Sáng 8/8, Bộ GD-ĐT đã công bố 3 mức điểm sàn đại học, cao đẳng năm 2014. Theo đó, hệ đại học đối với khối A, A1, C và D, 3 mức điểm sàn là 13, 14, 17. Đối với khối B, 3 mức điểm sàn là 14, 15, 18. Đối với hệ cao đẳng, mức điểm sàn khối A, A1, C và D là 10 điểm, khối B là 11 điểm.
Phổ điểm không có dốc, dễ dàng xác định điểm sàn
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, nhận xét chung của hội đồng thi, phần lớn các khối thi có phổ điểm phân bố lý tưởng. Mức dịch chuyển cao nhất là 3 điểm ở khối A, A1, B. Khối C, D1 phổ điểm tương đương năm 2013.
Đường cong phổ điểm năm nay đều, không có dốc nên thuận lợi cho việc xác định ngưỡng xét tuyển, không có gia tăng đột ngột. Thêm nữa, lượng hồ sơ đăng ký giảm 20% nhưng số thí sinh đến dự thi tương đương năm ngoái (1.050.000). Như vậy, thí sinh đã quyết tâm và có bản lĩnh ngay từ đầu.
“Năm nay, điểm khác so với các năm trước, bộ không xác định điểm sàn mà xác định tiêu chí làm thế nào để học sinh có thể vào đại học, cao đẳng được. Như vậy, khi công bố 3 mức điểm tối thiểu sẽ đảm bảo được chất lượng đầu vào của các trường”, Thứ trưởng Ga chia sẻ.
Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị các trường, đặc biệt là trường tốp giữa, cân nhắc chọn mức xét tuyển cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh để các em không bị rủi ro. Các trường không nên vì chỉ tiêu mà lấy đầu vào thấp, như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.
Thứ trưởng Ga cho biết thêm, trước lúc công bố mức xét tuyển cơ bản, cũng có thành viên yêu cầu xác định tiêu chí học sinh đủ điều kiện vào học đại học là 15 điểm (điểm bình quân 5 điểm/môn). Tuy nhiên, Bộ không đồng ý, bởi từ trước đến nay việc xác định điểm sàn đều dựa trên phổ điểm, lấy trung vị (mức điểm đảm bảo 50% thí sinh đạt) của phổ điểm sau đó xác định điểm sàn tối thiểu. Sau khi thảo luận, Bộ GD đã quyết định đưa ra mức xét tuyển cơ bản hệ đại học, cao đẳng.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (người đang đứng), chủ trì cuộc họp thông báo mức điểm xét tuyển cơ bản hệ đại học, cao đẳng sáng 8/8
Các thành viên hội đồng xác định mức điểm xét tuyển cũng thống nhất với nhau, khi đưa ra 3 mức xét tuyển đối với hệ đại học sẽ có sự phân cấp, những trường ở tốp trên có thể chọn ở mức điểm cao nhất (17 điểm). Trường tốp giữa có thể chọn mức hai (14 điểm). Còn trường đang phát triển, chưa có sức hút đối với thí sinh có thể chọn mức thấp nhất (13 điểm).
Mức xét tuyển cơ bản đảm bảo dư thừa nguồn tuyển
Theo thứ trưởng Ga, những năm trước chỉ có một mức điểm sàn thế nên các trường tốp trên, không quan tâm nhiều đến điểm sàn. Tuy nhiên, nhóm trường ở tốp giữa lại quan tâm và thường lấy thí sinh từ điểm sàn trở lên. Điều này cũng dẫn đến hiện tượng trường dư thừa thí sinh, trường thiếu thí sinh. Vì vậy, năm nay, hội đồng xác định điểm sàn đã đưa ra 3 mức xét tuyển cơ bản. Các trường đại học sẽ phải căn cứ vào phổ điểm cơ bản để chọn mức điểm sàn phù hợp, sao cho thí sinh có thể vào trường.
Có ý kiến cho rằng việc đề xuất 3 mức xét tuyển khác nhau là không cần thiết, bởi những trường tốp trên, tốp trung vẫn có quyền lựa chọn mức điểm chuẩn tối thiểu để đảo bảo chỉ tiêu đầu vào.
Thứ trưởng Ga cho hay, khi Bộ GD-ĐT để cho các trường đại học tự chủ tuyển sinh, trường sẽ cân nhắc trong việc đảm bảo bảo uy tín, chất lượng, chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu trường đại học chọn mức thấp, xã hội sẽ đánh giá. Do đó, trường đại học cũng phải cân nhắc kỹ trong tuyển sinh làm sao để nâng cao uy tín của nhà trường.
Hiện tại Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo xếp hạng các trường đại học. Tiêu chí lấy thí sinh có chất lượng vào trường cũng là một tiêu chí quan trọng bộ đề cập tới. Vì vậy, việc chia làm 3 mức điểm xét tuyển năm nay cũng coi như một lần tập dượt cho các trường.
Việc làm này sẽ có ích trong tương lai, nếu như trường đại học tuyển thí sinh ở tốp cao thì chất lượng đầu vào sẽ cao hơn, tạo sức hút cho những năm sau. Khi Bộ GD-ĐT ban hành tiêu chí, phân tầng xếp hạng, các trường muốn giữ được ví trí xếp hạng cao phải luôn luôn tuyển học sinh ở tốp cao. Như vậy, chất lượng tuyển sinh hằng năm mới đảm bảo.
Nguồn 24h.com.vn