Tin tức tổng hợp : Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng 32 năm nhìn lại

Trường CĐ Công nghiệp và Xây dựng 32 năm nhìn lại

Là một cán bộ có mặt ở nhà trường từ ngày đầu thành lập đến khi về hưu (2005) ông Bùi Văn Đỉnh chứng kiến bao sự đổi thay của nhà trường trong suốt thời gian qua, nay nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, nhớ về mái trường xưa, ông tâm sự:

 Trường Cao đẳng công nghiệp và xây dựng- Tiền thân là Trường Đào tạo công nhân kỹ thuật cơ khí,vận hành xe máy thi công-Gọi tắt là Trường công nhân kỹ thuật cơ khí thành lập ngày 1-10-1977 là đơn vị thành viên của Công ty xây dựng mỏ than. Nay là Công ty than Uông bí thuộc TKV.

 

 Ngày đầu thành lập nhà trường có 3 phân hiệu:

                -Phân hiệu cơ khí sinh hoạt chung với cơ quan hiệu bộ đóng tại thôn Thượng thông,xã Hồng Thái Đông,Huyện Đông Triều,tỉnh Quảng Ninh.

                -Phân hiệu Vận tải đóng tại Thôn Tân Lập, xã Phương Đông,thị xã Uông bí.

                -Phân Hiệu cơ giới đóng tại nơi nhà trường đang ở hiện nay.

                Cả ba phân hiệu nguyên là Trường cạnh xí nghiệp chuyên làm công tác đào tạo công nhân kỹ thuật cho chính xí nghiệp.Chức năng quyền hạn của ông Hiệu trưởng ngang bằng như một...quản đốc phân xưởng. 

                Cả 3 phân hiệu chỉ có 77 cán bộ,giáo viên,CNVC là số người được các xí nghiệp Cơ khí sửa chữa,xí nghiệp Vận tải,xí nghiệp Thi công cơ giới cử ra làm công tác quản lý, phục vụ và giảng dạy. Ngoài các ông Mai Thế Hiển kỹ sư cơ khí, Đào Thanh Sơn kỹ sư điện và sau đó thêm các ông bà Nguyễn Quốc Thịnh,Trần Quang Đại, Bùi Bá Tuyên, Lê Văn Thành, Mai Thị Lý học từ Liên bang Xô Viết cũ về làm giáo viên dạy nghề còn tất tật đều có trình độ kỹ thuật trung cấp hoặc công nhân, thậm chí có người chỉ bậc... hai, bậc 3 làm giáo viên.

                Sở dĩ có tình trạng trên nguyên nhân chính là: Sau thắng lợi Xuân 1975, đất nước ta hoàn toàn sạch bóng quân thù, non sông thu về một mối.Nhiệm vụ giải phóng Đất nước hoàn thành.Cách mạng chuyển sang giai đoạn mới.Cả nước tiếp tục công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn khó khăn.Toàn bộ cơ sở hạ tầng, các nhà máy,xí nghiệp,hầm mỏ bị tàn phá hết sức nặng nề.Nước ta có tiềm năng tài nguyên phong phú,lao động dồi dào...nhưng hậu quả chiến tranh và tàn dư của chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, cơ sở vật chất kỹ thuật lạc hậu,lao động thủ công,năng xuất thấp,quản lý kinh tế kém hiệu lực, thiên tai xảy ra dồn dập...Trước tình hình đó tại Đại hội IV Đảng lao động Việt Nam đã đề ra đường lối chiến lược nhằm nhanh chóng phát triển nền kinh tế quốc dân với phương châm "Lấy công nghệp hoá làm then chốt thúc đấy các nền kinh tế khác làm cơ sở vững chắc cho việc tiếp tục đưa Đất nước tiến lên CNXH.Bộ Điện và Than được thành lập.Các nhà máy,xí nghiệp,hầm mỏ được phục hồi.

                Tuy vậy do lực lượng lao động kỹ thuật đã được huy dộng hết cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.Số còn sống sót hầu hết đã già,yếu,thương tật về quê sinh sống.Số trẻ hơn tiếp tục đi học hay lao động hợp tác ở các nước Đông âu.Do vậy các ngành công nghiệp từ địa phương đến trung ương đều thiếu lao động kỹ thuật nghiêm trọng.

