Thông cáo báo chí về Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, Đề án Đổi mới quản lý Giấy phép lái xe, Đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020

Thông cáo báo chí về Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông, Đề án Đổi mới quản lý Giấy phép lái xe, triển khai Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020.

 

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Số: 4191/BGTVT-VP

 
 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆTNAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2012

 

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

NỘI DUNG THỨ NHẤT.
Về Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông

Đề án do Tổng cục ĐBVN xây dựng, được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-BGTVT ngày 12 tháng 3 năm 2012, gồm 02 phần:

Phần I. Hiện trạng công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX

Thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Bộ Giao thông vận tải đã tập trung xây dựng, ban hành đủ và thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa, hệ thống cơ sở đào tạo và Trung tâm sát hạch lái xe đã được xây dựng hoàn thiện, phân bổ hợp lý trong toàn quốc, đến nay cả nước có: 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 296 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 84 Trung tâm sát hạch lái xe, đáp ứng nhu cầu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của người dân theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại và tiện lợi.

Tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo, nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo hiện tại phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và thực tiễn; Cở sở vật chất, trang thiết bị của trung tâm sát hạch đã đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe theo hướng hiện đại, tự động hóa, công khai minh bạch, phù hợp với thực tế; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX được tăng cường.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những hạn chế trong triển khai hoặc phát sinh tiêu cực cần được khắc phục như:

1. Mức thu học phí đào tạo lái xe thu theo theo quy định của Bộ Tài chính trước đây còn thấp không đáp ứng được chi phí đào tạo, nên có cơ sở đào tạo chưa giảng dạy đủ nội dung, chương trình đào tạo cho người học theo quy định;

2. Bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết chưa nhiều, chưa phù hợp giáo trình đào tạo đã được sửa đổi năm 2011, kích thước hình sát hạch và thời gian thực hiện từng bài sát hạch chưa phù hợp; nội dung sát hạch lái xe trên 2km đường trường vẫn thực hiện theo hình thức sát hạch viên ngồi trên xe ra tình huống, chấm điểm, nên chưa khách quan, công khai, minh bạch, dễ xảy ra tiêu cực như các cơ quan báo chí đã nêu hoặc qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý.

3. Giấy phép lái xe cũ còn đơn giản, sử dụng công nghệ in còn lạc hậu, độ bảo mật chưa cao, nên dễ bị tẩy xóa, làm giả; chưa có hệ cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc, nên chưa theo dõi được vi phạm của người lái xe.

Phần II. Mục tiêu, giải pháp nâng cao chất lượng ĐTSH, cấp GPLX

I. Mục tiêu

Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng điều khiển phương tiện trên đường của đội ngũ lái xe; tạo ra đội ngũ lái xe có tay nghề cao, có đạo đức nghề nghiệp và văn hóa khi tham gia giao thông góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

II. Giải pháp

1. Hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL về ĐTSH, cấp GPLX

Trong năm 2012, thực hiện sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX.

2. Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe

2.1 Tổ chức thực hiện các quy định bổ sung về tiêu chuẩn kỹ thuật nghiệp vụ chuyên môn của cơ sở đào tạo, cụ thể là: Nghiên cứu, điều chỉnh cách tính lưu lượng đào tạo lái xe ô tô phù hợp thực tế, đảm bảo chất lượng; Quy định số lượng hệ thống phòng học, trang thiết bị giảng dạy phù hợp với các cơ sở đào tạo có lưu lượng trên 1000 học viên; Quy định tỷ lệ (%) số xe tập lái có niên hạn sử dụng không quá 10 năm; Quy định tỷ lệ (%) xe tập lái hợp đồng (xe không do cơ sở đào tạo đầu tư), xe tập lái có tải trọng dưới 3500 kg; Quy định cụ thể số lượng xe tập lái hạng B1, B2 có sử dụng hộp số tự động; Điều chỉnh tăng số km học thực hành lái xe trên đường và số giờ học thực hành lái xe phù hợp với số km thực hành lái; Bổ sung quy định thời gian, số km thực hành lái xe trên xe tập lái hạng B1, B2 sử dụng hộp số tự động; Bổ sung quy định mẫu hợp đồng và thanh lý hợp đồng đào tạo giữa người học và cơ sở đào tạo; Bổ sung quy định về nội dung kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp nghề hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp.

