Báo cáo tại Hội nghị, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, những năm qua, mặc dù nhu cầu đi lại của người dân ngày càng tăng, khối lượng hàng hóa cần vận chuyển lớn, lượng khách du lịch cũng tăng cao… song so với các loại hình vận tải khác, ngành đường sắt lại đang có những dấu hiệu bị tụt lùi. Công nghệ lạc hậu, không được kết nối với các phương thức vận tải khác để khai thác các lợi thế của đường sắt, các ga đường sắt quốc gia hiện cũng chưa có sự kết nối với các bến xe, xe buýt, các tuyến đường gom… dẫn đến việc vận chuyển hàng hóa, hành khách kém hấp dẫn, chi phí cao, bất tiện với hành khách đến với đường sắt. Ngoài ra, hệ thống đường sắt ở nước ta hiện chưa tham gia sâu rộng vào dịch vụ logistics. Sự phối hợp phát triển vận tải đa phương thức và phát triển các dịch vụ logistics gắn với hệ thống đường sắt hầu như chưa có, điều này càng làm cho vận tải đường sắt kém hấp dẫn và ngày càng mất đi thị phần. Chất lượng nhân lực của đường sắt hiện rất thấp, kéo theo nhiều hệ lụy, từ quản lý, kinh doanh, lẫn chất lượng phục vụ hành khách còn nhiều bất cập. Thực tế này đòi hỏi ngành đường sắt cấp thiết triển khai nhiều giải pháp nâng cao trình độ người lao động, đồng thời có chính sách phù hợp để hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng và Chủ tịch Hội đồng thành viên Vũ Anh Minh chủ trì Hội nghị
Với hiện trạng đầy khó khăn và thách thức trong nội tại, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với các loại hình vận tải khác, cùng sự hội nhập, phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, ngành đường sắt đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực về công nghệ đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt điện khí hóa. Đồng thời xây dựng chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia trong hoạt động đường sắt. Rà soát, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ ngành đường sắt…
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh khẳng định, công tác đào tạo hiện nay trong ngành đường sắt còn yếu. Ngay cả cấp cán bộ quản lý ở nhiều đơn vị vẫn chưa ý thức tự trau dồi, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn và kiến thức tổng hợp để nâng cao năng lực. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực đường sắt chưa chủ động trong kế hoạch đào tạo của đơn vị, cũng như có những yêu cầu, đề xuất với cơ sở đào tạo để có chương trình đào tạo sát với thực tế sản xuất kinh doanh và nhu cầu của đơn vị. Ngược lại, nhà trường cũng chưa thâm nhập thực tế hoạt động tại các doanh nghiệp để biết doanh nghiệp cần gì, từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nhấn mạnh, công tác đào tạo trong lĩnh vực đường sắt chưa khai thác hiệu quả cơ sở vật chất sẵn có; mới chỉ đào tạo ban đầu mà chưa chú trọng đào tạo lại, đào tạo năng cao kỹ năng cho người lao động đang làm việc trong lĩnh vực đường sắt… Để thực hiện mục tiêu chiến lược của ngành đường sắt, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong đổi mới, hiện đại hóa, cần quan tâm đến vấn đề phát triển nhân lực của ngành đường sắt. Việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp đường sắt phải phù hợp, đồng bộ với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt và đồng bộ với công nghệ được chuyển giao, khả năng làm chủ và phát triển công nghệ mới; đồng thời để đáp ứng “đúng và trúng” nhu cầu đào tạo của ngành đường sắt nói chung, các doanh nghiệp đường sắt nói riêng, cần đẩy mạnh phối hợp với các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng giảng dạy, đào tạo, chú trọng đào tạo cập nhật, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể đối với người học các ngành nghề lĩnh vực đường sắt. Tăng cường hợp tác quốc tế, cơ sở đào đạo nước ngoài để đào tạo lái tàu Việt Nam cho các doanh nghiệp vận tải đường sắt ở Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc./.
Nguồn: http://cic.edu.vn/