                Trường CNKT cơ khí được thành lập trong bối cảnh này để gấp rút đào tạo đội ngũ công nhân nhanh chóng đáp ứng cho các nhu cầu mà các trường cạnh xí nghiệp không thể thực hiện.

                Ngày đầu thành lập,nhà trường phải tiếp thu một gia tài hoàn toàn khánh kiệt.Nơi ăn chốn ở khoảng 3000m2 nhà tạm đã quá niên hạn sử dụng.Phương tiện thiết bị cũ nát,lạc hậu...Thày trò nhà trường phải gồng mình chịu đựng,vừa đào tạo vừa xây dựng.

                Năm 1978 Công ty xây dựng mỏ than được đổi tên thành công ty xây lắp Uông bí, theo đó nhà trường cũng được đổi tên thành Trường Công nhân kỹ thuật xây lắp. Trong giai đoạn 1978-1990 là những năm đất nước ta vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, hơn ba năm sau lại phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới. Rồi thiên tai dồn dập, tình hình chính trị quốc tế và khu vực diễn biến khá phức tạp.Các thế lực thù địch vừa tổ chức phá hoại vừa bao vây cấm vận nước ta. Trong nước nền kinh tế bộc lộ ngày càng rõ những yếu kém trong quản lý kinh tế và xã hội.Nạn lạm phát,suy thoái ngày càng trầm trọng,tiền lương thực tế giảm sút,công nhân thiếu việc làm, hàng hoá khan hiếm,đời sống người lao động nhất là đội ngũ CNVC vô cùng khó khăn.Tiêu cực phát triển ngày càng dữ dội...

                Trước tình hình trên, Đại hội lần thứ VI đã họp và đề ra chủ trương đổi mới toàn diện.Tạo bước ngoạt lịch sử nhằm đưa Đất nước nhanh chóng thoát khỏi tình trạng suy thoái.

                Theo đó do hàng chục năm sống và làm việc theo cơ chế bao cấp và tem phiếu. Nhà trường cũng như hàng ngàn nhà máy,xí nghiệp cả nước chưa kịp thích ứng đã phải co cụm lại hoặc giải thể.Người lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, phải về hưu,mất sức...Chịu chung bối cảnh, trong giai đoạn này học sinh nhà trường đào tạo ra không mấy nơi tiếp nhận.Qui mô hạ xuống rất thấp.Có năm chỉ tuyển được trên dưới 100 học sinh). Đời sống CNVC nhà trường cũng gặp vô vàn khó khăn thiếu thốn.

                Đứng trước thực trạng khó khăn trên, đại hội lần thứ IV, lần thứ V đã họp(Tại các kỳ đại hội này ông Đỗ Xuân Thướng được bầu làm bí thư Đảng uỷ,ông Nguyễn Trọng Thuận phó bí thư Đảng uỷ, hiệu trưởng nhà trường).Đại hội đã tập trung kiểm điểm,đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội các kỳ và tién hành nghiên cứu,quán triệt sâu sắc Nghị quyết đại hội Ban CHTW Đảng khoá VI về tiến trình đổi mới Đất nước. Tổ chức thực hiện Nghị quyết 3 cuả Bộ Chính trị, Nghị quyết 217 của Hội dồng Bộ trưởng về quyền tự chủ sản xuất kinh doanh để áp dụng sao cho có hiệu quả trong hoàn cảnh nhà trường.

                Chủ trương đổi mới của Đảng những ngày đầu khởi xướng(Tuy có những khó khăn do nền kinh tế nước nhà lệ thuộc quá sâu vào cơ chế quan liêu,bao cấp) như một cơn lốc mạnh làm thay đổi toàn bộ cục diện Đất nước.Những tập thể,cá nhân thiếu bản lĩnh, sống trông chờ quá nhiều vào Nhà nước nay mất di chỗ dựa không chịu đựng nổi buộc phải giải thể. Nhưng cũng lại là làn gió trong lành nhanh chóng làm thay đổi không khí vốn dĩ đang nóng bỏng,ngột ngạt của cơ chế "xin,cho".Nhiều đơn vị bung ra làm ăn phát đạt.

