10 nước ASEAN sẽ cùng tham gia đăng cai sự kiện này là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Liên đoàn bóng đá Singapore (FAS) ngay lập tức cho biết họ sẽ hợp tác chặt chẽ với Tổ chức phát triển cộng đồng, Bộ Thanh niên và Thể thao, Hội đồng Thể thao Singapore để chuẩn bị các bước cần thiết lên quan đến việc giúp ASEAN giành quyền đăng cai World Cup.
Chủ tịch FAS, Zainudin Nordin, tuyên bố một khả năng là các nước ASEAN có thể cùng nhau tổ chức sự kiện này trong vòng 20 năm tới.
Đông Nam Á sẽ trở thành chủ nhà của World Cup 2030?
"ASEAN hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của FIFA. Hiện nay chúng tôi đang tích cực phát triển các chương trình bóng đá thanh niên tại các quốc gia ASEAN," ông nói.
"Cùng nhau tổ chức một kỳ World Cup sẽ nâng cao hình ảnh của ASEAN trong khu vực và quốc tế cũng như tăng tính đoàn kết giữa các quốc gia thành viên."
Trong năm 2007, bốn nước ASEAN - Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam – đã tổ chức thành công Asian Cup, một giải đấu bóng đá hàng đầu của châu lục.
Indonesia cũng đã từng tham gia vào quá trình vận động xin đăng cai VCK World Cup 2022, tuy nhiên đã nhanh chóng rút lui vào tháng 3 năm ngoái sau khi họ không nhận được sự bảo lãnh của Chính phủ, một yếu tố bắt buộc theo yêu cầu của FIFA.
Mặc dù quyền đăng cai vòng chung kết World Cup 2030 phải đợi hơn một thập kỷ nữa mới được FIFA quyết định, tuy nhiên ASEAN là ứng cử viên thứ hai thể hiện sự quan tâm đến sự kiện bóng đá lớn nhất thế giới này.
Cuối năm trước, Argentina và Uruguay cũng đã tuyên bố mong muốn cùng nhau đăng cai sự kiện này nhân kỷ niệm lễ bách niên World Cup, giải đấu được tổ chức lần đầu tiên tại Uruguay vào năm 1930.