Chưa rõ đến khi nào gia đình ông Chấn mới nhận được tiền bồi thường oan sai của TAND Tối cao.
Những cán bộ vi
phạm pháp luật khiến ông Nguyễn Thanh Chấn phải ngồi tù oan 10 năm
trời sẽ hoàn trả khoản tiền này cho nhà nước như thế nào?
Trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn được áp dụng
bồi thường theo Khoản 2 Điều 26 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà
nước quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình
sự: “Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt
tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án
tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố
tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội”.
Tuy nhiên Khoản 2 Điều 56 của luật này lại quy định:
“Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Điều 26
của Luật này không phải chịu trách nhiệm hoàn trả”.
Những ai sẽ bị xem xét hoàn trả số tiền Nhà nước bồi thường cho ông Chấn?
Tháng 5/2014, VKSND Tối cao đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Nhật Luật (nguyên thượng tá, Phó trưởng Công an huyện Việt Yên, Bắc Giang) và ông Đặng Thế Vinh (nguyên Trưởng phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang) để điều tra về hành vi “Làm sai lệch hồ sơ vụ án” của ông Nguyễn Thanh Chấn hơn 10 năm trước.
Mở rộng điều tra vụ án, ngày 30/9/2014, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tiếp tục tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuối, trú tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội), nguyên thẩm phán Toà phúc thẩm TAND tối cao về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Phạm Tuấn Chiêm là thẩm phán, chủ toạ phiên toà phúc thẩm xem xét đơn kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 27/7/2004. Ông Chiêm được cơ quan điều tra cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tới đây khi đưa ra xét xử vụ án này, nếu bản án của tòa cho rằng 3 cán bộ trên “vô ý” gây ra nỗi oan khuất cho ông Nguyễn Thanh Chấn thì có nghĩa rằng ngân sách Nhà nước sẽ phải chịu hoàn toàn số tiền bồi thường.
Ông Chấn sẽ phải chờ nhiều cấp xét duyệt
Theo Thông tư liên tịch số 71/2012, trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã ứng dự toán để chi trả cho người bị thiệt hại thì trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày hoàn thành việc bồi thường theo quy định tại bản án, quyết định giải quyết bồi thường), cơ quan có trách nhiệm bồi thường tập hợp các hồ sơ liên quan gửi cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để thẩm định, bổ sung kinh phí.
Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường không ứng dự toán để ứng trả cho người bị thiệt hại thì trong thời hạn 5 ngày làm việc (kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật), cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải lập hồ sơ đề nghị bồi thường gửi cơ quan tài chính có trách nhiệm đảm bảo kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để xem xét cấp bổ sung kinh phí bồi thường. Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường có cơ quan quản lý cấp trên thì phải gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên để thẩm định.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhận được hồ sơ có trách nhiệm thẩm định, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường, thẩm định kinh phí bồi thường để có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp có trách nhiệm bảo đảm kinh phí để xem xét cấp bổ sung kinh phí bồi thường.
Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan nhận được hồ sơ hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định giải quyết bồi thường cho phù hợp. Thời hạn bổ sung hồ sơ không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý cấp trên.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị bồi thường hợp lệ, cơ quan tài chính có trách nhiệm bảo đảm kinh phí (Bộ Tài chính đối với cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường - PV) có trách nhiệm cấp bổ sung kinh phí cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường để chi trả cho người bị thiệt hại. Trường hợp đối với những vụ việc phức tạp, có số tiền lớn cần phải kiểm tra xem xét, cơ quan tài chính trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước về bồi thường và cơ quan liên quan để tạm ứng kinh phí chi trả tiền bồi thường. Sau khi cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoàn chỉnh hồ sơ bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả của cá nhân, tổ chức thì có văn bản gửi cơ quan tài chính để thẩm tra và thông báo dự toán ngân sách bổ sung.