Song, nếu biết đặt mình vào vị trí của con, nhận thấy được sự vui mừng, hạnh phúc của con khi được người lớn khen ngợi, thì các bậc cha mẹ sẽ biết đưa ra lời khen vừa đủ, để trẻ tự hào, vững tin vào bản thân, từng bước tiếp tục khẳng định mình và trở nên mạnh mẽ, sẵn sàng chủ động hoà nhập vào cuộc sống. Nhưng khen sao cho phải, cho chừng mực và kích thích được tính tích cực của con thì không phải bậc phụ huynh nào cũng có thể thực hiện hiệu quả.
Đừng hà tiện lời khen
“Sao con dại thế, được chỉ 8 điểm mà vui vẻ nhỉ, có đáng một roi không? Có giỏi thì con hãy đập phá hết đồ chơi đi!” - đó là những lời mà chị Hải, mẹ cháu Tuấn ở Biên Hoà, Đồng Nai hàng ngày “rao giảng” cho cậu con trai mình.
Không riêng gì chị Hải, các bậc phụ huynh ngày nay dường như mắng con nhiều hơn. Họ nào biết trong dạy dỗ con trẻ, sự mắng mỏ, doạ nạt vừa làm cho trẻ nhụt chí vừa phản tác dụng. Bởi nhiều bậc phụ huynh cứ nghĩ rằng la mắng trẻ thì chúng sợ mà nghiêm chỉnh tuân theo ý muốn của mình, đến nỗi quên cả khen con trong những lúc cần thiết. Không được động viên, trẻ không thể quyết tâm, nỗ lực hết mình vì không thấy được giá trị những việc làm của mình. Nếu liên tục không nhận được sự khen ngợi, khuyến khích, trẻ sẽ không cảm
nhận được tình cảm đích thực mà cha mẹ dành cho mình.
Sự bộc lộ khéo léo sẽ giúp lời khen thêm hiệu quả.
Khen ngợi đúng mức và kịp thời
Trẻ hoàn toàn có thể nhận biết được thế nào là một lời khen chân thành hay qua quýt. Vì thế, khi khen ngợi, khuyến khích con trẻ, cần phải xuất phát từ tấm lòng bao dung, độ lượng và cách bộc lộ khéo léo.
Ngoài ra, cha mẹ nên khen con một cách nghiêm túc và có cơ sở, khen đúng ưu điểm và sự vượt trội của trẻ. Hãy bắt đầu bằng việc đánh giá đúng thực lực của con, nhìn thấy triển vọng của con để có sự trợ giúp cần thiết. Lời khen sẽ thiết thực và hiệu quả hơn khi cha mẹ kết hợp khéo léo với các phần thưởng vật chất xứng đáng. Nhưng không quá coi trọng phần thưởng vì sẽ làm nảy sinh ở trẻ tâm lý sính vật chất.
Khen trẻ, suy cho cùng là để kích thích trẻ nỗ lực vươn lên, nên cha mẹ không được thổi phồng sự thật làm cho con trẻ rơi vào trạng thái ngộ nhận, không đánh giá đúng sức lực của bản thân.
Khen ngợi, động viên là hệ thống những biện pháp kích thích, nhằm củng cố lòng tin, nâng cao bản lĩnh ý chí cho con trẻ trong học tập và hòa nhập vào cuộc sống. Bất kỳ một đứa trẻ phát triển bình thường nào đều có nhu cầu vươn lên khẳng định chính mình. Do đó, cha mẹ cần phải tìm mọi cách thức để kịp thời động viên, khích lệ sự vươn lên đó. Khen ngợi đúng mức và kịp thời sẽ kích thích trẻ đem hết năng lực của mình để hoạt động. Ngược lại, nếu không có sự khích lệ đúng đắn của cha mẹ trước những thành quả mà trẻ đạt được, thì sẽ làm thui chột những ý tưởng sáng tạo của trẻ.
Vì thế, khi khen ngợi, động viên con cái, cha mẹ phải thực hiện một cách kịp thời, chính xác, công khai và mang tính giáo dục cao, có tác dụng thúc đẩy tính tích cực, mặt ưu điểm của con trẻ. Khen con là phải có niềm tin vào sự tiến bộ của chúng, phải biết “gạn đục khơi trong” để kịp thời khích lệ trẻ. Khen ngợi trẻ phải kết hợp với yêu cầu cao để trẻ tiếp tục phấn đấu vươn lên hơn nữa. Cha mẹ phải kết hợp linh hoạt nhiều hình thức khen ngợi khác nhau. Khi trẻ đạt những thành tích cao và quan trọng như đạt các giải cao trong học tập, trong các hoạt động văn nghệ, thể thao, gia đình cần khen thưởng một cách “khí thế” để trẻ thấy được sự quan tâm của mọi người. Có thể cho trẻ một chuyến du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh… làm quà tặng thưởng khi trẻ vượt mức yêu cầu của cha mẹ.
Khen ngợi và khuyến khích con cái trong quá trình nuôi dưỡng và giáo dục chúng có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nên động lực để con trẻ phấn đấu đạt kết quả hơn nữa trong cuộc sống.