Trẻ bị ép giảm cân
Ngày nào cũng vậy, sau giờ tan trường, N.T., học sinh (HS) Trường tiểu học Chi Lăng (Q. Gò Vấp, TPHCM) lại được mẹ “tháp tùng” đến trung tâm thể dục thẩm mỹ. Đã tập gần 3 tháng nay nhưng khi vào phòng tập, N.T. vẫn không hết e ngại, luôn tìm cánh trốn phía sau để mọi người đừng để ý khi em thấy mình “lạc lõng” nơi chủ yếu dành cho các cô, các bà. Cao trên 1m50, nặng đến 60kg, nhìn N.T. không ai nghĩ em mới 11 tuổi.
Em N.T. uể oải ở phòng tập aerobic dành cho người lớn.
Mỗi khi T. tập, người mẹ đứng ở cửa để canh chừng con. Ngoài bài vận động đơn giản thì những bài phức tạp với cả người lớn như bài gậy, bài nằm nệm… T. méo mặt không gập nổi người, em buông lỏng liền bị mẹ nhắc ngay. Không chỉ vậy, nhiều hôm T. phải còn tập 2 ca liền như yêu cầu của mẹ.
T. ngại ngần cho biết, em không thích đi tập với người lớn thế này một chút nào vì em thấy căng thẳng mà còn xấu hổ. Em thích đi bơi, chơi cầu lông nhưng mẹ không cho vì sợ không kiểm soát được. “Mẹ yêu cầu em phải giảm được 5 ký trong hai tháng tới”, cô học trò này nói.
Để thực hiện mục tiêu này, không chỉ tập thể dục theo chế độ của người trưởng thành, em còn phải ăn uống theo chế độ cực kỳ khắt khe do mẹ đặt ra. Dù tập rất mất nhiều sức như vậy nhưng tối về em chỉ được ăn một chén cơm với ít đồ ăn và không được uống sữa như trước. T. cũng bị cắt sạch tiền ăn vặt, không uống sữa… hàng ngày nên em rất khó chịu.
Chưa “mũm mĩm” như T. nhưng em N., HS Trường tiểu học Kim Đồng (Q. Gò Vấp, TPHCM) hàng ngày cũng đã phải đến phòng tập aerobic chỉ toàn người lớn. N. cực quậy không chịu vì “tập cùng các cô kỳ lắm” liền bị mẹ la bằng cách chế giễu thân hình không thon gọn của em.
Không chỉ mong con giảm cân, mẹ N. còn yêu cầu con làm sao phải thật “mi nhon”, mảnh khảnh. Ngoài thời gian tập ở đây, buổi sáng N. còn cùng bố mẹ chạy bộ khoảng cây số dù có hôm em lả đến mức phải xin nghỉ học những tiết đầu. “Không tập từ bây giờ thì sau này béo rồi khó giảm cân lắm. Con gái là phải trông gầy guộc mới đẹp”, người mẹ này nói.
Phong tỏa “năng lượng” của con
Bên cạnh nhiều ông bố bà mẹ luôn thích con mình thật “mũm mĩm”, không tạo cho con thói quen vận động và cho trẻ ăn uống một cách hợp lý thì không ít phụ huynh, khi con “tròn trịa” lập tức bắt con áp dụng mọi cách để giảm cân. Ngoài việc tập thể dục, cách cắt giảm phần ăn cũng được nhiều người áp dụng.
Trẻ thừa cân, béo phì đang là "vấn nạn" ở bậc tiểu học.
Chị Đào Thị Linh, có con 4 tuổi đang học mầm non cho hay, trước đây mỗi ngày chị cho con uống 3 hộp sữa, khi thấy con nằm trong danh sách trẻ thừa cân ở trường chị lập tức “ép” con giảm cân. Mỗi ngày cháu chỉ còn được uống một hộp sữa, không ăn phô mai, ăn đúng bữa và cắt hẳn ăn vặt… Khẩu phần ăn trong bữa chính, chị cũng bớt đi.
