PGS. TS Phạm Xuân Mỹ - Giảng viên cao cấp, Nguyên trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ “mẹo” đạt điểm cao môn Lịch sử.
Phân định vùng kiến thức
Với kinh nghiệm nhiều năm chấm thi đại học môn Lịch sử, thầy Mỹ cho biết, lỗi thí sinh hay mắc nhất là không đọc kĩ đề bài dẫn đến lạc đề. Điều này có thể do thí sinh chưa chủ động kiến thức, học tủ, học lệch. Đặc biệt là đối với câu hỏi mở, phân loại thí sinh. Vì vậy, thí sinh cần khoanh vùng kiến thức, tìm từ khóa cho mỗi câu hỏi tránh lan man.
Ví dụ: Phân tích những nguyên nhân dẫn đến việc Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Dạng bài này, nhiều thí sinh lại trình bày hoàn cảnh, xuất thân của Bác. Từ khóa ở đây sẽ là từ “nguyên nhân”. Thí sinh sẽ phải trình bày hoàn cảnh Việt Nam tại thời điểm đó. Những tác động sâu xa khiến người thanh niên trẻ quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.
Lỗi thứ hai thí sinh hay mắc phải là không làm đầy đủ các câu trong đề thi. Đề thi đại học những năm gần đây thường có ba câu: hai câu lịch sử Việt Nam (chiếm 7 điểm), một câu lịch sử thế giới (chiếm 3 điểm). Trong quá trình ôn luyện, thí sinh thường quan tâm đến lịch sử Việt Nam dẫn đến mất hoàn toàn 3 điểm ở câu lịch sử thế giới. Vì vậy, thí sinh cần ôn toàn diện, tránh học tủ, mất điểm đáng tiếc.
Theo thầy Mỹ, bên cạnh việc nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, thí sinh cần vận dụng cả kiến thức tổng hợp (Ảnh minh họa)
Thầy Mỹ cũng đưa ra phương pháp chọn lọc ý để học. Đối với lịch sử Việt Nam sẽ có một số mốc quan trọng: Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam bao gồm các kiến thức tình hình thế giới, tình hình trong nước, các phong trào yêu nước, Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước, sự ra đời của Đảng và ý nghĩa; Phong trào yêu nước giai đoạn 1930 – 1945 bao gồm 3 giai đoạn 1930 – 1931, 1936 - 1939, 1939 – 1945 với cao trào kháng Nhật cứu nước; Phong trào đấu tranh chống Pháp giai đoạn 1945 – 1954 với chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ ne vơ; Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh chống Mỹ cứu nước ở miền Nam với cuộc tổng tiến công và nổi dây năm 1975; Phong trào xây dựng chủ nghĩa xã hội từ 1975 – 1986; Giai đoạn 1986 – nay. “Mỗi giai đoạn, thí sinh cần nắm vững được ý nghĩa của từng mốc lịch sử và 11 kì đại hội Đảng”, thầy Mỹ chia sẻ.
Phần lịch sử thế giới có một số kiến thức trọng tâm: Chiến tranh thế giới thứ nhất; Chiến tranh thế giới thứ 2, Cách mạng tháng Mười Nga và Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật. Đặc biệt đối với kiến thức về Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, thí sinh cần nắm vững tình hình thời sự ở thời điểm hiện tại và liên hệ thực tế để ghi điểm tối đa.
Diễn đạt mạch lạc, đủ ý
Trong quá trình làm bài, thí sinh thường viết lan man, diễn đạt lủng củng, không đủ ý gây tâm lý ức chế đối với cán bộ chấm thi. Để khắc phục lỗi này, thí sinh viết ngắn gọn, rõ ràng. Liên tục làm các đề thi thử để rèn luyện kĩ năng và tâm lý làm bài. Đối với lịch sử, thí sinh có thể gạch đầu dòng để ăn điểm mỗi ý. Hết ý phải xuống dòng, tránh viết nhiều ý trong cùng một đoạn.
Những năm gần đây, Bộ GD&ĐT có xu hướng ra đề tập trung vào câu hỏi mở, phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh. Vì vậy bên cạnh việc nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, thí sinh cần vận dụng cả kiến thức tổng hợp.
Ví dụ: Anh (chị) trình bày những sự kiện quan trọng dẫn tới việc Mỹ kí hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam? Dạng đề này, thí sinh phải trình bày được 2 ý lớn: Chiến dịch Mậu Thân (1968) đánh bại ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải rút quân hoàn toàn ra khỏi miền Nam Việt Nam; Khi Mỹ quay trở lại thực hiện chính sách Việt Nam hóa chiến tranh và thắng lợi vang dội nhất của nhân dân là đánh bại cuộc tập kích của Mỹ bằng trận Điện Biên Phủ trên không (1972). Từ hai thắng lợi này buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán kí Hiệp định Pari vào ngày 27/1/1973.
Thí sinh cũng nên phân phối thời gian làm bài hợp lý vì trong đề thi đại học, mỗi câu có kết cấu điểm rõ ràng. Câu nào nhiều kiến thức, nhiều điểm tập trung nhiều thời gian. Nên để ra 15 phút đầu phân tích đề và lập dàn bài để tránh mất ý. Không nên trình bày khi không nhớ chính xác số liệu. Đi vào phân tích nguyên nhân và ý nghĩa của sự kiện để “gỡ” điểm.
“Dành 15 phút cuối giờ để kiểm tra lại bài. Nếu bỏ sót ý có thể bổ sung ở phía dưới bài thi”, thầy Mỹ nhấn mạnh.
Nguồn 24h.com.vn