GS.TSKH Phạm Tất Dong, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã có những ý kiến đóng góp trực tiếp xây dựng văn kiện ĐH XII của Đảng.
GS Phạm Tất Dong cho biết, tôi đã có một số lần góp ý vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI sẽ trình Đại hội lần thứ XII. Bản Dự thảo lần này viết gọn hơn, có nhiều chỗ đã tiếp thu ý kiến của đông đảo người góp ý, cho nên nội dung có nhiều điểm thể hiện được ý tưởng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo.
Tuy nhiên, việc nhận định tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vẫn đứng trên bình diện “Ngành giáo dục” mà chưa xem xét, đánh giá vấn đề giáo dục với nhãn quan chính trị. Cách viết này dùng trong báo cáo thường niên của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì phù hợp hơn.
Tăng phí giáo dục như tăng giá xăng, giá sữa…
Thưa GS, trong 5 năm qua, việc triển khai công tác giáo dục và đào tạo có bám sát đường lối giáo dục và quan điểm giáo dục của Đảng không?
GS.TSKH Phạm Tất Dong: Sở dĩ tôi có ý nhận xét “việc nhận định tình hình phát triển giáo dục và đào tạo vẫn đứng trên bình diện “Ngành giáo dục” mà chưa xem xét, đánh giá vấn đề giáo dục với nhãn quan chính trị” là bởi tôi thấy phần này chưa nói lên được những vấn đề sau: Ví dụ, Nghị quyết Đại hội XI khẳng định phải thực hiện giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời trong xã hội (tất nhiên đối tượng học tập ở đây có hơn 60 triệu người lớn). Chỉ riêng việc để khoảng trên 70% các Trung tâm Học tập cộng đồng (đến thời điểm cuối năm 2015, cả nước có 10.994 trung tâm) hoạt động kém hiệu quả vì không được quan tâm đầu tư đúng mức đã là một sự thiếu nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Đảng.
Nhiều Quyết định của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập thiếu được quán triệt thấu đáo từ các cơ quan từ trung ương tới địa phương, từ cán bộ đảng viên trong các cơ quan, các cấp ủy Đảng đến cán bộ, nhân viên các cơ quan chính quyền, các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đoàn thể quần chúng…
Giáo dục có thực hiện được việc mang lại cho nhân dân sự công bằng xã hội và bình đẳng xã hội trong việc tiếp cận và thụ hưởng quyền được học hành của công dân hay không?
Nói đến giáo dục, người dân nghĩ ngay đến việc đóng tiền, đến mọi khoản phí mà hầu như không ai thấy giáo dục là một phúc lợi xã hội cơ bản.
Không hiểu sao, trong báo cáo về phát triển kinh tế, sự tăng trưởng là một thành tích khá ấn tượng. Đáng lẽ ra, kinh tế càng tăng trưởng thì phí giáo dục càng phải giảm đi, song, trên thực tế lại trái ngược. Tôi cho rằng, tăng phí giáo dục như tăng giá xăng, giá sữa, giá vé xe hỏa và ô tô là một cách làm không chấp nhận được.
Đảng cần đứng trên bình diện chính trị mà xem xét tình hình
Vậy, sự phát triển giáo dục – đào tạo ở Việt Nam có đảm bảo tính khoa học, tính dân tộc, tính đại chúng không thưa GS?
Chúng ta cần học hỏi và tiếp thu tinh hoa văn hóa và thành tựu của nền giáo dục hiện đại của thế giới. Song, điều này không có nghĩa là bắt chước một cách vô lối những cái chẳng hay ho gì của giáo dục của một số nước.
Gần đây nhất là việc du nhập mô hình trường học mới của Colombia – một đất nước mà giáo dục của họ không thể là khuôn mẫu về giáo dục cho Việt Nam. Việc bắt chước họ cho bầu bán cái chức “lớp trưởng” (như ta thường gọi) và gán cho chức “Chủ tịch” hội đồng tự quản được nâng lên như một bước đổi mới tư duy giáo dục. Tôi cho đó là sự “đánh tráo khái niệm”.
Nếu ta phong lớp trưởng là “Tổng thống”, “Vua”, “Thủ lĩnh”… thì thằng bé 6 – 7 tuổi học lớp Một vẫn là đứa bé phải nhắc nhở hàng ngày phải rửa tay trước khi ăn, ở nhà phải nghe lời cha mẹ, không được tranh giành đồ chơi với em… Vậy, có những vị Chủ tịch này thì chất lượng giáo dục có mang tính cách mạng không? Việc tranh cử chức Chủ tịch đã phải qua bước trình bày một Chương trình mà chắc chắn là cô giáo, cha mẹ hoặc anh chị phải “mớm lời”. Vậy cách dạy dỗ sẽ mang lại phẩm chất nhân cách gì?