“Nhiều hôm thấy con khóc ngặt nghẽo đòi uống sữa, tôi cũng xót xa lắm. Mới bé tí đã phải giảm cân nhưng bây giờ cho cháu sung sướng, sau này khổ thân nó thôi”, chị Linh cho hay.
GV một trường tiểu học kể rằng, có phụ huynh của em HS tên Thùy nhờ cô đến bữa bớt khẩu phần cơm trong bữa trưa của con và cắt tiền sữa ở trường của cháu. Dù giáo viên này đã tư vấn cho phụ huynh, trẻ cần đủ năng lượng để phát triển, không thể cắt việc ăn uống của cháu “mạnh tay” như vậy mà nên giảm từ từ đồng thời khuyến khích con vận động.
Thấy GV không đồng tình, phụ huynh này đã “bù” bằng cách cắt khẩu phần ăn của cháu ở nhà một cách tối đa, hàng ngày cháu không được uống sữa. Vì bị đói, luôn thèm ăn nên khi đến lớp cháu Thùy rất gay cáu gắt, mệt mỏi và lười vận động, học hành cũng bị giảm sút…
“Nhiều em học trò kể rằng HS này hay xin đồ ăn của các bạn. Không được bố mẹ cho tiền mua quà vặt như trước em còn đi vay tiền của bạn để mua quà bánh”, GV này kể thêm.
Trẻ giảm cân phải khoa học
Theo điều tra của Trung tâm Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM năm 2008 - 2009 về tình trạng dinh dưỡng ở HS tiểu học, trẻ suy dinh dưỡng chiếm 1,4%, trẻ thừa cân và béo phì lên đến 28,5%. Béo phì được báo động là căn bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất so với các bệnh về nhẹ cân, thấp còi ở trẻ em. Tỷ lệ béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi vào năm 1999 chỉ khoảng 2,2% thì sau 11 năm vào năm 2010 đã lên gần 11%, tăng hơn 5 lần.
HS trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Phú Nhuận) chơi đá cầu trong giờ ra chơi.
BS Nguyễn Tài Dũng (Phó trưởng phòng công tác HS-SV Sở GD-ĐT TPHCM) cho hay, phụ huynh ý thức cho con vận động để giảm cân, giữ sức khỏe là điều đáng khuyến khích. Mỗi người trung bình cần 60 phút vận động mỗi ngày nhưng vận động phải phù hợp với lứa tuổi, không thể bắt trẻ nhỏ vận động như người lớn. Thay vì ép con tập thể dục nên cho các em nên chơi những môn thể thao mà các em yêu thích như như bơi lội, đá banh, chơi cầu lông, bóng rổ… để trẻ cảm giác được thoải mái.
BS Nguyễn Tài Dũng khuyến cáo việc tìm cách hạn chế trẻ tăng cân với trẻ thừa cân, béo phì là cần thiết nhưng chế độ ăn hàng ngày phải đảm bảo đủ chất để con phát triển tốt về chiều cao, miễn dịch và trí não. Việc không cho con uống sữa là rất phản khoa học vì trẻ có thể thiếu canxi cũng như bị ức chế về tâm lý. Có thể thay thế cho trẻ uống các loại sữa không béo.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Ngọc Diệp, giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho hay, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ mẫu giáo bằng 2/3 người lớn gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ. Đặc biệt, không được để trẻ bỏ bữa vì bản năng sẽ đòi “ăn bù” vào bữa sau. Trong bữa ăn cần hạn chế các món nhiều chất béo, đồ ngọt, nên tập cho trẻ ăn nhiều rau, trái cây.
Ngoài ra cần tăng cường cho trẻ vận động 60 phút mỗi ngày không chỉ qua các bài tập thể dục, trò chơi vận động mà còn bằng cách giúp việc ở nhà, trường lớp. Đồng thời hạn chế để trẻ ngồi xem ti vi, chơi với máy tính, đọc truyện… quá 2 giờ đồng hồ mỗi ngày.
Hoài Nam