Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh tại chương trình dân hỏi – bộ trưởng trả lời phát sóng trên VTV, tối 17/8.
Thưa Bộ trưởng, trong cuộc họp báo quốc tế tháng 6 vừa qua do Bộ VH-TT&DL tổ chức, Bộ có đưa ra số liệu là lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 có giảm, đặc biệt là tháng 6 giảm đến 20%. Trước tình hình đó, Bộ VH-TT&DL đã có những giải pháp ứng phó kịp thời như thế nào?
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh: Trước tình hình đó, chúng tôi tập trung các giải pháp chính sau đây. Trước hết là đẩy mạnh công tác thông tin quảng bá về du lịch Việt Nam đối với thị trường trong nước và nước ngoài về một điểm đến du lịch an toàn, thân thiện và chất lượng.
Thứ hai là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch tại các thị trường mới và không lệ thuộc vào thị trường đã có. Thứ ba thực hiện chiến lược kích cầu du lịch nội địa người Việt Nam di du lịch Việt Nam và đề nghị các tỉnh, thành quan tâm đến các doanh nghiệp du lịch, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo ra môi trường kinh doanh du lịch hết sức thuận lợi.
Đặc biệt chú ý đến vấn đề an ninh, an toàn cho du khách. Cuối cùng là có cơ chế biện pháp để thu hút khách du lịch đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh
Thời gian qua một số công ty du lịch tại TP.HCM cũng đã triển khai các biện pháp để mở rộng thị trường du lịch sang khu vực châu Âu nhưng chưa quen với các thủ tục khắt khe như cấp Visa, giấy tờ liên quan. Vậy Bộ VH-TT&DL đã có những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho các công ty du lịch?
Các năm trước đây và hiện nay, chúng tôi đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và mở rộng các thị trường khác như Châu Âu và thông báo các hoạt động của Bộ, ngành tại thị trường này như tham gia các hội chợ,… các doanh nghiệp cũng phải chủ động theo dõi và cùng Bộ xúc tiến thị trường này.
Bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động, linh hoạt kịp thời đưa ra các giải pháp theo hướng là đa dạng hóa thị trường, để cùng Bộ xúc tiến thị trường ở Châu Âu nói riêng và các nước khác nói chung, trong đó có sự giúp đỡ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, làm sao phải giới thiệu quảng bá cho chính địa phương mình.
Tôi thường đi du lịch, thấy rằng đội ngũ hướng dẫn viên của ta còn thiếu và yếu. Có hiện tượng nhiều công ty du lịch đưa khách đến Việt Nam nhưng sử dụng hướng dẫn viên du lịch của nước ngoài để giới thiệu về danh lam thắng cảnh văn hóa của Việt Nam. Họ là người nước ngoài, làm sao hiểu văn hóa Việt Nam bằng hướng dẫn viên Việt. Vậy Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này, đồng thời nâng cao chất lượng và số lượng hướng dẫn viên du lịch trong nước?
Đây là câu hỏi rất thực tế. Chúng tôi biết được tình hình này, mấy năm trước đây đã chỉ đạo mấy giải pháp như thông báo rộng rãi và đặc biệt là đối với sinh viên về sự khan hiếm hướng dẫn viên du lịch quốc tế tại một số thị trường để các em theo học ngôn ngữ này sau đó có việc làm ngay.
Thứ hai là chúng tôi đã xây dựng và ban hành khung đào tạo ngắn hạn cho hướng dẫn viên du lịch và những quy định về tiêu chuẩn ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên quốc tế. Thứ ba là thường xuyên tổ chức các kỳ thi sát hạch về ngoại ngữ và chuyên môn đối với những người đam mê nghề hướng dẫn viên mà không có điều kiện qua học các lớp đào tạo ngắn hạn.
Sắp tới đây chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hướng nghiệp các em được học ngoại ngữ hiếm để đáp ứng thị trường khác đang tăng.
Thưa bộ trưởng, tôi là người dân Việt Nam có rất bạn nước ngoài. Họ nói rằng rất thích đến Việt Nam vì danh lam thắng cảnh đẹp, người Việt thân thiện. Tuy nhiên có hiện tượng chèo kéo khách du lịch và nâng giá dịch vụ với khách nước ngoài, vậy Bộ trưởng có hướng giải quyết tình trạng này như thế nào trong thời gian tới?
Cách đây 1 năm rưỡi tại kỳ họp Quốc hội khi tôi trả lời chất vấn cử tri thì nhiều đại biểu Quốc hội cũng nêu ra vấn đề này. Hơn một năm qua vấn đề này đã được giải quyết một cách có hiệu quả.
Ví dụ ở Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh có lắp đặt camera và có đường dây nóng thông báo kịp thời các trường hợp chèo kéo khách, hay như ở ở Thanh Hóa có tổ chức lại các dịch vụ có sự phối hợp giữa các ngành công an, thuế các ngành liên quan tạo thành Hiệp hội với nhau để kiểm soát tình trạng nâng giá, ép và chèo kéo khách.
Với quyết tâm mới của chính quyền địa phương và chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL thì tình hình này có nhiều cải thiện đáng kể.
Tôi cho rằng hiện nay, du lịch Việt Nam đang ở giai đoạn nâng cao chất lượng, không những các doanh nghiệp cần phải có ý thức việc này mà những hộ kinh doanh phục vụ cho việc kinh doanh du lịch cũng phải ý thức rằng là sự đóng góp của chúng ta sẽ làm cho hình ảnh của du lịch Việt Nam ngày càng xứng đáng trong mắt bạn bè quốc tế với một sự kính trọng thực sự.
Cảm ơn Bộ trưởng!
Nguồn 24h.com.vn