Sáng ngày 15/10, trường ĐH Kinh tế quốc dân đã tổ chức Hội nghị góp ý Dự thảo Văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XII. GS.TS Trần Thọ Đạt, hiệu trưởng nhà trường cho biết, nhà trường tổ chức hội nghị góp ý để các nhà khoa học tập trung trí tuệ, đóng góp ý kiến về các nội dung liên quan đến dự thảo Văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XII nhằm tạo cơ sở khoa học và thực tiễn để TƯ tiếp tục hoàn thiện văn kiện trình ĐH lần thứ XII của Đảng.
Tại hội nghị, các đại biểu, các giáo sư đã nhiệt tình, tâm huyết, thẳng thắn góp ý về những điểm yếu, điểm mạnh và đưa ra giải pháp để phát triển nền kinh tế Việt Nam, nền giáo dục Việt Nam... các ý kiến đã thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao trước Đảng, nhân dân và phát triển đất nước của trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Nên rút ngắn thời gian học đại học xuống còn 3 năm
GS Nguyễn Đình Hương nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, trong dự thảo văn kiện ĐH toàn quốc lần thứ XII của Đảng, về vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lực và tăng cường khoa học công nghệ nên tách riêng thành 2 nội dung là nâng cao chất lượng nguồn lực và tăng cường khoa học công nghệ.
Theo đó, cần coi việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo để thực hiện thành công công nghiệp hóa là khâu đột phá của Đại hội XII. Cần sớm điều chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân. Giáo dục phổ cập 10 năm. Giáo dục phổ thông 12 năm thì năm 11, 12 để thực hiện phân luồng, phân ban và học dự bị đại học để rút ngắn thời gian học đại học 3 đến 3,5 năm như các nước. Giáo dục chuyên nghiệp và giáo dục đại học nằm trong một hệ thống và do một Bộ quản lý Nhà nước.
Theo GS Hương, cần phải coi đào tạo nguồn nhân lực xuất khẩu có ngoại ngữ, tay nghề là một thị trường trong điều kiện hội nhập. Trong đó, đội ngũ giáo viên phổ thông đến đại học có thể giảng song ngữ một số môn học và trực tiếp giảng dạy bằng ngoại ngữ trong các chương trình tiên tiến chất lượng cao. Ngoài ra, phải đổi mới cách đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong nước, tăng cường ngoại ngữ để có thể ra nước ngoài học tập và làm việc.
Cần khuyến khích và tôn vinh giáo viên giỏi tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các trường, viện nước ngoài; Có chính sách thu hút người tài, Việt kiều, chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy, soạn thảo chương trình sách giáo khoa cho tất cả cấp học ở Việt Nam.
GS Hương cho rằng, phải đổi mới mô hình quản lý Nhà nước về giáo dục từ mô hình kiểm soát sang mô hình giám sát. Mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo. Trường đại học vừa là trung tâm đào tạo trung tâm nghiên cứu và kiến tạo sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa cạnh tranh trên thị trường nội địa và quốc tế.
Không thay đổi tư duy quản lý sẽ khó thực hiện yêu cầu đặt ra
GS Nguyễn Kế Tuấn, Hội đồng Khoa học và Đào tạo cho biết, tuy đã có Nghị quyết Hội nghị BCHTW lần thứ 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, nhưng với tư duy, nội dung và cách làm hiện nay sẽ rất khó thực hiện được yêu cầu đặt ra.
GS Tuấn phân tích, về vị trí của đột phá phát triển nguồn nhân lực trong tổng thể ba khâu đột phá chiến lược (thể chế; nguồn nhân lực; cơ sở hạ tầng) cơ quan quản lý cần coi khâu đột phá này là khâu quan trọng nhất, vì chính con người tạo ra và thực thi thể chế, xây dựng bộ máy, quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng.
Trong phạm vi của “nền giáo dục quốc dân”, không phải chỉ giới hạn trong hệ thống giáo dục với các cấp học khác nhau (giáo dục trong nhà trường – trường học), mà còn là giáo dục trong xã hội (giáo dục ngoài nhà trường – trường đời).
GS Tuấn cho rằng, triết lý giáo dục phù hợp với điều kiện Việt Nam và tiếp thu thành quả, tinh hoa của nền giáo dục thế giới. Triết lý này dựa trên cơ sở “Bốn trụ cột của giáo dục trong Thế kỷ XXI” do UNESCO đưa ra là: Học để biết - Học để làm - Học để cùng chung sống - Học để làm người.
Cũng tại hội nghị góp ý, GS.TS. Trần Minh Đạo kiến nghị với Bộ GD-ĐT: “Cần coi chi phí cho giáo dục & đào tạo là chi phí đầu tư cho tương lai”.
GS Đạo cho rằng, Đảng và Nhà nước ta đã có Nghị quyết riêng về “Đổi mới căn bản và toàn diện” nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và có trích dẫn về mức chi cho giáo dục & đào tạo trong 5 năm tới chiếm 20% tổng chi ngân sách. Mức chi ở đây, theo chúng tôi chỉ là mức chi mà ngân sách có thể chịu đựng được, chứ mức chi cho giáo dục cần phải tính theo “suất đầu tư” cho một cử nhân chất chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế, nếu lấy bậc cử nhân là đầu ra của sản phẩm đào tạo.
Hồng Hạnh
Nguồn dantri.com.vn