Ngày 25-10, trên báo chí, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga đã phát biểu ý kiến xung quanh vấn đề tỉnh Nam Định "nói không" với người tốt nghiệp Đại học dân lập, tư thục trong kỳ tuyển công chức nhà nước, đồng thời, vị thứ trưởng này có nhắc đến việc các trường ĐH - CĐ Ngoài công lập đưa ra một số đề xuất ưu ái hơn trong tuyển sinh.
Theo thứ trưởng thì: "Nếu nói cách làm của tỉnh Nam Định là trái luật khi thể hiện sự phân biệt đối xử giữa trường công lập và ngoài công lập thì các trường ngoài công lập không nên đề xuất một hướng tuyển sinh khác với quy định chung cho tất cả các trường ĐH, CĐ, yêu cầu mình phải được hưởng những ngoại lệ so với trường công, hạ thấp hơn điều kiện tuyển sinh. Bởi càng làm như vậy càng khó thuyết phục xã hội về sự bình đẳng chất lượng với trường công lập.
Về phía Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ kiên quyết không chấp nhận có ngoại lệ trong tuyển sinh đối với các trường ngoài công lập. Điều này thể hiện quan điểm của Bộ GD-ĐT không nhân nhượng cho việc hạ chất lượng đào tạo. Các trường ngoài công lập muốn xóa được sự phân biệt đối xử của xã hội thì cần phải đảm bảo ngưỡng tối thiểu được đặt ra chung cho tất cả các trường.
Nếu chúng tôi cho phép các trường ngoài công lập được tuyển sinh với tiêu chí thấp hơn trường công, liệu chúng tôi có thể lên tiếng bảo vệ quyền lợi của người tốt nghiệp từ các trường ngoài công lập trong những tình huống như ở Nam Định không?"
Thứ trưởng Bùi Văn Ga
Không đồng tình với Thứ trưởng Ga, đại diện Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Ngoài công lập, TSKH Phan Quang Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội khẳng định: “Từ trước tới nay, Hiệp hội chưa bao giờ có một đề xuất nào đặt vấn đề là phải ưu tiên cho các trường NCL trong tuyển sinh. Lời nói của Thứ trưởng Bùi Văn Ga không có căn cứ. Nếu có, đề nghị Thứ trưởng cung cấp văn bản đó và nêu rõ văn bản đó đã được gửi từ bao giờ, gửi đến ai?”.
Tự nhận thấy vấn đề tuyển sinh ĐH - CĐ còn nhiều bất cập, trong thời gian qua, Hiệp hội các trường ĐH - CĐ Ngoài công lập đã tự bỏ kinh phí để tổ chức các hội thảo tuyển sinh tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam, nhằm trưng cầu ý kiến của các chuyên gia giáo dục hàng đầu đất nước để cùng góp ý, hiến kế cải thiện khâu tuyển sinh ĐH - CĐ tại Việt Nam hiện nay.
Ông Trung một lần nữa nhấn mạnh: Đây là những góp ý cải thiện việc tuyển sinh trên toàn quốc, dành cho cả các trường công lập và ngoài công lập, chứ không phải là đòi hỏi một sự ngoại lệ nào đó trong tuyển sinh đối với trường NCL.
Tất cả những ý kiến đóng góp của các chuyên gia giáo dục đều đựơc chúng tôi tổng hợp lại và gửi Bộ Giáo dục - đào tạo. Những ý kiến này đều có văn bản rõ ràng. Tại sao Thứ trưởng Ga lại có thể phát biểu một cách thiếu căn cứ như vậy? - ông Trung cho biết.
Trong khi các nước tiên tiến trên thế giới đang mở rộng cửa việc tuyển sinh vào các trường ĐH - CĐ nhưng siết chặt "đầu ra" (tốt nghiệp), thì tại Việt Nam, việc làm này lại ngược lại: Siết chặt "đầu vào" (thể hiện qua việc tuyển sinh), thả lỏng "đầu ra".
Lý giải điều này, Thứ trưởng Ga cho rằng: Vì Các trường ngoài công lập không dám thực hiện việc mạnh tay đào thải trong quá trình đào tạo. Hoặc ít nhất cũng chưa dám làm việc đó vào thời điểm này. Chưa có trường ĐH ngoài công lập nào công bố được tỉ lệ đào thải, sàng lọc SV qua từng năm. Nếu không có tiêu chí khống chế ngưỡng chất lượng tối thiểu đầu vào tuyển sinh, các trường ngoài công lập có dám thực hiện sàng lọc mỗi năm 30-50% SV đã tuyển không? Tôi dám chắc là không.
Ông Phan Quang Trung thẳng thắn đặt câu hỏi với Thứ trưởng: “Tôi xin đặt câu hỏi lại với Thứ trưởng, những trường công lập của nhà nước hiện nay đã mạnh tay đào thải trong quá trình đào tạo? Đã bao giờ báo cáo Bộ về tỉ lệ đào thải sinh viên? Nếu các trường Công lập thực hiện báo cáo tỉ lệ đào thải hàng năm, thì các trường Ngoài công lập chúng tôi sẽ xin báo cáo ngay về tỉ lệ đào thải của mình!
Phát biểu trên báo chí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga có nói, trong tương lai sẽ phải có sự phân tầng các trường ĐH rõ rệt hơn. Và cho dù luật quy định bằng tốt nghiệp ĐH chính quy của trường công và tư đều có giá trị pháp lý tương đương nhau nhưng sẽ có sự khác biệt rất rõ ràng. Đó là sự khác biệt về chất lượng gắn với tên tuổi mỗi trường, không phải sự khác biệt của bằng tốt nghiệp.
Tuy nhiên, nhìn nhận lại sự việc của một số tỉnh thành vừa qua, rõ ràng, mấu chốt của việc gây phản ứng dữ dội từ phía dư luận ở đây là việc trọng bằng cấp hơn chất lượng thực sự của sinh viên.
Trong khi cả xã hội đang lên án nạn "bằng cấp", thì vị thứ trưởng này lại cho rằng "sự khác biệt về chất lượng gắn với tên tuổi mỗi trường"?
Biện pháp để thực hiện xã hội hoá hoạt động giáo dục và đào tạo, cụ thể bên cạnh việc củng cố các trường công lập giữ vai trò chủ đạo, lấy đó làm nòng cốt, cần mở ra nhiều hình thức giáo dục, phát triển các loại hình trường ngoài công lập, tạo cơ hội cho mọi người nâng cao trình độ, tiếp cận được những kiến thức mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật để vận dụng trong công việc và vào đời sống hàng ngày; sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để phát triển giáo dục từ xa...
Trong Nghị quyết nêu rõ: Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các loại trường, lớp bán công, dân lập, tư thục tại thành phố, thị xã, thị trấn và những vùng có kinh tế thuận lợi. Củng cố các trường đại học dân lập hiện có, cho phép lập thêm trường đại học dân lập ở một số địa phương có nhu cầu và khả năng quản lý.
Nghị quyết số 90, năm 1997 của Chính phủ