2.2 Tổ chức tập huấn lại đội ngũ giáo viên dạy lái xe tại tất cả cơ sở đào tạo lái xe ô tô để nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức mới và tổ chức đánh giá, phân loại.

2.3 Thực hiện giám sát tất cả các kỳ kiểm tra cấp chứng chỉ sơ cấp nghề và giấy chứng nhận tốt nghiệp;

2.4 Ban hành Giáo trình đào tạo lái xe mô tô mới phù hợp quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và bổ sung các nội dung đào tạo liên quan đến việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, kỹ năng điều khiển xe mô tô khi tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng;

2.5 Xây dựng VIDEO Clip về các trường hợp tai nạn giao thông điển hình do không chấp hành đúng các quy định khi tham gia giao thông và tổ chức để lồng ghép vào chương trình đào tạo lái xe tại các cơ sở đào tạo.

2.6 Thực hiện quản lý đào tạo theo quy định; cập nhật đầy đủ các thông tin vào cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe toàn quốc để các cơ quan chức năng theo dõi giám sát.

3. Nâng cao chất lượng sát hạch lái xe

- Nghiên cứu, sửa đổi ban hành bộ câu hỏi và phần mềm dùng để sát hạch lái xe cơ giới đường bộ mới để tăng số lượng câu hỏi từ 405 lên 450 câu để bổ sung các nội dung liên quan đến việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống trên đường, khuyến khích người học tích cực tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu, hạn chế tình trạng học tủ, học vẹt.

- Lắp camera, màn hình hiển thị để công khai quá trình và kết quả sát hạch lý thuyết và thực hành.

- Bổ sung quy định lắp đặt camera, thiết bị phát sóng trên ô tô sát hạch để giám sát quá trình thí sinh thực hiện bài sát hạch thực hành lái xe trong hình và gửi dữ liệu về máy tính điều hành thiết bị chấm điểm để in ảnh của thí sinh vào biên bản tổng hợp kết quả sát hạch.

- Bổ sung máy ảnh, camera, thiết bị giám sát, lưu trữ và truyền dữ liệu quá trình thực hiện bài sát hạch của thí sinh và quá trình thực hiện nhiệm vụ của sát hạch viên khi sát hạch thực hành lái xe trên đường.

- Điều chỉnh kích thước hình của bài sát hạch ghép xe vào nơi đỗ hạng B1, B2 và C; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện từng bài sát hạch và tổng thời gian thực hiện các bài sát hạch trong sân để nâng cao chất lượng.

- Thực hiện nối mạng các trung tâm sát hạch lái xe toàn quốc với cơ sở dữ liệu trung ương; cập nhật đầy đủ, kịp thời các thông tin để phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, giám sát.

- Nâng cao tiêu chuẩn và tổ chức tập huấn lại đội ngũ sát hạch viên.

4. Nâng cao chất lượng quản lý, cấp giấy phép lái xe

Thực hiện Dự án đổi mới giấy phép lái xe và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc nhằm quản lý tốt công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, khắc phục tình trạng sử dụng giấy phép lái xe giả và phục vụ công tác tra cứu và theo dõi vi phạm của người lái xe.

5. Nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra, giám sát

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động đào tạo, thi tốt nghiệp, sát hạch và cấp GPLX ở tất cả các cấp trung ương, địa phương.

- Thực hiện quản lý đào tạo lái xe theo phần mềm của dự án xây dựng hệ cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc và công khai các báo cáo đăng ký học, sát hạch, kế hoạch đào tạo và tiến độ đào tạo các khoá học lên trang Web để các cơ quan chức năng theo dõi, giám sát.

- Tăng cường kiểm tra đột xuất các khóa đào tạo, các kỳ sát hạch.

Với các giải pháp đã nêu trên, nếu được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, có sự tham gia đầy đủ, kiên quyết của các cơ quan chức năng, các cơ sở đào tạo lái xe, các trung tâm sát hạch lái xe và sự đồng tình hưởng ứng của người học, sẽ khắc phục các tồn tại trong công tác quản lý ĐTSH, cấp GPLX thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

NỘI DUNG THỨ II.
Về triển khai Đề án Đổi mới quản lý Giấy phép lái xe

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Đề án Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 513/QĐ-BTGVT ngày 12 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Theo đó, cùng với tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong nhiều năm qua, số lượng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và số người có Giấy phép lái xe tăng nhanh. Để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường bộ, trật tự an toàn giao thông và hội nhập quốc tế, công tác đổi mới quản lý Giấy phép lái xe theo hướng hiện đại là đòi hỏi khách quan và cấp bách.

