thông số của hộ chiếu khoan nổ mìn, hộ chiếu chống giữ lò, sơ đồ hệ thống đường lò ...;

 

- Giải thích được các hiện tượng địa chất, phay phá, uốn nếp, tính chất cơ lý của đất đá mỏ... có ảnh hưởng đến công tác sản xuất, hệ thống thoát nước mỏ hầm lò;

 

- Phân biệt được tính chất, phạm vi ứng dụng của các vật liệu chống giữ thông dụng và đặc biệt: gỗ, sắt, bê tông, gạch đá... và kết cấu vì chống tương ứng với vật liệu chống giữ;

 

- Phân tích được quy trình công nghệ các phương pháp đào lò thông thường bằng khoan nổ mìn, xúc bốc thủ công hoặc bằng máy xúc có gầu xúc, máy cào vơ, máy xúc đổ bên và đào lò bằng máy liên hợp;

 

- Phân tích được các quy trình kỹ thuật chống giữ ở lò đào trong đá và lò đào trong than, hầm trạm;

 

- Xác định được các phương pháp củng cố, sửa chữa các đường lò;

 

- Phân biệt được các phương pháp mở vỉa, phương pháp khai thác thường dùng;

 

- Phân tích được cấu tạo, nguyên lý làm việc, trình tự và quy phạm vận hành các loại máy khoan điện, khoan khí ép, búa chèn, băng tải ...;

 

- Phân tích được công dụng, cấu tạo, nguyên lý làm việc và cách sử dụng các thiết bị cấp cứu mỏ thông thường;

 

- Giải thích được nội dung các quy phạm an toàn ở mỏ hầm lò, các phương tiện đo, kiểm tra khí mỏ, phương tiện cấp cứu cá nhân, phương pháp thủ tiêu sự cố mỏ;

 

- Phân tích được cấu tạo, nguyên lý làm việc, quy trình, quy phạm vận hành các loại thiết bị mỏ sau: máy bốc xúc đất đá làm việc theo chu kỳ đổ về phía sau, đổ bên hông; máy liên hợp đào lò; máng cào, băng tải, trục tời, quạt gió;

 

- Trình bày được nguyên tắc tổ chức công tác ở lò chuẩn bị;

 

- Trình bày được những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, pháp luật, quốc phòng an ninh, giáo dục thể chất theo quy định.

 

         2.2. Kỹ năng

 

- Vận hành thành thạo các thiết bị: máy khoan điện, khoan khí ép; máy bốc xúc theo chu kỳ có gầu xúc, máy cào vơ, máy xúc đổ bên, máng cào, băng tải, tời trục; quạt cục bộ;

 

- Tổ chức đào lò trong than, đào lò trong đá bằng khoan nổ mìn theo hộ chiếu theo công nghệ thành thạo, an toàn;

 

- Tổ chức đào lò trong than bằng máy liên hợp đào lò theo hộ chiếu theo công nghệ thành thạo, an toàn;

 

- Chống giữ thành thạo các đường lò bằng vì chống bằng gỗ, bằng kim loại và bê tông cốt thép khi đào các đường lò trong đá, trong than, hầm trạm;

 

- Chống giữ thành thạo đường lò đào trong đá bằng bê tông, bê tông - cốt thép, gạch đá, vì chống neo và bê tông phun;

 

- Củng cố thành thạo các đoạn lò xung yếu bằng các hình thức đánh khuôn, chống dặm;

 

- Sửa chữa, thay thế các cột, xà của vì chống gỗ, kim loại bị hư hỏng trong các đường lò và ngã ba, ngã tư thành thạo đúng quy trình;

 

- Sử dụng thành thạo các phương tiện tự cứu, đo kiểm tra khí mỏ, cấp cứu người bị nạn;

 

- Sử dụng được công nghệ thông tin cơ bản theo quy định; khai thác, xử lý, ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn của ngành, nghề;

 

- Sử dụng được ngoại ngữ cơ bản, đạt bậc 2/6 trong Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam; ứng dụng được ngoại ngữ vào công việc chuyên môn của ngành, nghề.