                Trường ta hồi ấy đứng đầu là ông Nguyễn Trọng Thuận,người luôn bình tĩnh "đứng mũi chịu sào" cùng đảng bộ lãnh đạo nhà trường vượt qua biết bao phong ba bão táp.Đạt được những kỳ tích tạo nền tảng vững chắc cho suốt cả quá trình phấn đấu đi lên của nhà trường trong những năm sau này.

                Thành tích nổi bật của nhà trường từ năm 1978 đến 1990 là:

                -100% CBCNVC,kể cả số lao động dôi dư không ai phải nghỉ việc.

                -Xoá bỏ từng bước,sau đó là hoàn toàn bao cấp chuyển sang hạch toán kinh doanh.

                -Duy trì tốt nhịp độ đào tạo.

                -Từ phong trào sáng kiến tiết kiệm, nhà trường đã tự trang tự chế dồ dùng dạy học và xây dựng thêm được trên 10 phòng học lý thuyết,phòng học chuyên môn đáp ứng kịp thời cho nhu cầu các ban nghề vừa mới được thành lập. 

                -Thông qua các hoạt động tham gia làm than xuất khẩu,khai thác than lộ vỉa...nhà trường có thêm trên 200.000 $.Nhận thầu xây dựng các công trình mỗi năm doanh thu từ 500.000 đồng đến 4-5 triệu đồng(Giá trị tiền những năm 1980-1990) và một phần viện trợ thiết bị của khối UNIXEP trang bị khá tươm tất về đồ dùng dạy học, máy móc cho xưởng trường, mua sắm thêm một số ôtô phục vụ vận tải hàng hoá, đồ dùng dạy học...Một phần tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất.Một phần bổ sung thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho CNVC,giáo viên,học sinh... yên tâm,phấn khởi xây dựng phát triển nhà trường.

                Khó khăn là thế, trong giai đoạn này nhà trường vẫn kịp thời bổ sung cho ngành than và khu vực trên 1.000 thợ cơ khí, cơ giới,vận tải ,trong đó có 165 thanh niên các vùng mới giải phóng Quảng Nam-Đà nẵng về học sau đó về làm nòng cốt cho việc phụ hồi mỏ than Nông sơn.

                Các hoạt động thi đua,văn hoá văn nghệ,TDTT nhà trường liên tục phát triển.CNVC được được đi tham quan học hỏi trong và ngoài nước.Nhà trường liên tục đạt danh hiệu Trường tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh. Được UBND tỉnh Quảng Ninh thưởng cờ thi đua khá nhất các năm 1989,1990.Năm 1989 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba.Ông Nguyễn Trọng Thuận được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

                -Ngày 1-1-1990 nhà trường đổi tên mới là Trường CNKT cơ giới và xây dựng.Trực thuộc Công ty than Uông bí.

                Từ năm 1991 đến năm 2000.Nhà trường đã có những thuận lợi hơn về nhiều mặt. Công tác đào tạo giáo dục phát triển không ngừng,ngoài hệ A,còn đào tạo thêm hệ B ở các huyện,thị xã,thành phố trong tỉnh.Qui mô,chất lượng đào tạo,uy tín,vị thế nhà trường không ngừng được nâng lên.

                Nhà trường đã được Nhà nước tặng thưởng Cờ thưởng Luân lưu của Thủ tướng Chính phủ,Huân chương Lao động hạng hai(1993),Huân chương lao động hạng nhất 1996, liên tục được UBND tỉnh Quảng Ninh thưởng cờ dẫn đầu khối trường dạy nghề và cờ thi đua của các đoàn thể quần chúng trong hệ thống chính trị nhà trường.

                Từ ngày 27-5-1996 Trường CNKT cơ giới và xây dựng trở thành đơn vị thành viên của Tổng Cty than Việt Nam.Ngày 22-7-1997 đổi tên trường thành trường Đào tạo nghề cơ giới và xây dựng cho đến ngày 20-3-1999 trường về thuộc Bộ Công nghiệp.

