Theo đó, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước về giáo dục. Các Bộ có trách nhiệm phối hợp với Bộ GD-ĐT bảo đảm tính thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục.
Đối với các Bộ có cơ sở giáo dục trực thuộc có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm và hàng năm về đào tạo, phát triển nhân lực của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý, phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực…
Phối hợp với Bộ GD-ĐT trong việc quy định cụ thể việc đào tạo, quy định văn bằng công nhận trình độ, kỹ năng thực hành, ứng dụng cho những người được đào tạo chuyên sâu sau khi tốt nghiệp ĐH ở một ngành chuyên môn đặc biệt, xây dựng chương trình khung đào tạo trình độ TCCN.
Chỉ đạo, kiểm tra các cơ sở giáo dục ĐH, TCCN trực thuộc Bộ trong việc đảm bảo các điều kiện thành lập trường, hoạt động giáo dục, mở ngành tuyển sinh. Thực hiện quy chế tuyển sinh, đào tạo, liên kết đào tạo…
UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ về phát triển giáo dục, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn tỉnh. Sở GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục
UBND cấp huyện có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn huyện. Chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh về phát triển giáo dục mầm non, tiểu học, THCS và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện.
Phòng GD- ĐT có trách nhiệm tham mưu giúp UBND cấp huyện thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn huyện. Đối với UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn tổ chức đăng ký, huy động tối đa người trong độ tuổi đi học; được cho phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục theo tiêu chuẩn của Bộ GD-ĐT và chịu trách nhiệm kiểm tra các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo này trên địa bàn...
Cũng theo nghị định này thì trách nhiệm quản lý nhà nước về dạy nghề tiếp tục được thực hiện theo quy định cũ. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2011.