Ông Nicolás Maduro, Tổng thống Venezuela. (Nguồn: fort-russ.com)
Theo một số nguồn tin, đối với một quốc gia mà người dân đang thiếu cả thực phẩm và thuốc men một cách trầm trọng thì Venezuela đã rất giỏi khi giữ một kỷ lục đáng ngạc nhiên về việc trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên, điều đó đã chấm dứt hoàn toàn vào tối 13/11 vừa qua.
Theo S&P, Venezuela đã lỡ hẹn trong việc thực hiện thanh toán khoản lãi trị giá 200 triệu USD kèm khoản nợ trị giá 5 tỷ USD nợ nước ngoài.
Sau đó, chính phủ nước này đã tổ chức cuộc họp với các trái chủ tại Thủ đô Caracas vào ngày 13/11 về việc cơ cấu lại nợ nhằm xác định số tiền mà người vay sẽ trả ít hơn so với khoản nợ chính thức.
Theo Bloomberg, người dân Venezuela đã chờ đợi hàng giờ để mua lương thực, nhưng các chủ nợ tại cuộc họp tái cấu trúc này lại chỉ nhận được những túi quà tặng chứa đầy sô-cô-la và cà phê do nhà nước này sản xuất.
Cuộc đàm phán kéo dài khoảng 30 phút, và Phó Chủ tịch Tareck El Aissami, nhà thương lượng nợ của Venezuela, chủ yếu dùng cuộc họp này như một cơ hội để phàn nàn về Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, tờ Quartz cho biết.
Hơn nữa, các nhà đầu tư Mỹ cũng không thể tham gia vào việc tái cấu trúc nợ của Venezuela, vì các biện pháp chế tài cấm Mỹ nhận trái phiếu mới mà Venezuela ban hành.
Bên cạnh đó, nhiều chủ nợ cũng không thể đàm phán với ông El Aissami, Phó Tổng thống Venezuela vì ông này bị Bộ Tài chính Hoa Kỳ xử phạt, buộc tội buôn bán ma túy.
Đáng nói, trong quá khứ, bất chấp những khó khăn mà người dân phải gánh chịu, Venezuela đã sử dụng dự trữ ngoại tệ của mình để thanh toán trái phiếu.
Tuy nhiên, theo S&P, số dự trữ của các quỹ này đang ở mức thấp. Cụ thể, nước này có trữ lượng dự trữ có thể sử dụng được dưới 5 tỷ USD, chưa bằng 1/3 so với 16 tỷ USD hồi năm 2015.
Một lý do nữa khiến Venezuela kiên định chắc chắn bằng việc thanh toán trái phiếu chính là vì Chính phủ cần bảo vệ uy tín của công ty dầu quốc doanh Petróleos de Venezuela (PDVSA). Đây chính là nguồn sống cuối cùng của họ.
Venzuela, nơi có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, cần nguồn thu từ dầu mỏ để trả nợ cũng như trả tiền trợ cấp để hỗ trợ các công dân nghèo nhất, CNBC đưa tin.
Do đó, PDVSA dựa vào các khoản tín dụng từ các ngân hàng quốc tế để tài trợ cho việc sản xuất dầu tại Venezuela. Trong thời gian tới, đây sẽ trở thành một trong số ít những điều giúp Chính phủ có thể lấy lại quyền lực.
Bây giờ, khi các lệnh trừng phạt của Mỹ ngày càng cắt giảm sâu hơn vào những gì còn lại của nền kinh tế, thì sự tự vực dậy của Venezuela ngày càng mờ mịt, nhiều nguồn tin nhận định.
Đất nước này đã đồng ý với Nga về việc tái cơ cấu khoản nợ khoảng 3 tỷ USD, nhưng vẫn còn nợ hơn 50 tỷ USD trái phiếu của các chủ nợ khác.
S&P nghĩ rằng có ít nhất 50% khả năng Venezuela sẽ vỡ nợ tiếp trong ba tháng tới.
Hồng Vân (dantri.com.vn)