Trao đổi với Tiền Phong, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng, cách thức đổi mới thi cử mà Bộ GD&ĐT đang triển khai đã đẩy môn Sử ra khỏi ý thức học sinh.
GS Phan Huy Lê nói:
Tất cả chúng ta đều dễ dàng thống nhất với nhau, trong xu hướng tiến tới đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục thì cải cách chế độ thi cử là rất cần thiết. Nhưng cách mà Bộ GD&ĐT đang làm thì có lẽ họ cũng chưa lường hết hệ quả của nó.
Họ cho học sinh thi bốn môn, trong đó hai môn bắt buộc là Toán và Văn, hai môn tự chọn trong số các môn còn lại. Kết quả đăng ký dự thi thì như truyền thông phản ánh, với hai môn tự chọn thì phần lớn học sinh lựa chọn môn ngoại ngữ và một trong số các môn khoa học tự nhiên. Các môn khoa học xã hội nói chung, cả Sử và Địa đều rất ít. Có những trường không em nào chọn môn Sử hoặc Địa.
Cá nhân tôi nghĩ, việc học sinh sẽ bỏ môn Sử, Địa và chọn các môn Khoa học tự nhiên là không có gì ngạc nhiên. Xét về lợi ích trước mắt của học sinh thì lựa chọn này giúp các em thuận lợi cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Nhưng về phương diện yêu cầu giáo dục phổ thông, đây là vấn đề rất nghiêm trọng.
GS Phan Huy Lê và đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Ban tuyên giáo Trung ương trao thưởng cho sáu em đạt giải nhất (Ảnh: Như Ý)
Trong giáo dục phổ thông hiện tại chưa thực hiện dạy học phân hóa, dù nó được nêu lên và thảo luận rất nhiều lần. Như vậy, yêu cầu giáo dục phổ thông vẫn phải bao gồm giáo dục toàn diện tất cả các môn học trong cấp THPT. Nhưng cách thi cho học sinh được tự lựa chọn như thế khiến môn Sử và toàn bộ các môn khoa học xã hội cũng như những môn được dư luận cho là phụ bị hạ thấp xuống.
Nguy hiểm hơn, dù Bộ GD&ĐT nhắc nhở và chỉ đạo các trường không được nhanh chóng “thanh toán” môn học để tập trung cho các môn thi thì trên thực tế điều đó vẫn xảy ra.
“Ai mà có dịp đọc SGK thì sẽ thấy nó rất chán. Tôi mà là học sinh tôi cũng phải chán”.
Giáo sư Phan Huy Lê
|
Như chúng ta biết, trong giáo dục phổ thông, nhiều nước trên thế giới khẳng định họ cực kỳ coi trọng môn Sử bởi nó không chỉ cung cấp kiến thức của các môn học mà còn có một vai trò rất quan trọng để hình thành nhân cách, bản lĩnh và giáo dục năng lực tư duy cho học sinh.
Trong nhà trường chúng ta, nó vốn đã bị học sinh coi thường, giờ các em lại được từ bỏ để chuyển sang các môn khác thì hệ quả sẽ ra sao đây? Chúng ta sẽ có những công dân mù tịt về sử học, trong đó có lịch sử dân tộc. Và tôi rất lo lắng về vấn đề này.
Nhưng theo giáo sư, ngoài việc chạy theo lợi ích phục vụ kỳ thi tuyển sinh ĐH, học sinh không chọn môn Sử còn do điều gì?
Thực trạng dạy học Sử thấp kém như vậy hoàn toàn không phải do bản thân môn Sử nhàm chán, bởi lịch sử phong phú và đầy sức hấp dẫn. Cũng không phải là do học sinh có thái độ quay lưng lại với lịch sử. Nó hoàn toàn do cách giáo dục lịch sử trong nhà trường phổ thông hiện nay. Vì sao?
Trước hết, quan điểm về dạy Sử như thế nào chưa được xác lập rõ ràng. Thứ hai, chương trình hiện hành và đặc biệt là SGK có rất nhiều vấn đề. Ai mà có dịp đọc SGK thì sẽ thấy nó rất chán. Tôi mà là học sinh tôi cũng phải chán. La liệt sự kiện, rất nặng nề. Thừa rất nhiều cái mà lại thiếu những cái rất căn bản. Nhất là thiếu sức hấp dẫn với học sinh. Kèm theo nó là cách dạy như thế nào cũng là một vấn đề.
Nhưng có ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT để học sinh tự chọn sẽ thúc đẩy việc dạy và học các môn học đi vào chất lượng thực, không gò ép học sinh học những môn mà các em không yêu thích hoặc không có sở trường?
Cách lý giải trên chỉ hợp lý khi mà giảng dạy môn sử ở phổ thông thật sự thay đổi. Còn thực trạng dạy học môn Sử hiện nay là học sinh không thích môn Sử, rất chán môn Sử, như thế nếu để cho các em tự chọn thì mặc nhiên các em loại bỏ môn Sử.
Về mặt lý thuyết, việc cho các em được chọn môn học mà mình yêu thích thì không sai, nhưng thực tế điều kiện để thực hiện được nó còn rất xa vời.
Tôi nhắc lại, ai cũng biết việc dạy học môn Sử hiện nay không hiệu quả, học sinh không thích, không muốn lựa chọn. Như vậy khi đưa ra chủ trương cho học sinh tự chọn, nếu Bộ GD&ĐT nắm vững thực tế và có trách nhiệm với các môn học thì phải thấy trước hệ quả.
Tôi rất hoan nghênh tinh thần cải cách thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT triển khai, nhưng cách làm cụ thể thì tôi thấy có nhiều vấn đề cần nghiên cứu lại một cách nghiêm túc và cần phải có trách nhiệm hơn.
Cảm ơn ông.
“Mấy năm trước khi dư luận xôn xao về điểm không môn Lịch sử của nhiều thí sinh, tôi có tò mò mở SGK lịch sử. Tôi đồng ý là sách chán thật.
Rất nhiều sự kiện, rất nhiều ngày tháng, nhưng không hề có câu chuyện, không hề có phân tích, có ý kiến. Đành rằng SGK phải hạn chế yếu tố chủ quan, nhưng lịch sử là một khoa học nhân văn, loại hết yếu tố chủ quan thì nó chẳng còn gì.
Tôi nghĩ ngoài sức ép chính trị phải trình bày lịch sử theo một dòng chảy nào đó, người viết SGK có lẽ sợ sai, nên hầu như không đưa ra bất kỳ một nhận định nào làm cho lịch sử trở nên thú vị, để cho lịch sử làm sáng tỏ bối cảnh hiện tại” - GS Ngô Bảo Châu.
Vinh danh học sinh giỏi môn Lịch sử
Hôm qua, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử và Quỹ phát triển sử học Việt Nam đã tổ chức lễ tuyên dương và trao thưởng cho 217 học sinh trung học phổ thông đoạt giải quốc gia môn lịch sử.
Theo GS Phan Huy Lê, kể từ khi hội này tổ chức lễ vinh danh học sinh giỏi sử, năm nay lần đầu tiên Thủ đô Hà Nội có học sinh đạt giải nhất trong kỳ thi quốc gia môn sử. Năm nay, trong số sáu em được giải nhất, có bốn em đến từ hai trường THPT chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định và THPT chuyên Vĩnh Phúc.
Hoạt động tuyên dương và trao thưởng học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử trung học phổ thông đã được tiến hành trong ba năm qua và chắc chắn sẽ tiếp tục được duy trì trong các năm tới.
|
Nguồn 24h.com.vn