Khi con sợ học
Chị Trúc Anh (TT Sở Tư Pháp, Đống Đa, HN) cho biết, chỉ cần cha mẹ thiếu kiên nhẫn và không để ý đến tâm lý trẻ khi bắt đầu chuyển từ giai đoạn mẫu giáo sang học chữ có thể để lại những ảnh hưởng không nhỏ cho việc học của trẻ. Bằng chứng từ câu chuyện dạy con của chị. Vì quá cầu toàn và mong muốn con luôn đạt điểm giỏi, đứng đầu lớp, chị đã gây áp lực cho cả hai mẹ con. Với cô con gái khi bắt đầu vào lớp 1, điểm mang về nhà lúc nào cũng phải đạt điểm cao. Nhưng theo chị, áp lực chuyện điểm số đó không khiến chị ân hận bằng việc quát con khi giảng bài. Mỗi khi cháu chưa hiểu bài hoặc làm bài sai, thay vì bình tình giảng lại và phân tích lỗi sai cho con, chị lại “lên lớp” cháu một bài và đem cháu ra so sánh với bạn bè. Tích tụ của những lần đó đã khiến cô con gái chị chỉ cần thấy mẹ nói to, cháu nhầm lẫn các khái niệm và thậm chí không thể trả lời các câu hỏi đơn giản.
Ngược lại với chị Trúc Anh, chị Hà Thu (Yên Hoà, Hà Nội) lại quá bận bịu với công việc và con nhỏ nên việc học của cậu con trai cả được mẹ lo cho theo hình thức “khoán”, mẹ chỉ giao việc lúc đầu và kiểm tra cuối cùng. Chị Hà Thu thường “khoán” cho con đúng giờ ngồi vào bàn học, học xong bài ở lớp thì nghỉ. Chị Hà Thu cho biết, việc “khoán” đó lúc đầu có vẻ có tác dụng với việc cu cậu ngồi học đúng giờ làm bài nhanh. Tuy nhiên, khi gặp những bài khó cu cậu ngại suy nghĩ và nhiều khi hỏi mẹ thì mẹ đang bận nên bỏ qua. Lâu dần, thói quen bỏ qua bài khó trở thành nếp và giờ đây, chị đang phải rèn lại cho cậu con trai thói quen tập trung suy nghĩ khi làm bài.
Không giống như chị Trúc Anh và chị Hà Thu, chị Hoài Giang (Mỹ Đình 1, Từ Liêm) lại có thói quen trao thưởng khi con được điểm 9, 10 và đưa ra hình phạt khi con điểm thấp. Khi học lớp 1, việc trao thưởng có vẻ rất có tác dụng với cậu con trai của chị. Việc trao thưởng cho con chỉ được chị dừng lại khi cô giáo lớp 2 cảnh báo tình trạng học sinh “bỏ quên” phiếu làm bài được điểm dưới 8 ở lại lớp. Kiểm tra lại, chị phát hiện cậu con trai đã bỏ lại toàn bộ những bài điểm không cao lại lớp để tránh bị phạt.
 |
Thay vì trao cho con chìa khoá, cha mẹ hãy trao cho con kỹ năng để mở "ổ khoá" kiến thức.
|
Muốn dạy con tốt hãy học cách hiểu trẻ
Roi vọt không phải là cách giúp trẻ tập trung học tập. Treo thưởng cũng không thể là biện pháp khuyến khích con ham học hơn. Trẻ thích học hay không lại phụ thuộc vào phương pháp giáo dục khéo léo của cha mẹ. Đó là lời khuyên từ các nhà tư vấn tâm lý cho cha mẹ khi nhận được điện thoại nhờ tư vấn.
Còn cô Kim Thanh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD&ĐT TPHCM) cho rằng, sự thành đạt chẳng để làm gì nếu bản thân trẻ không được hạnh phúc. Nhiều trẻ phải học tập theo lệnh của bố mẹ mà gia đình không hiểu là các em không hề thích.
Sau khi vấp phải những thách thức trong việc học tập của con, chị Trúc Anh nhận ra rằng, tự mình đang gâp áp lực cho con và làm cho con nản với việc học. Nhìn nhận lại câu chuyện của mình, chị Trúc Anh cho rằng, bố mẹ đang kỳ vọng quá nhiều vào con mình và dựng nên một mẫu người hoàn hảo lý tưởng để áp đặt cho con mà không biết rằng, con mình chưa đủ tuổi để trở thành hình mẫu đó.
Chia sẻ kinh nghiệm dạy học từ các bé trong trường hay từ chính con mình, chị Phạm Thị Cúc Hà, Thạc sỹ Quản lý Giáo dục, điều phối chương trình của Trường mầm non song ngữ Justkids (Nguyễn Thị Định, Hà Nội) cho rằng, hơn ai hết, bố mẹ là những người hiểu đặc điểm của con mình nhất, do đó hãy dựa trên cá tính và đặc điểm đó để dạy cho con các kỹ năng theo từng lứa tuổi. Thay vì dạy học một cách máy móc và áp đặt, bố mẹ hãy cùng các con lên kế hoạch học tập cho con mình hàng ngày, hàng tuần và ngay từ đầu năm học mới. Thay vì giải hộ con bài tập, hãy đưa ra cho con các câu hỏi để gợi mở cho con hướng làm bài. Và quan trọng nhất là bố mẹ không nhất thiết phải ngồi học cùng con nhưng phải biết hôm nay con cần học và làm bài tập những môn gì, trong phạm vi nào. Theo chị Cúc Hà, cách làm trên rất đơn giản nhưng nó giúp bố mẹ và các em thấy hứng thú với việc học.
Đồng quan điểm với chị Cúc Hà, Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục TPHCM nêu ý kiến: “Cha mẹ có hiểu con mới dạy được con. Cha mẹ cần biết và hiểu rõ con mình muốn gì, cần gì, tình trạng của con ra sao để có những tác động tích cực và phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý của con qua từng giai đoạn phát triển. Trên cơ sở hiểu con, các kỹ năng dạy con là yếu tố rất quan trọng để hỗ trợ trẻ phát triển thuận lợi.”
 |
Gia đình và nhà trường, mỗi người sẽ có một vai trò riêng của mình trong việc dạy trẻ.
|
Một giáo viên trường tiểu học dân lập trên địa bàn huyện Từ Liêm cho rằng, trong việc dạy học, gia đình và nhà trường có vị trí rất quan trọng nhưng mỗi người có một phần việc riêng của mình. Sau một ngày học ở trường tương đối dài, các em cũng đã khá mệt mỏi, do đó khi về nhà bố mẹ hãy tạo cho trẻ một không gian ăn uống, nghỉ ngơi thư giãn vui đùa thoải mái nhằm tái tạo lại sức khoẻ. Yêu cầu duy nhất của cô giáo này đối với phụ huynh là hàng tối, bố mẹ nhắc các con làm các bài tập cô giáo yêu cầu. Việc các con làm đúng hay sai cũng như giảng lại kiến thức cho các con là việc của cô giáo sẽ làm trong ngày lên lớp kế tiếp.
Dạy con học là một quá trình lâu dài mà ở đó, cha mẹ cần kiên trì và có phương pháp hợp lý. Triết lý đơn giản của các giáo viên hay nhà tâm lý đều mong muốn rằng trẻ em phải được hạnh phúc trước khi muốn thành đạt sau này. Gia đình hãy là nơi nuôi dưỡng ước mơ chứ không nên ép trẻ đi theo sở thích và mong muốn thành tài của bố mẹ.
Thanh Châu