I. Đổi mới quản lý Giấy phép lái xe

1. Về Giấy phép lái xe

Cả nước hiện có trên 32 triệu Giấy phép lái xe với 3,1 triệu Giấy phép lái xe ôtô và 29 triệu giấy phép lái xe môtô. Giấy phép lái xe hiện hành có kích thước khổ A8, làm bằng giấy bìa có hoa văn, in sẵn một số thông tin cơ bản có bảo mật trên phôi và foi chống làm giả. Giấy phép lái xe in bằng máy in thông thường, ảnh người lái xe dán trực tiếp và đóng dấu nổi giáp lai; được cấp có thẩm quyền ký, đóng dấu, sau đó phủ bằng một lớp màng ép plastic với các ký hiệu bảo mật. Trong quá trình sử dụng, Giấy phép lái xe dễ bị hỏng, nhàu nát, phai nhạt, ẩm mốc, bị sửa, thay ảnh, làm giả. Giấy phép lái xe hiện tại chưa có song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh nên chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập.

2. Về quản lý Giấy phép lái xe

Từ năm 1996, Cục Đường bộ Việt Nam (trước đây) đã xây dựng phần mềm in Giấy phép lái xe và quản lý danh sách người được cấp giấy phép lái xe, tổ chức tập huấn chuyển giao cho các Sở Giao thông vận tải thực hiện. Tuy nhiên, dữ liệu Giấy phép lái xe ở các địa phương đến nay vẫn được chuyển về Tổng cục Đường bộ Việt Nam bằng hình thức báo cáo, chưa được nối mạng toàn quốc, nên việc quản lý còn phân tán. Do chưa hình thành được cơ sở dữ liệu tập trung nên chưa theo dõi được vi phạm của người lái xe, không ít người lợi dụng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính đã giả báo mất giấy phép lái xe để được cấp lại, làm cho việc xác minh giấy phép lái xe của cơ quan quản lý khi đổi giấy phép lái xe gặp rất nhiều khó khăn.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý giấy phép lái xe, phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, hội nhập quốc tế, phục vụ người dân, cơ quan, đơn vị sử dụng người lái xe trong tuyển dụng, quản lý, giáo dục người lái xe theo hướng công khai, minh bạch, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nghiên cứu lập Đề án đổi mới Giấy phép lái xe và xây dựng hệ cơ sở dữ liệu Giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc với những nội dung cơ bản dưới đây:

II. Nội dung cơ bản của Đề án Đổi mới quản lý Giấy phép lái xe

1. Về đổi mới, hiện đại hóa Giấy phép lái xe

- Giấy phép lái xe mới làm bằng chất liệu PET, có kích thước nhỏ gọn: 85,6 x 53,98 x 0,76 mm theo tiêu chuẩn ICAO loại ID-1, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo độ bền cơ học, chịu ẩm, chịu nhiệt phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Giấy phép lái xe mới in ảnh trực tiếp của người lái xe, sử dụng công nghệ IPI mã hóa thông tin ẩn trên ảnh của người lái xe; các thông tin này được hiển thị dưới kính giải mã đơn giản và tiện dụng đối với lực lượng tuần tra kiểm soát, trên Giấy phép lái xe còn có hoa văn bảo mật và foi chống làm giả.

- Giấy phép lái xe mới sử dụng 01 số Giấy phép lái xe duy nhất cho người lái xe, ứng dụng chữ ký số để bảo mật ảnh chữ ký và con dấu của người phê duyệt cấp giấy phép lái xe, nên sẽ hạn chế tới mức thấp nhất khả năng làm giả hoặc tẩy xóa, sửa chữa Giấy phép lái xe.

