Trước thực trạng đó, trong cuộc họp Ban chỉ đạo xây dựng Trường học thân thiện - Học sinh tích cực (THTT-HSTC) mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý một lần nữa nhắc nhở đại diện Bộ VH-TT-DL, đề nghị bàn giao cho ngành GD danh sách các di tích lịch sử và các tài liệu giới thiệu về di tích. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy các giá trị di sản văn hóa thì đã đến lúc cần đặt vấn đề giáo dục cho thế hệ trẻ về di sản chứ không chỉ dừng lại ở khái miệm di tích như nội dung mà phong trào xây dựng THTT-HSTC đưa ra. Dân trí vừa có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Huy về vấn đề này.
Thưa PGS, ông nghĩ gì khi các địa phương cho rằng thiếu di tích và tài liệu về di tích cho các nhà trường triển khai?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy: Mới đây, khi đi ngang qua con đường gốm sứ rất nổi tiếng của Hà Nội, tôi thấy các học sinh (HS) đeo khăn quàng đỏ với sự hướng dẫn của thầy cô giáo đang lau chùi mảng tường gốm sứ đó bị phủ đầy một lớp bụi bặm của đường phố. Tuy nhiên theo tôi đó không phải là việc của ngành giáo dục. Việc ấy chính quyền nhà nước phải lo, bằng tiền đóng thuế của dân.
Cũng tương tự như vậy là rất nhiều hình ảnh các em HS đến các đình chùa được coi là di tích phải chăm sóc, để lau chùi, quét dọn. Thật ra không phải là không tốt, nhưng bản chất của việc ứng xử với di tích không phải chỉ là như vậy và đó không phải là điều quan trọng nhất. Cách làm như thế quá cũ rồi, 60 năm trước bản thân tôi, khi là một đội viên cũng đã trải qua. Nay thời thế đã khác rồi mà sao vẫn như xưa.
Việc xác định di tích để chăm sóc, cũng như nội hàm “chăm sóc di tích”, có lẽ cần phải làm rõ, hơn nữa cần phải thay đổi cả quan niệm về “di tích” lẫn “chăm sóc” thì phong trào này mới có sức sống. Hình như người ta chỉ quan tâm đến những di tích lớn, nổi tiếng, đặc biệt là những di tích đã được công nhận là di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, cấp tỉnh… Đó là quan niệm phiến diện. Hơn nữa, di tích chỉ là di sản vật thể, là một phần của di sản thôi.
PGS có thể lý giải vì sao lại có quan niệm phiến diện đó?
Khái niệm “di tích” được sử dụng ở đây hẹp quá, nó làm cho các hoạt động bị đóng khung lại, khó sáng tạo. Cần phải đưa ra khái niệm rộng hơn, hữu dụng hơn để sử dụng cho phong trào này, đó là khái niệm “di sản”.
Cần quan niệm rằng di sản là hạt nhân, là cái lõi để triển khai các hoạt động liên quan. Vấn đề là phải hiểu đúng về di sản, về tầm quan trọng của nó. Thực ra là di sản luôn có mặt ở quanh ta, xung quanh trường học, xung quanh môi trường sống của HS. Các cộng đồng, dù lớn hay nhỏ, đều chứa đựng rất nhiều di sản vật thể và phi vật thể. Chịu khó suy nghĩ một chút có thể thấy ngay một sự thực là rất nhiều di sản đang sống giữa cộng đồng.
Di sản là một tồn tại, là chứng nhân của lịch sử. Đừng nghĩ di sản chỉ là những cái gì cao xa, có bề dày lịch sử và nổi tiếng, được mọi người thừa nhận. Thực ra nó rất đời, thân thiện trong cộng đồng. Quan trọng là ta có biết tiếp cận để nhận diện ra nó không, để khai thác nó không. Nhà trường phải biết “chơi” với cộng đồng thì mới nhận diện và khai thác hết giá trị di sản gần gũi với mình. Nói riêng về di tích, danh mục do ngành văn hóa cung cấp là quan trọng nhưng chắc chắn không bao giờ đầy đủ, đặc biệt ở những vùng nông thôn và vùng cao xa xôi hẻo lánh.
Theo tôi điều quan trọng hơn là làm sao để các GV và HS phải biết cách tự tìm cho mình, tự phát hiện hay nói một cách đơn giản hơn là nhận diện những di sản vật thể và phi vật thể ở xung quanh mình. Có những thứ rất đời thường chưa bao giờ được coi là di sản, được ghi chép trong các văn bản chính thống nhưng thực sự nó là di sản và chính GV và HS sẽ cùng nhau phát hiện ra điều lý thú đó. Do quan niệm hạn hẹp và chưa đúng mà rất nhiều di sản đã bị bỏ quên, bị nằm ngoài đối tượng của phong trào THTT - HSTC. Đó là điều đáng tiếc.
Khái niệm "hẹp" khiến các trường lúng túng vì thiếu tài liệu và di tích chăm sóc.
Có lẽ phải đổi nội dung “chăm sóc di tích” thành “chăm sóc di sản” thì sẽ bao quát được vấn đề giáo dục truyền thống hơn. Nhưng đó là câu chuyện về sau, chúng ta hãy quay trở lại việc “chăm sóc di tích” mà các nhà trường đang thực hiện. Theo PGS, vấn đề cần phải làm ở đây là gì?
