Tin tức tổng hợp : Góp ý Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Đừng bỏ rơi người thầy!

Góp ý Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Đừng bỏ rơi người thầy!

Chân dung người học mới với 6 phẩm chất và 10 năng lực mà dự thảo hướng đến quả là hoàn hảo nhằm xây dựng những con người mới. Và tất nhiên, muốn trò hay thì thầy phải giỏi. Điều kiện cần cho sự thành công của bất kỳ một cuộc cải cách giáo dục nào cũng là vai trò của người thầy.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Điểm mới, tích cực và tiến bộ của dự thảo về tích hợp liên môn, phát huy năng lực người học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo đã được thừa nhận. Vấn đề là quá trình chuẩn bị, tổ chức thực hiện như thế nào để đáp ứng được những mục tiêu cao đẹp mà công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện đề ra.

Chân dung người học mới với 6 phẩm chất và 10 năng lực mà dự thảo hướng đến quả là hoàn hảo nhằm xây dựng những con người mới - những người chủ tương lai của đất nước. Và tất nhiên, muốn trò hay thì thầy phải giỏi. Xây dựng một chương trình hay, xuất bản một bộ sách giáo khoa hoàn hảo chưa phải là tất cả để tạo ra những người học sinh mới.

Điều kiện cần cho sự thành công của bất kỳ một cuộc cải cách giáo dục nào cũng là vai trò của người thầy. Giáo viên sẽ là người trực tiếp tiếp cận chương trình giáo dục mới, tiếp thu tư duy đổi mới và bằng tài năng sư phạm tổ chức hoạt động học, hướng dẫn học sinh tự học…

Tuy nhiên, nhìn vào bản dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD&ĐT vừa công khai lấy ý kiến, chúng ta dễ dàng nhận ra vai trò của người thầy đã không được đề cập đúng mức, thậm chí là khá mờ nhạt. Nguồn nhân lực cho công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện này đã, đang và sẽ được chuẩn bị như thế nào để đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới?

Chúng ta phải thẳng thắn thừa nhận rằng đội ngũ giáo viên ở các cấp học hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Dẫu biết chương trình mới tiếp cận năng lực người học buộc giáo viên phải thay đổi cách dạy, học sinh thay đổi cách học nhưng từ lý thuyết đến thực tiễn còn một khoảng cách khá xa. Khoảng cách đó cần một sự đầu tư lớn về nhân lực, vật lực và thời gian để lấp đầy.

Vậy mà, chương trình đổi mới giáo dục này được ấn định thời gian thực hiện là vào năm 2018. Chúng ta có hơn một năm để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn ư? Tôi đồng ý với ý kiến nhận xét của nhiều chuyên gia: “Quá tham vọng!”.

Chúng tôi gọi những giáo viên sẽ thực hiện công cuộc đổi mới này là người thầy “hai trong một”, “ba trong một” và “n trong một”. Bởi các môn học đã được tích hợp thành môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, Nghệ thuật.

Ngoại trừ các môn Toán, Ngữ văn, Giáo dục công dân, một người giáo viên bây giờ phải giỏi đều ít nhất hai môn. Nhưng bao nhiêu người sẽ đáp ứng được yêu cầu: vừa vẽ đẹp vừa hát hay, vừa giỏi Lý lại chuyên sâu Hóa, Sinh?

Vấn đề không đơn giản là việc một người thầy cần có kiến thức tổng hợp uyên thâm. Một người thầy giỏi là người không chỉ có kiến thức mà cần nhiều hơn năng lực sư phạm, kỹ năng tổ chức hoạt động học. Điều này thì mỗi môn học lại có những đặc trưng riêng về phương pháp chuyên ngành.

Bên cạnh đó, chương trình còn đưa ra ba phần nội dung giáo dục mới là hoạt động trải nghiệm sáng tạo, chuyên đề học tập và giáo dục địa phương. Nguồn nhân lực cho các môn học mới này đến thời điểm hiện tại chưa hề được chuẩn bị. Vậy thì ai sẽ đứng lớp?

Các trường đại học, cao đẳng sư phạm hiện nay chưa có một sự khởi động nào về việc chuẩn bị chương trình đào tạo, giáo trình, công tác tuyển sinh… để giảng dạy những môn học mới, tạo nguồn giáo viên tương lai. Vậy là chúng ta phải mất khoảng thời gian ít nhất là 4 năm mới đủ nguồn giáo viên đạt chuẩn đứng lớp.

Hoặc là thực hiện như chủ trương của Bộ GD&ĐT: bồi dưỡng thêm cho đội ngũ cũ hiện nay về tích hợp liên môn. Nếu thực hiện một cách gượng ép buộc giáo viên phải, “cõng” thêm phần kiến thức, kỹ năng của môn học tích hợp, chỉ e giáo viên quá tải. Và tình trạng thầy dạy biến thành “thợ dạy” sẽ diễn ra.

Vì vậy, bài toán về chất lượng đội ngũ giáo viên cần được Ban dự thảo xem xét và có hướng điều chính phù hợp. Nếu cần thiết, đề nghị Bộ GD&ĐT có thể lùi thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới để ngành giáo dục hoàn tất mọi điều kiện cần và đủ cho công cuộc đổi mới toàn diện giáo dục này. Và tôi xin nhấn mạnh: Đừng bỏ rơi người thầy!


TIN LIÊN QUAN


TIN TỨC - SỰ KIỆN

Xem thêm...

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG

Trụ sở chính: Số 54 - Khu Liên Phương - P. Phương Đông - TP Uông Bí - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.854497 - Fax:02033.854302

Địa điểm đào tạo số 01: Phường Hà Phong - TP Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh

Địa điểm đào tạo số 02: Nguyễn Văn Trỗi - P. Cẩm Thủy - TP Cẩm Phả - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.862091 - 02033.969661 - Fax:02033.864950

Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn

TAG BÀI VIẾT

BẢN ĐỒ CHỈ DẪN

PAGE FACEBOOK

Xét tuyển trực tuyến Nhập học trực tuyến
Xét tuyển trực tuyến
Nhập học trực tuyến