8h23, những nghi thức sau cùng hoàn tất, đoàn xe chầm chậm lăn bánh. Phía ngoài cổng Dinh Độc Lập, người dân đứng kín 2 bên đường, cúi đầu khi cỗ xe tang đi qua.
8h15, cán bộ lái xe mở cửa xe tang, vào vị trí, nổ máy. Quốc kỳ được phủ lại trên linh cữu Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Nắp kính sơn thiếp vàng đặt phủ bên ngoài cỗ linh cữu. Đoàn người đứng ở sân trước Dinh Độc Lập dồn ra cổng Dinh để có thể vẫy chào đoàn xe tang, vĩnh biệt nguyên Thủ tướng lần cuối cùng.
8h2, đội tiêu binh nâng cỗ linh cữu nguyên Thủ tướng lên khỏi bục và di quan. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiến tới phía trước 2 bên linh cữu. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng tháp tùng linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, di quan ra đại sảnh, nơi cỗ xe tang đã chờ sẵn.
Linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được rước ra sảnh lớn Hội trường Thống Nhất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đứng hai bên, cùng khiêng linh cữu. Trên cỗ xe tang, trầm hương tỏa nghi ngút. Linh cữu nguyên Thủ tướng được đặt lên xe.
7h59, Ban tổ chức lễ tang mời thân nhân và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đứng về 2 bên phòng tang lễ để lễ di quan được tổ chức. Đội trưởng đội tiêu binh thực hiện nghi lễ gấp quốc kỳ đang phủ trên linh cữu nguyên Thủ tướng.
Đội tiêu binh thực hiện nghi lễ gấp quốc kỳ
Di ảnh nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải do 2 cán bộ đội tiêu binh rước đi trước. Tiếp đó là một cán bộ mang gối Huân chương và lá quốc kỳ. Các con, cháu trai của nguyên Thủ tướng bê bát hương và hương án đi sau đội tiêu binh.
Lúc này phía bên ngoài Dinh Độc Lập, nhân dân đã tập trung đông hai bên đường chờ tiễn biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Một nhóm học sinh đứng 2 bên đường Phan Thúc Duyện để chờ đưa tiễn Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh: Đình Thảo)
7h52’, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể gia quyến đi vòng quanh linh cữu một lần nữa để nói lời chào vĩnh biệt nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Chỉnh lại lá quốc kỳ phủ trên linh cữu nguyên Thủ tướng một lần nữa, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên kính cẩn vái lạy người thủ trưởng cũ trước khi lui ra. Con trai nguyên Thủ tướng thắp thêm một tuần hương trên hương án.
7h45, ông Phan Minh Hoàn đại diện gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gửi những lời cảm ơn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Đại diện gia đình lên đọc lời cảm ơn.
Con trai nguyên Thủ tướng nhắc lại việc cha mình, một người con của quê hương Củ Chi vừa đi hết chặng đường đời gần 90 năm. Trong thời gian lâm bệnh, nguyên Thủ tướng đã nhận được sự quan tâm, chăm sóc của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như bạn bè, người thân và toàn thể nhân dân. Trong những ngày cử hành lễ tang, ông cũng được đông đảo người thân, nhân dân và bạn bè, đồng chí trong và ngoài nước tới viếng thăm, tỏ lòng thương tiếc.
Ông Phan Minh Hoàn khẳng định, tình cảm và sự giúp đỡ đó giúp gia đình vượt lên sự đau thương, mất mát. Gia đình xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí, đồng bào về những tình cảm đáng quý.
“Chúng tôi rất cảm động và mãi mãi ghi ơn. Cách đây nhiều năm gia đình chúng tôi cũng phải chịu mất mát to lớn phải tiễn đưa mẹ tôi về nơi an nghỉ cuối cùng, nay lại phải nói lời vĩnh biệt với cha. Biết rằng sinh tử là tự nhiên nhưng với gia đình tôi, mất mát này vẫn là nỗi đau vô hạn” - con trai nguyên Thủ tướng nhắc lại chặng đường đã đi trọn đời với vai trò một người cán bộ của Đảng; nay ông đã thanh thản trở về với tổ tiên.
Ông đã để lại hình ảnh sâu sắc trong lòng con cháu về người cha, người ông nhân hậu bao la, kiên trì, nhẫn nại vượt lên khó khăn, thách thức vì công việc. Ông để lại một tấm lòng trong sáng, vị tha với gia đình, con cháu.
Ông Hoàn kết thúc phần phát biểu với những lời nói như chia sẻ riêng với cha: “Thưa cha kính yêu, trước linh cữu, chúng con quặn lòng đau xót trước sự ra đi của ba, của ông. Chúng con luôn nhớ những lời cha răn dạy để cùng nuôi dạy con cháu, vun đắp gia đình. Cầu mong ba được siêu thoát trong lòng đất mẹ Củ Chi, gặp lại bà nội, gặp lại mẹ. Xin vĩnh biệt ba kính yêu!”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời điếu truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
7h35, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời điếu truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Tổng Bí thư nhấn mạnh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là người cộng sản kiên cường suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Ông ra đi là sự mất mát to lớn với Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc.