Gần đây, nhân dân rất lo ngại việc dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông. Việc coi nhẹ môn học này và việc kéo dài tình trạng học sinh chán môn Lịch sử là một hiện tượng không bình thường trong nhà trường phổ thông. Chỉ riêng việc này đã thấy giáo dục không đảm bảo “tính dân tộc” của chương trình rồi.
Khái niệm Lớp trưởng được gán thành chức "Chủ tịch" hội đồng tự quản
Đảng chủ trương “Hội nhập quốc tế”, vậy giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2010 – 2015 đã chuẩn bị những gì và hiện có năng lực để hội nhập quốc tế không?
Có rất nhiều bài viết trên báo chí, nhất là trên mạng Internet, cho rằng, giáo dục Việt Nam quá lạc hậu với giáo dục thế giới và với cả một số nước trong khu vực. Những đổi mới mang tính chắp vá của giáo dục Việt Nam không nâng nền giáo dục nước nhà lên bậc cao trong bảng xếp hạng của thế giới. Vừa qua, có bài viết rằng, trường đại học Việt Nam không lọt vào danh sách 800 trường đại học có chất lượng đào tạo tốt của thế giới.
Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị có ghi đến năm 2030 (tức là 15 năm nữa), nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Liệu chúng ta có quá lạc quan với tình hình giáo dục không?
Tôi nghĩ, nếu đánh giá tình hình giáo dục thì Văn kiện của Đảng phải đi vào những vấn đề tương tự các điều tôi nêu ở trên, chứ không nên đáng giá thi cử, phương pháp dạy học, đa dạng hóa nội dung giảng dạy… Những đánh giá loại này để cho Bộ Giáo dục và Đào tạo làm. Đảng cần đứng trên bình diện chính trị mà xem xét tình hình thì mới đúng vai trò lãnh đạo của mình.
Bên cạnh đó, cách đánh giá giáo dục thiếu nhất quán. Ví dụ, ở phần tình hình giáo dục có đoạn viết: “Chất lượng giáo dục và đào tạo có tiến bộ. Cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, đào tạo được cải thiện và có bước hiện đại hóa”, nhưng dưới đó đúng 11 dòng lại ghi: “Cơ sở vật chất – kỹ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn”. Nếu đánh giá như thế này thì không thể rõ được thực trạng trang thiết bị và các điều kiện vật chất của nhà trường là tiến bộ hay lạc hậu.
Giáo dục quên chức năng đào tạo con người
Theo GS hệ thống giáo dục hiện nay còn khiếm khuyết gì?
Về hệ thống giáo dục, trong văn bản, tôi thấy có một vấn đề cần bàn. Đó là mệnh đề “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”. Mệnh đề này phản ánh sự hiểu biết về xã hội học tập khác với cách hiểu về xã hội học tập trong Báo cáo Chính trị được trình bày trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Tại Văn kiện Đại hội X khẳng định rằng, hệ thống giáo dục mở được đồng nghĩa với hệ thống xã hội học tập. Còn trong dự thảo lần này, hệ giáo dục mở và xã hội học tập là 2 chỉnh thể khác nhau.
Do cách hiểu trong bản dự thảo như vậy mà mô hình giáo dục hiện nay chỉ gói gọn ở hệ thống giáo dục ban đầu, bao gồm những thiết chế giáo dục chính quy dành cho thế hệ trẻ, tách rời với hệ thống giáo dục tiếp tục với những thiết chế giáo dục không chính quy và phi chính quy chủ yếu dành cho người lớn. Việc coi nhẹ giáo dục người lớn tại thời điểm này là một rào cản đối với những nỗ lực của những lực lượng xã hội có chức năng đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện người lao động trở thành nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động trong nền kinh tế quốc dân, phát triển thị trường và hội nhập quốc tế.
Khiếm khuyết cơ bản của hệ thống giáo dục hiện nay là sự thiếu gắn kết giữa giáo dục chính quy với giáo dục không chính quy và phi chính quy, giữa giáo dục ban đầu với giáo dục tiếp tục, giữa giáo dục học đường với giáo dục ngoài học đường. Nếu không thay đổi quan niệm trên thì những khiếm khuyết đó vẫn tiếp tục tồn tại.
Vậy mục tiêu giáo dục của Việt Nam hiện nay cần thực hiện như thế nào, thưa GS?
Về phương diện lý luận, tôi cho rằng, nói đến mục tiêu giáo dục mà chỉ đề cập tới đào tạo nhân lực thì không sai, nhưng không đủ.