- Để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, Giấy phép lái xe mới sử dụng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh. Việt Nam hiện đã tham gia ký kết Hiệp định công nhận Giấy phép lái xe giữa các nước trong khối Asean; các Hiệp định, Nghị định thư về vận tải đường bộ với Trung Quốc, Lào, Campuchia và hiệp định GMS; đang thực hiện các bước để gia nhập Công ước Quốc tế (Công ước Viên) về công nhận giấy phép lái xe của nhau với trên 150 nước tham gia.

2. Về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hình thành hệ cơ sở dữ liệu quản lý Giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc

- Đề án có nội dung quan trọng là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hình thành cơ sở dữ liệu về Giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc. Theo đó, có 12 phần mềm được áp dụng thống nhất trong quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi Giấy phép lái xe. . . phần mềm cập nhật các vi phạm của người lái xe và hình thành cổng thông tin điện tử về Giấy phép lái xe toàn quốc.

- Hệ cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc tạo điều kiện để lực lượng tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm của Ngành Công an và cơ quan, doanh nghiệp sử dụng người lái xe dễ dàng cập nhật, khai thác, truy cập vào cổng thông tin điện tử về Giấy phép lái xe của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong xác thực và theo dõi vi phạm của người lái xe; các cơ quan quản lý chủ động rà soát, xử lý những người đã bị lực lượng chức năng thu hồi Giấy phép lái xe giả báo mất để được cấp lại Giấy phép lái xe; hạn chế việc sử dụng Giấy phép lái xe giả hoặc sử dụng nhiều Giấy phép lái xe; giảm bớt thủ tục, thời gian xác minh Giấy phép lái xe.

III. Kết quả thực hiện Đề án

Đến nay các công việc chuẩn bị cho việc thực hiện đề án đã cơ bản hoàn thành đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Nghị Quyết 88/NQ-CP ngày 24/08/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, cụ thể như sau:

1. Bộ Tài chính vừa có Thông tư số 73/2012/TT-BTC ngày 14/5/2012 quy định mức thu lệ phí đối với Giấy phép lái xe làm bằng vật liệu PET., làm cơ sở cho việc triển khai cấp Giấy phép lái xe mới trên toàn quốc.

2. Để đưa Giấy phép lái xe mới bằng vật liệu PET vào sử dụng từ ngày 01/7/2012, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1207/QĐ-BGTVT ngày 29/5/2012. Giai đoạn đầu Giấy phép lái xe mới sẽ áp dụng cho cho các trường hợp cấp mới, cấp đổi cho người có giấy phép lái xe hết thời hạn sử dụng, cấp lại cho người có giấy phép lái xe bị mất, hỏng. Bộ Giao thông vận tải cũng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng kế hoạch, lộ trình chuyển đổi giấy phép lái xe không thời hạn gồm Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 sang Giấy phép lái xe mới. Để có thời gian chuẩn bị cho những Sở Giao thông vận tải hiện vẫn đang gặp khó khăn về kinh phí, thủ tục đầu tư, Bộ Giao thông vận tải cho phép những Sở Giao thông vận tải này được tiếp tục sử dụng phôi giấy phép lái xe hiện hành, nhưng không quá ngày 01/7/2013, tức là 01 năm kể từ ngày Giấy phép lái xe mới được ban hành. Bộ Giao thông vận tải cũng quy định để những người hiện có Giấy phép lái xe còn thời hạn được tiếp tục sử dụng theo hạn ghi trên Giấy phép lái xe.

3. Theo báo cáo của 46/63 Sở Giao thông vận tải, đến nay có 30 Sở đã chuẩn bị sẵn sàng cấp Giấy phép lái xe mới trong tháng 7 năm 2012; 05 Sở thực hiện trong tháng 8/2012 là Hà Nam, Phú Thọ, Sóc Trăng, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu; Sở GTVT Bến Tre sẵn sàng trong tháng 9/2012; các Sở Giao thông vận tải Bình Dương và Kiên Giang tháng 10/2012; 09 Sở Giao thông vận tải đang chờ kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị là: Bình Phước, Đăk Lăk, Gia Lai, Lai Châu, Phú Yên, Hà Giang, Hậu Giang, Hòa Bình, Tiền Giang), còn lại 16 Sở Giao thông vận tải đang trong quá trình đầu tư hiện chưa báo cáo.