 

         2.3. Mức độ tự chủ và trách nhiệm

 

- Có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết được những tình huống phức tạp trong thực tế;

 

- Tổ chức thực hiện được công việc, hướng dẫn và giám sát quá trình thực hiện các công việc trong điều kiện làm việc thay đổi;

 

- Chủ động, nghiêm túc và tự tin trong thực hiện nhiệm vụ và có trách nhiệm trong công tác, vị trí được phân công trên nguyên tắc dám nghĩ, dám làm;

 

- Chịu trách nhiệm về máy móc thiết bị, con người được giao quản lý và tiến độ, chất lượng công việc;

 

- Tuân thủ tuyệt đối và có trách nhiệm giám sát đồng nghiệp chấp hành các quy định về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động.

 

          2.4. Chính trị, đạo đức; Thể chất và Quốc phòng

 

   - Chính trị, đạo đức:

 

+ Nhận thức: Có hiểu biết một số kiến thức phổ thông về Chủ nghĩa Mác - Lênin, Hiến pháp, Pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam.

 

Có hiểu biết về đường lối phát triển kinh tế của Đảng, thành tựu và định hướng phát triển công nghiệp của địa phương, khu vực, vùng miền.

 

+ Đạo đức - tác phong: Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa. Thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của người công dân; sống và làm việc theo Hiến pháp - Pháp luật. Yêu nghề, có ý thức cộng đồng và tác phong làm việc của một công dân sống trong xã hội công nghiệp. Có thói quen lao động nghề nghiệp, sống lành mạnh phù hợp với phong tục, tập quán và truyền thống văn hóa dân tộc. Luôn có ý thức học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ đáp ứng nhu cầu của công việc.

 

- Thể chất - Quốc phòng:

 

+ Thể chất: Đủ sức khỏe để làm việc lâu dài trong điều kiện năng động của các xí nghiệp công nghiệp. Sức khỏe đạt yêu cầu theo phân loại của Bộ Y tế. Có hiểu biết về các phương pháp rèn luyện thể chất, ý thức xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

 

+ Quốc phòng: Hiểu biết những kiến thức, kỹ năng cơ bản cần thiết trong chương trình giáo dục quốc phòng. Có ý thức tổ chức kỹ luật và tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

 

         3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp

 

Sau khi tốt nghiệp người học có năng lực đáp ứng các yêu cầu tại các vị trí việc làm của ngành, nghề bao gồm:

 

- Xúc dọn, vận chuyển vật tư;

 

- Bốc xúc, vận tải;

 

- Đào, chống lò chuẩn bị;

 

- Khấu, chống lò khai thác;

 

- Củng cố, khôi phục đường lò;

 

- Chống lò chuẩn bị bằng bê tông cốt thép.

 

         4. Khả năng học tập, nâng cao trình độ

 

- Khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp ngành, nghề Kỹ thuật xây dựng mỏ, trình độ cao đẳng có thể tiếp tục phát triển ở các trình độ cao hơn;

 

- Người học sau tốt nghiệp có năng lực tự học, tự cập nhật những tiến bộ khoa học công nghệ trong phạm vi ngành, nghề để nâng cao trình độ hoặc học liên thông lên trình độ cao hơn trong nhóm ngành, nghề hoặc trong cùng lĩnh vực đào tạo./.


TIN LIÊN QUAN


TIN TỨC - SỰ KIỆN

Xem thêm...

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG

Trụ sở chính: Số 54 - Khu Liên Phương - P. Phương Đông - TP Uông Bí - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.854497 - Fax:02033.854302

Địa điểm đào tạo số 01: Phường Hà Phong - TP Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh

Địa điểm đào tạo số 02: Nguyễn Văn Trỗi - P. Cẩm Thủy - TP Cẩm Phả - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.862091 - 02033.969661 - Fax:02033.864950

Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn

TAG BÀI VIẾT

BẢN ĐỒ CHỈ DẪN

PAGE FACEBOOK

Xét tuyển trực tuyến Nhập học trực tuyến
Xét tuyển trực tuyến
Nhập học trực tuyến