Dân trí Sinh viên ra trường đi làm rồi bắt đầu được hướng nghiệp, giáo viên phổ thông hướng nghiệp cho học sinh một cách qua loa, hướng chọn trường nhiều hơn chọn nghề… Việc hướng nghiệp còn nhiều bất cập gây ra những hệ lụy đáng tiếc.
Sáng 21/12, hội thảo Hướng nghiệp 2015 diễn ra tại TPHCM thu hút trên 150 giáo viên các trường THPT, trung tâm GDTX, giảng viên các trường ĐH, CĐ và nhiều chuyên gia hướng nghiệp, tuyển sinh.
Hội thảo đặt ra vấn đề về thực trạng hướng nghiệp hiện nay tại TPHCM nói riêng cũng như cả nước nói chung. Trong đó nêu lên bất cập lớn là giáo viên hướng nghiệp ở trường phổ thông không được đào tạo nên họ chủ yếu hướng học sinh chọn trường nhiều hơn là chọn nghề.
ThS Hoàng Đức Bình (ĐH Hoa Sen) cho hay, ở Việt Nam có nghịch lý là nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH ra rồi mới bắt đầu được hướng nghiệp lại. Còn ThS Trần Đình Lý (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Nông lâm TPHCM) cũng nêu ra thực trạng nhiều học sinh vào ĐH chỉ với mục đích có một chỗ ở giảng đường chứ không phải là để theo đuổi một ngành nghề. Đây là một vấn đề cần phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.
Các đại biểu tham dự hội thảo cũng đồng tình rằng việc hướng nghiệp đang được tư vấn dựa trên công tác tuyển sinh nhiều hơn là việc chọn nghề theo năng lực, theo nhu cầu thị trường lao động. Chú ý chọn trường chứ không phải chọn nghề phát sinh nhiều vấn đề theo hướng tiêu cực cho người học, gia đình và xã hội.
Những thông tin mới nhất về kỳ thi THPT quốc gia 2015, phương án tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ cũng được đề cập và trao đổi tại hội thảo.
Hội thảo Hướng nghiệp 2015 do Sở GD-ĐT TPHCM, báo Người lao động cùng ĐH Hoa Sen tổ chức, nằm trong chuỗi chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2015".