 

               Trong giai đoạn này về tổ chức bộ máy nhà trường đã có rất nhiều thay đổi cho phù hợp qui mô và xu thế.Bộ phận đào tạo hệ B trở thành Trung tâm đào tạo hệ mở rộng.Trung tâm KCS chuyển về Công ty Đo lường giám định chất lượng TVN.             Khi chuyển về Bộ Công nghiệp,theo qui định không được phép sản xuất kinh doanh.Nên trên 200 lao động dôi dư không có việc làm.Buộc phải thanh lý lao động hợp đồng và cho một số viên chức lớn tuổi không có việc về nghỉ chế độ,kinh phí nhà nước cấp đã bị giảm dần.Năm 1998 chỉ còn 25%.Khó khăn lại chất chồng.Thêm vào đó là nội tình nhà trường xẩy ra mất đoàn kết do một số người tư tưởng cơ hội lôi kéo bè phái,đơn từ, kiện tụng kéo dài gần hai năm làm tổn hại uy tín, vị thế nhà trường,giảm lòng tin và mất đoàn kết nội bộ.Rất may trước tình hình này Đảng bộ nhà trường cùng các lãnh đạo cấp trên đã có giải pháp phù hợp kịp thời thoả đáng,thấu tình đạt lý. Ông Lương Văn Tiến đã được tập thể tín nhiệm và lên giữ chức Hiệu trưởng thay ông Nguyễn Trọng Thuận về hưu từ tháng 11-2000.

                Sau khi hoàn thành chuyển giao thế hệ lãnh đạo.Đại hội Đảng bộ lần thứ X,XI,XII đã đề ra chương trình hành động từ năm 2001 đến 2005, 2005-2010, 2010-2015 và dự báo đến năm 2020.

                Theo đó các mặt hoạt động và công tác tổ chức nhanh chóng được sắp xếp cải tiến,đổi mới theo phương hướng ổn định,hiệu quả.Hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch đào tạo,giáo dục,sản xuất,công tác đều hoàn thành vượt mức.Ngân sách Nhà nước chu cấp trở lại đầy đủ.Chương trình kế hoạch cải tạo nâng cấp nhà trường giai đoạn hai được xúc tiến thực thi.Khối sản xuất,xây dựng có việc làm.Một số hoạt động đào tạo hệ B,bổ túc kèm cặp nâng bậc, liên kết mở lớp đại học tại chức, thi lấy giấy phép lái xe...phát triển mạnh. Nhà trường có thêm nguồn vốn tự bổ sung ngày càng cao.Hàng loạt các khu vực phục vụ đào tạo, giáo dục, đời sống thầy trò được mở mang xây dựng như nhà ký túc xá, nhà ăn,nhà học,xưởng ,bãi thực tập, vườn hoa,cây cảnh,sân vận động, bể bơi, hệ thống nước sạch,đường xá cầu cống được rải bê tông nhựa. Qui mô đào tạo lớn mạnh không ngừng. Thu nhập bình quân tăng từ 10% trở lên.An ninh chính trị,trật tự an toàn xã hội nhà trường được giữ vững.Các đoàn thể trong hệ thống chính trị nhà trường luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.

                Từ đầu tháng 11 năm 2004 Trường ĐT nghề cơ giới và xây dựng đã được Nhà nước nâng cấp thành Trường Trung học công nghiệp và xây dựng.

                Hai năm sau, cũng từ đầu tháng 11 năm 2006 nhà trường được Nhà nước nâng cấp thành trường Cao đẳng công nghiệp và xây dựng có 7 phòng, 7 khoa,4 trung tâm, 1 đội xây dựng sản xuất.

                 Từ đó đến nay nhà trường đã đào tạo và cung cấp cho các ngành kinh tế trong khu vực 24.266 cán bộ kỹ thuật và công nhân.Trong đó hệ đào tạo nghề 23.278 người.Hệ trung cấp chuyên nghiệp 890 người. Hệ cao đẳng 98 người.Ngoài ra nhà trường còn đào tạo lại,bồi dưỡng nâng bậc cho các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh, các tỉnh lân cận 1837 công nhân và liên kết với một số trường đại học trong nước đào tạo kỹ sư,cử nhân các ngành động lực,cơ khí,kế toán,quản trị kinh doanh,tin học... hệ chính qui trên 500 người,hệ không chính qui trên 400 người.Trên 80% học sinh,sinh viên tốt nghiệp ra trường đã được nhận vào làm tại các cơ quan,doanh nghiệp. Hầu hết họ đã phát huy tốt kiến thức thu lượm được sau mấy năm học tập vào thực tế công tác sản xuất. Được các đơn vị sử dụng lao động đánh giá cao về trình độ kỹ thuật và tinh thần trách nhiệm trong công việc được giao.