Dự thảo Báo cáo viết rằng, “phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” là quên một vấn đề quan trọng trong chức năng giáo dục: Giáo dục phải đào tạo từng con người (cá nhân) theo mô hình nhân cách đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn lịch sử, đồng thời phải phù hợp với đòi hỏi về con người của thế giới hiện đại.
Không có nền giáo dục của bất cứ quốc gia nào không tính đến nhân cách con người cần đào tạo. Muốn có nhân lực và nhân tài, trước hết phải xây dựng những con người cụ thể thành những nhân cách với những yêu cầu về năng lực cụ thể của nhân cách đó.
Vì vậy, mục tiêu của giáo dục bao giờ cũng phải hướng tới 3 chữ NHÂN: Nhân cách, nhân lực và nhân tài.
Tôi đề nghị viết lại ý này và thao tác hóa 3 khái niệm nói trên một cách tường minh thì mới bàn tới một cách cụ thể về những vấn đề giáo dục như mục tiêu giáo dục, hệ thống trường học, chương trình giáo dục, nội dung và phương pháp giảng dạy, quản lý giáo dục....
Chất lượng đào tạo đại học có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội bền vững.
Phát triển giáo dục đại học là yếu tố sống còn của quốc gia
GS nghĩ thế nào về việc giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục?
Bản dự thảo có nói đến việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục. Tôi đề nghị xem xét lại vấn đề này và phải thận trọng trong chủ trương coi trọng chế độ tự chủ của trường học.
Trước hết, nên xác định rõ chế độ tự chủ đại học, không nên đặt vấn đề này với trường phổ thông. Đồng thời, cần khẳng định phát triển trường Đại học là yếu tố có tính chất sống còn của quốc gia trong cuộc cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.
Chất lượng đào tạo đại học có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội bền vững. Sự phát triển xô bồ trường đại học về số lượng, pha loãng chất lượng đào tạo đại học là một nguy cơ làm cho nguồn nhân lực trở nên yếu kém, gây tác hại lâu dài cho sự phát triển quốc gia.
Có lẽ nên bỏ mục tiêu đưa giáo dục lên trình độ tiên tiến trong khu vực vào năm 2030, thay vào đấy là xây dựng một vài trường đại học đạt trình độ tương đương với những đại học có chất lượng cao của khu vực.
Trong đổi mới giáo dục, những nhà lãnh đạo chọn Thi cử là khâu đột phá của chiến lược đổi mới giáo dục, GS nghĩ sao về việc chọn này?
Điều này, theo hiểu biết của tôi, chọn khâu đột phá này là không hợp lý bởi lẽ, Thi cử chỉ là phương tiện để đánh giá kết quả việc thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo. Thi cử có thể ví như cái phin lọc cà phê. Ngoài cái phin lọc truyền thống mà ta vẫn gặp, người ta có thể lọc cà phê bằng nhiều cách khác. Cũng như vậy, chất lượng giáo dục – đào tạo cũng có thể được nhận biết bằng nhiều phương tiện khác.
Vấn đề ở đây là sau quá trình đào tạo, chất lượng sản phẩm giáo dục (chất lượng học sinh) có đạt hay không. Muốn có sản phẩm tốt, phải chú trọng trước hết là có được người làm ra sản phẩm có tay nghề cao. Khâu đó rất quan trọng đối với kết quả cuối cùng của quá trình sản xuất. Vì vậy, theo tôi, nên chọn việc đổi mới sư phạm làm khâu đột phá với quan điểm “không có thợ giỏi thì không thể có sản phẩm tốt”.
Rất mong trong văn kiện Đại hội XII có sự nhấn mạnh đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm như một khâu đột phá.
Một vấn đề nữa mà tôi muốn nói là vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo. Nhiều năm qua, việc chuẩn hóa giáo viên đã được coi trọng trên cơ sở đào tạo giáo viên theo từng khoa riêng biệt (Toán, Văn, Sinh, Hóa, Sử…). Đến nay, ngành giáo dục đưa ra chủ trương tích hợp một số môn học thì chuẩn hóa giáo viên có còn theo hướng cũ hay không? Việc này động chạm tới vấn đề cấu trúc lại các khoa của trường đại học sư phạm và đồng thời kéo theo việc xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa, thiết kế và đổi mới các phương pháp giảng dạy.
Những giáo viên và cán bộ biên soạn chương trình và sách giáo khoa được đào tạo chuyên sâu theo từng khoa học mà nay lại tham gia vào việc soạn chương trình và sách giáo khoa trên theo hướng tích hợp là điều không thể mang lại kết quả mong muốn.
Xin trân trọng cám ơn GS!
Hồng Hạnh (ghi)
(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)
Nguồn dantri.com.vn