Đề án Đổi mới quản lý Giấy phép lái xe là bước đi quan trọng của ngành Giao thông vận tải trong việc hiện đại hóa công tác quản lý, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc triển khai thành công Đề án đổi mới quản lý Giấy phép lái xe, Dự án xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý Giấy phép lái xe thống nhất toàn quốc sẽ góp phần vào bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phù hợp xu hướng hội nhập Quốc tế; bảo đảm thực hiện có hiệu quả Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đề án phù hợp chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Bộ máy Nhà nước theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Ban chấp hành Trung ương Đảng Khoá X; Đáp ứng yêu cầu về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng của Bộ Giao thông vận tải tại Nghị quyết 45/NQ-CP ngày 16/11/2010 của Chính phủ.

 

NỘI DUNG THỨ III. 
Về triển khai Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020

1. Nội dung chính của Đề án đang được triển khai thực hiện

Quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt của các tỉnh, thành phố

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập quy hoạch phát triển mạng lưới tuyến xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020 để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân trước mắt và lâu dài, góp phần hạn chế được vấn đề ùn tắc giao thông trên địa bàn tỉnh, thành phố; Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung quy hoạch lại mạng lưới tuyến xe buýt hiện có, kết hợp với việc đầu tư các tuyến xe buýt nhanh vận chuyển khối lượng lớn và hệ thống đường sắt đô thị, tàu điện ngầm trong thời gian tới; Nghiên cứu lập quy hoạch để đưa dịch vụ xe buýt kết nối giữa trung tâm thành phố, thị xã với trung tâm các huyện, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân đối với các tỉnh trung du, miền núi.

Nội dung này đã được Bộ Giao thông vận tải đôn đốc các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện tại Công văn số 2904/BGTVT-VT ngày 16 tháng 4 năm 2012.

2. Đầu tư phương tiện tham gia hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý miễn thuế nhập khẩu đối với phụ tùng, linh kiện để sản xuất lắp ráp xe buýt của Dự án đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (Công văn số 2366/VPCP-KTTH ngày 10/4/2012), hiện tại các đơn vị đang triển khai thực hiện.

3. Quản lý chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

- Các tỉnh, thành phố có số lượng tuyến xe buýt lớn, do nhiều đơn vị tham gia vận chuyển hành khách cần nghiên cứu thành lập trung tâm quản lý hoạt động vận tải hành khách công cộng để giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ xe buýt; Ứng dụng công nghệ mới để quản lý, điều hành đối với hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt;

Hiện tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt để kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ. Thí điểm ứng dụng bán vé bằng máy và sử dụng vé điện tử khi đi xe buýt.

- Quy định về đấu thầu áp dụng trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt bảo đảm tính minh bạch nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ; xây dựng định mức khung kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt; Tuyên truyền đến người dân về lợi ích, tác dụng của việc đi xe buýt, các thông tin về chất lượng dịch vụ xe buýt, các cơ chế chính sách đối với người đi xe buýt như: miễn vé, giá vé tháng ưu đãi;

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1029/QĐ-BGTVT ngày 08 tháng 5 năm 2012 giao nhiệm vụ thực hiện Đề án phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020. Trong đó giao cụ thể cho các đơn vị thực hiện các nội dung được phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

 
Nơi nhận:
- Các cơ quan thông tin báo chí;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Các Vụ: VT; TCCB;
- Tổng cục ĐBVN;
- Lưu VT - TTTT.
TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG





Nguyễn Văn Lưu
 
 
 

 


TIN LIÊN QUAN


TIN TỨC - SỰ KIỆN

Xem thêm...

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG

Trụ sở chính: Số 54 - Khu Liên Phương - P. Phương Đông - TP Uông Bí - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.854497 - Fax:02033.854302

Địa điểm đào tạo số 01: Phường Hà Phong - TP Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh

Địa điểm đào tạo số 02: Nguyễn Văn Trỗi - P. Cẩm Thủy - TP Cẩm Phả - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.862091 - 02033.969661 - Fax:02033.864950

Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn

TAG BÀI VIẾT

BẢN ĐỒ CHỈ DẪN

PAGE FACEBOOK

Xét tuyển trực tuyến Nhập học trực tuyến
Xét tuyển trực tuyến
Nhập học trực tuyến