                Về sản xuất kinh doanh:5 năm qua nhà trường đạt tổng doanh thu trên 140 tỷ đồng.Trong đó doanh thu từ đào tạo và sản xuất 85 tỷ đồng.Từ nguồn thu này đã tạo nguồn kinh phí đáng kể cho việc bổ sung ngân sách xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật,mua sắm trang thiết bị dạy học và tăng thêm thu nhập cho người lao động.(Thu nhập bình quân năm 2004: 1,79 triệu đồng. Năm 2005: 2,24 triệu đồng, năm 2006: 2,60 triệu đồng, năm 2007: 2,78 triệu đồng, năm 2008: 3,38 triệu đồng.

                Từ năm 2004 đến nay nhà trường liên tục là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trong khối trường trung học,cao đẳng,dạy nghề tỉnh Quảng Ninh và Bộ Công thương. Nhà trường đã được Nhà nước phong tặng 2 danh hiệu Nhà giáo ưu tú (Ông Lương Văn Tiến và ông Tô Văn Hưởng), 1 cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, 5 cờ dẫn đầu phong trào thi đua của tỉnh Quảng Ninh và Bộ Công thương (năm 2004,2006,2008). 1 cờ công đoàn vững mạnh xuất sắc của Tổng Liên đoàn lao động Việt nam (2006), 3 cờ công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc của Công đoàn ngành cùng nhiều bằng khen, huy chương, kỷ niệm chương...cho các tập thể cá nhân.

                Nhà trường đã được các cấp công nhận và tặng thưởng 4 giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi, 6 lượt giáo viên giỏi quốc gia, 75 lượt giáo viên giỏi cấp tỉnh, cấp bộ, 9 học sinh,sinh viên giỏi cấp quốc gia,51 học sinh giỏi cấp tỉnh...

                Trong chương trình xây dựng, phát triển từ năm 2010 đến 2015 Trường Cao đẳng công nghiệp và xây dựng Uông bí tiếp tục nâng cao qui mô và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

                Để thực hiện được mục tiêu sống còn này nhà trường đã đang tiếp tục đầu tư chiều sâu. Xây dựng, mở mang thêm trường sở,mua sắm nâng cấp trang thiết bị dạy học theo hướng hiện đại. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý.Đảm bảo đủ về số lượng,hợp lý về cơ cấu và tiêu chuẩn theo qui định.Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học phù hợp yêu cầu,nội dung chương trình mới gắn với việc tăng cường sử dụng công nghệ thông tin.Thực hiện nghiêm túc cuộc vận động"Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục","Nói không với đào tạo không đạt chuẩn,không đáp ứng yêu cầu xã hội",nói không với "Vi phạm đạo đức nhà giáo","Mỗi thày cô giáo là một tấm gương về đạo đức,tự học và sáng tạo".Xây dựng môi trường đào tạo nhà trường thực sự trong sạch,lành mạnh.

                                                                                                                   (BVĐ)


TIN LIÊN QUAN


TIN TỨC - SỰ KIỆN

Xem thêm...

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG

Trụ sở chính: Số 54 - Khu Liên Phương - Phường Yên Tử - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.854497 - Fax:02033.854302

Địa điểm đào tạo số 01: Phường Hà Tu - Tỉnh Quảng Ninh

Địa điểm đào tạo số 02: Nguyễn Văn Trỗi - Phường Quang Hanh - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.862091 - 02033.969661 - Fax:02033.864950

Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn

TAG BÀI VIẾT

BẢN ĐỒ CHỈ DẪN

PAGE FACEBOOK

Xét tuyển trực tuyến Nhập học trực tuyến
Xét tuyển trực tuyến
Nhập học trực tuyến
Tư vấn tuyển sinh 24/7