Theo tôi thì điều quan trọng là các hoạt động của phong trào đồng thời cũng phải như một hoạt động giáo dục có định hướng/mục tiêu, tạo cho HS nhiều cách tiếp cận với di sản để các em có cách nhìn và ứng xử đúng với di sản, biết cách sử dụng di sản thích ứng với cuộc sống hiện tại, phát huy được giá trị của nó trong hiện tại.
Cả GV và HS, thông qua hoạt động tiếp cận với di sản, sẽ được trang bị một tư duy, một phương pháp luận chung để nhận biết về di sản. Chẳng hạn một khi HS hiểu về cổng làng ở các khía cạnh khác nhau của nó thì khi ra khỏi làng có thể nếu mà gặp bất kỳ một di sản nào khác, người HS đã có một một công cụ để xem xét, đánh giá về di sản ấy và có thái độ và hành vi ứng xử đúng.
Phải tổ chức cho các em có cơ hội hoạt động điều tra, nghiên cứu, trao đổi, thảo luận thì các em sẽ có được cách tiếp cận, cách nhìn, cách xác lập giá trị di sản đúng để từ đó có thể làm chủ được di sản. Có nghĩa là phải thay đổi khái niệm từ “chăm sóc” sang “tiếp cận”, điều tra về di sản. Mà không phải làm theo ngày kỷ niệm, theo dịp, đến ngày đến tháng là lại hò nhau “dựng” giá trị di sản lên. Phải làm thường xuyên. Phải luôn duy trì việc rèn cho HS cách tiếp cận với di sản, đời sống của di sản và vận dụng nó trong cuộc sống hiện tại, vào các bài học.
Tất cả câu chuyện này không đơn thuần chỉ là một phong trào nữa mà trở thành một bộ môn, một phương pháp trong giáo dục kỹ năng sống cho HS, thậm chí trở thành một phần trong bộ môn giáo học pháp ở các trường sư phạm về những cách làm, phương pháp tiếp cận di sản. Có được công cụ này GV có thể ứng dụng sáng tạo ở bất cứ địa phương nào, hoàn cảnh nào và di sản nào. Điều đó sẽ làm cho phong trào trở nên sâu sắc hơn, thiết thực hơn và sống mãi với ngành giáo dục.
Được biết cũng đang có một dự án mang tên “Nhà trường - Di sản và Bảo tàng”. Nội dung Dự án này có vẻ có nhiều điểm liên quan đến phong trào THTT-HSTC đang được đang được triển khai trong các nhà trường. Vậy sự tham gia của ngành GD trong Dự án này như thế nào?
Tôi rất quan tâm đến vấn đề giáo dục di sản như một cách giáo dục kỹ năng sống và tích hợp với các môn học. Trong giáo dục di sản, tôi cho rằng quan trọng nhất là phải làm sao để các em có cách tiếp cận đúng, từ đó có nhận thức và hành vi ứng xử phù hợp với di sản. Chẳng hạn, nếu được giáo dục tốt về di sản, chính GV và HS sẽ là một lực lượng hùng hậu để góp phần ngăn chặn làn sóng trùng tu tôn tạo phục hồi không tôn trọng giá trị lịch sử của di sản như hiện nay.
Đó là lý do để UNESCO ủng hộ chúng tôi thực hiện dự án “Nhà trường - Di sản và Bảo tàng” với mục tiêu chủ yếu là hướng dẫn GV và HS cách tiếp cận với di sản, biết cách khai thác và phát huy di sản ở quanh mình. Chúng tôi lấy 2 điểm làm mẫu cho Dự án là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và chùa Láng ở Hà Nội. Tùy theo đối tượng HS mà có nội dung khác nhau. Với chùa Láng chúng tôi đang làm thí điểm ở cấp tiểu học, với việc tổ chức cho các em cách tìm hiểu đa dạng về ngôi chùa, từ nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hệ thống cây trong chùa đến các đối tượng thờ cúng như các bức tượng hay các nhạc cụ được sử dụng trong chùa như trống, chuông, khánh, mõ, tri thức từ các vị sư trụ trì… Với Bảo tàng Phụ nữ thì xây dựng các chương trình cho HS THCS đến khai thác các chủ đề khác nhau. Ở cả hai nơi, HS đều là người hoạt động chủ động, chủ thể. Từ hai điểm mẫu này, chúng tôi sẽ hy vọng tiếp tục phát triển thêm một số điểm mẫu di sản và bảo tàng khác nữa để từ đó giúp cho GV một công cụ để có thể tiếp cận với bất cứ loại hình di sản nào khi tổ chức các hoạt động cho HS.
Thực ra dự án cũng mới chỉ dừng thí điểm ở cấp trường, đại diện Phòng và Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đang theo dõi dự án này. Khi Dự án thành công, chúng tôi sẽ có kế hoạch bàn với các ngành chức năng nhân rộng ra trong phạm vi Hà Nội và cả nước.
Xin cảm ơn PGS!
Nguyễn Thị Trâm - Nguyễn Hùng