Thủ tướng Phan Văn Khải được thừa hưởng truyền thống yêu nước của quê hương và gia đình, sớm tham gia phong trào cách mạng, từ khi mới 14 tuổi (năm 1947), đến năm 1959 ông gia nhập, trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo, luôn chăm chú với sự nghiệp cách mạng. Trên cương vị người lãnh đạo Chính phủ, ông đã cùng lãnh đạo đất nước từng bước vượt qua nhiều khó khăn của thời kỳ đổi mới, thu được những kết quả có ý nghĩa lịch sử.
Dù ở cương vị công tác nào, nguyên Thủ tướng cũng tuyệt đối trung thành với Đảng, với đất nước, nghiêm túc thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, sống gần gũi, gắn bó với nhân dân. Trong công tác, ông là một lãnh đạo có tầm chiến lược, có vai trò chủ chốt trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trong gia đình, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người chồng, người cha, người ông mẫu mực.
Trong suốt 85 năm tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, nguyên Thủ tướng đã có những đóng góp to lớn cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng của nguyên Thủ tướng là tấm gương sáng để tất cả mọi người nhìn vào, học tập, noi theo.
“Vĩnh biệt anh, anh Sáu Khải, chúng tôi nguyện đoàn kết một lòng để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục phấn đấu đi theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh. Anh ra đi nhưng hình ảnh anh còn mãi trong lòng mỗi người dân” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu.
Tổng Bí thư gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới toàn thể người thân, gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Phút mặc niệm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải diễn ra sau đó, khi đội quân nhạc cử hành khúc “Hồn tử sĩ” thiêng liêng.
7h30, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình – Trưởng Ban Tổ chức lễ tang tuyên bố Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ông nêu rõ, để tưởng nhớ những công lao đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng, Ban chấp hành TƯ Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ quyết định tổ chức tang lễ nguyên Thủ tướng theo nghi lễ Quốc tang.
2 ngày qua, đã có 2.046 đoàn với số lượng 108.000 người đại diện các cơ quan đoàn thể, địa phương, các tổ chức, chức sắc tôn giáo và đông đảo nhân dân đã tới viếng nguyên Thủ tướng, trong đó có 231 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế.
“Trong niềm tiếc thương vô hạn, hôm nay, chúng ta tiễn đưa nguyên Thủ tướng về nơi an nghỉ cuối cùng” – Phó Thủ tướng tuyên bố bắt đầu lễ truy điệu. Quốc ca được cử hành trong không khí trang nghiêm của phòng tang lễ.
7h22, sân trước Dinh Độc Lập đã đông kín người. Việc chuẩn bị cho Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã hoàn tất. Xe tang vào vị trí trên đại sảnh. Trong phòng tang lễ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã đứng nghiêm cẩn trước linh cữu nguyên Thủ tướng.
7h20, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiến vào bên trong Hội trường Dinh Độc Lập.
6h15: Hàng trăm người đã tập trung trước Dinh Độc Lập, chờ đến giờ dự lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dâng hương viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sáng 20/3.
7h30 ngày hôm nay 22/3, Ban Lễ tang nhà nước tổ chức lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội trường Thống Nhất TPHCM. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gia quyến cùng toàn thể nhân dân cùng nghe điếu văn ôn lại những công lao, đóng góp của nguyên Thủ tướng và nói lời tiễn biệt để đưa ông về nơi an nghỉ.
Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội cũng diễn ra lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Theo quy định về việc tổ chức lễ Quốc tang, tham dự lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có Ban Lễ tang nhà nước (do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban), Ban Tổ chức lễ tang (do Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình làm Trưởng ban), gia đình, thân nhân, đại diện các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Sau khi Trưởng ban Tổ chức lễ tang tuyên bố lễ truy điệu, quân nhạc sẽ cử Quốc ca. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng ban Lễ tang Nhà nước đọc lời điếu và tuyên bố phút mặc niệm nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Sau lễ truy điệu, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được di quan về quê nhà. Lễ an táng nguyên Thủ tướng được tổ chức vào 11h trưa tại nghĩa trang xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM, theo di nguyện của nguyên Thủ tướng và nguyện vọng của gia đình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các Phó Trưởng ban Tang lễ Nhà nước cũng trực tiếp cùng khiêng linh cữu, đưa nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải về nơi an nghỉ cuối cùng.
Theo thông báo của Ban Tổ chức lễ tang, trong ngày 21/3, ngày thứ 2 diễn ra lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào tiếp tục đến viếng, gửi vòng hoa và chia buồn cùng gia đình nguyên Thủ tướng.
Nhiều Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ các nước đã gửi điện chia buồn với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cùng gia đình nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Đặc biệt, Đoàn đại biểu Đảng nhân dân cách mạng Lào, Quốc hội, Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Xay-xổm-phôn Phôm-vi-hản dẫn đầu đã đến viếng nguyên Thủ tướng tại Hội trường Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh.
Tính đến hết ngày 21/3, có tổng số 2.046 đoàn với số lượng 108.000 người đến viếng nguyên Thủ tướng tại Hội trường Thống Nhất TPHCM, Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội và tại quê nhà, trong đó có 231 đoàn ngoại giao và tổ chức quốc tế.
Nhóm Phóng viên (dantri.com.vn)