Suốt mấy ngày nay, con trai tôi cứ lèo nhèo xin mẹ cho đi học thêm. Lí do cháu đưa ra là sắp thi học kì 1. Cháu cứ lo lắng, nếu không học thêm sẽ rớt danh hiệu học sinh giỏi. Đây là vấn đề mà tôi và một số phụ huynh rất băn khoăn, trăn trở.
Trước đây, khi học cấp 3 tôi mới được học ngoại ngữ. Còn bây giờ con được học tiếng Anh ngay từ năm lớp 3. Đây là điều tôi vô cùng phấn khởi. Học tiếng Anh sớm không những giúp các em trở nên tự tin, mạnh dạn hơn mà còn nâng cao được rất nhiều kỹ năng giao tiếp trong đời sống hàng ngày.
Tuy nhiên, phương pháp dạy học tiếng Anh bây giờ cũng gây ra nhiều tranh cãi đối với các bậc phụ huynh. Đối với học sinh, lần đầu được tiếp xúc với bộ môn mới mẻ này các em không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Nếu như một số em có năng khiếu, hay một số em nhà có điều kiện được học ở các trung tâm thì không nói làm gì. Còn lại đa phần các em chỉ học trên lớp (4 tiết/tuần). Thầy cô giảng gì thì nghe đó. Lớp học thì đông mà băng đĩa đôi khi lại kém chất lượng. Chính vì vậy khả năng nghe, nói của các em học còn hạn chế.
Thế nhưng, cách xếp loại của học sinh tiểu học thì lại liên quan đến môn này. Theo Thông tư 30 thì học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập rèn luyện (đạt mức A, tức là các bài kiểm tra định kỳ đạt 9 điểm trở lên). Trong khi đó các môn bị khống chế là Toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Ba môn này phải đạt từ điểm 9 trở lên. Rất nhiều em đạt được điểm tuyệt đối hai môn Toán, tiếng Việt nhưng do bị khống chế môn Anh văn (8 điểm) mà đành hạ xuống một bậc chỉ còn hoàn thành tốt các nội dung học tập rèn luyện. Điều này đã gây ra rất nhiều bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Vì lí do này mà nhiều phụ huynh đành ngậm ngùi cho con học thêm. Tuy nhiên đâu phải gia đình nào cũng có điều kiện như vậy. Ngay từ đầu năm Đại hội cha mẹ học sinh là họ đã phản ứng vấn đề này. Họ mong muốn môn ngoại ngữ chỉ nên xếp theo tiêu chí đạt hoặc không đạt. Nếu giáo dục "cởi" được tiêu chí này sẽ đỡ biết bao hệ lụy cho học sinh bây giờ.
Cô Nguyễn Thị Hà ở huyện Châu Thành, Tây Ninh, có con gái là đang học lớp 5 tỏ ra khá bức xúc: “Theo tôi, học tiếng Anh rất tốt cho các em, nhưng đây thuộc môn năng khiếu, không thể bắt các em phải học giỏi được. Nếu Bộ giáo dục cứ xếp loại như thế thì rất thiệt cho các em”.
Ngay như con trai tôi cũng vậy. Cháu đang học lớp 5, cứ đến kì thi là cháu lại lo lắng sợ sệt vì không biết đợt thi này sẽ ra sao. Cháu bảo phần ngữ pháp thì cháu không sợ nhưng phần nghe thì cháu không tự tin lắm. Cả lớp cháu chỉ khoảng vài bạn là nghe được. Số còn lại đều không tự tin như thế. Do đó các cháu rất buồn và lo lắng khi thi môn tiếng Anh.
Nói tóm lại học sinh ở nông thôn thiệt thòi nhất khâu này. Nếu như học sinh ở thành phố, thị xã, thị trấn được học tiếng Anh từ nhỏ. Các em được học trực tuyến, học ở các trung tâm, thậm chí một số trường còn có giáo viên nước ngoài giảng dạy thì học sinh ở vùng nông thôn còn rất lạ lẫm. Các em mới chỉ bước đầu làm quen với bộ môn mới mẻ này. Do đó nếu cứ theo tiêu chí xếp loại thi đua như hiện giờ thì các em rất thiệt thòi. Bên cạnh đó, khi tuyển sinh vào lớp 10, các em phải thi 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, tiếng Anh. Khỏi phải nói chắc mọi người đều biết đến sự chênh lệch lớn thế nào.
Cuối cùng sau bao đắn đo tôi đành chọn giải pháp đăng kí cho con học trực tuyến. Đối với gia đình tôi, đây là giải pháp tốt nhất. Tôi không thể sắp xếp thời gian để đưa đón con đi học được. Bên cạnh đó sức khỏe của cháu cũng không được tốt. Đối với con, tôi luôn muốn chúng có thời gian vui chơi để thoải mái tinh thần hơn là suốt ngày lao đầu vào học. Tuy nhiên với cách dạy xếp loại học sinh hiện nay nhiều em lại “buộc” phải đi học thêm để đạt được danh hiệu học sinh giỏi.
Liệu đây có phải là bất cập đối với các em?
Trần Thị Loát (dantri.com.vn)