Đó là chia sẻ của GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Dân trí xoay quanh việc chọn trường cho con nhân "cuộc đua" mua đơn dự tuyển vào lớp 1 Trường Thực Nghiệm, Hà Nội đang nóng lên trong những ngày gần đây.
Thưa GS, ở đây chúng ta tạm thời không bàn đến việc phụ huynh xô đổ cổng trường để mua đơn dự tuyển vào lớp 1 Trường Thực Nghiệm Hà Nội bởi có nhiều nguyên nhân, nhưng suy cho cùng cũng chỉ vì muốn cho con được học trong một môi trường tốt. Có một vấn đề đặt ra, nếu quả đúng như đánh giá của nhiều người là cách dạy của Trường Thực Nghiệm hiệu quả thì theo GS vì sao vẫn chưa được nhân rộng sau hơn 30 năm tồn tại?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Qua ý kiến của nhiều phụ huynh học sinh, có thể thấy những điểm nổi trội của Trường Thực nghiệm mà phụ huynh đánh giá cao là học sinh được học bán trú, không buộc phải học thêm, không phải chịu sức ép học hành nặng nề và được thầy cô tôn trọng. Điều này giải thích vì sao Trường Thực nghiệm cũng dạy theo chương trình của Bộ, chỉ một vài lớp có dạy một số môn theo chương trình thực nghiệm, nhưng sức hấp dẫn lại lớn hơn nhiều trường khác.
GS Nguyễn Minh Thuyết.
|
Nói riêng về chương trình thực nghiệm, tôi có thiện cảm với môn Giáo dục lối sống. Chương trình này không sa vào dạy lý thuyết mà hình thành nếp sống và nhận thức về giá trị sống thông qua tổ chức các hoạt động cho học sinh. Đó là hướng đi đúng.
Đáng tiếc là các môn học khác chưa được như vậy. Thậm chí, có những môn còn quá sa đà vào những kiến thức trừu tượng.
Có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT chưa mạnh dạn cho nhân rộng mô hình thực nghiệm là vì chưa có tổng kết thực sự khoa học?
Chương trình thực nghiệm là đề tài khoa học nên chắc chắn nó đã được đánh giá nhiều lần. Có đánh giá bên trong (tự đánh giá) và đánh giá bên ngoài (đánh giá của các hội đồng chuyên môn do Bộ GD-ĐT hoặc Bộ Khoa học - Công nghệ thành lập). Tôi có được dự khán một đợt đánh giá tổng thể vào cuối năm 1995. Đó là đánh giá của Hội đồng cấp nhà nước (gồm 9 hội đồng chuyên môn) do GS.TS Phạm Tất Dong, lúc đó là Phó trưởng Ban Khoa giáo Trung ương, làm Chủ tịch. Kết quả là Hội đồng không ủng hộ chương trình này. Có thể đó là lý do chương trình chưa được triển khai rộng. Từ sau năm đó, tôi không có điều kiện theo dõi nên không biết còn lần đánh giá, nghiệm thu nào nữa không. Hiện thời, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (KHGDVN) là cơ quan phụ trách Trường Thực nghiệm. Chắc rằng Viện KHGDVN phải có đo nghiệm, đánh giá và lọc lấy những gì khả thủ nhất trong chương trình để áp dụng ra diện rộng. Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực khác, thử nghiệm trong phạm vi hẹp có thể đạt yêu cầu nhưng triển khai rộng khó thành công vì điều kiện thực tế rất khác phòng thí nghiệm.
Nhiều người cho rằng, việc GS Ngô Bảo Châu đạt giải thưởng Field và năm 2010 Giáo sư có về thăm trường đã tạo nên một “hội chứng sốt” Trường Thực nghiệm. Bởi theo Ban giám hiệu Trường Thực nghiệm thì công tác tuyển sinh trước đây không “căng thẳng” như 2 năm trở lại đây. GS nghĩ sao về điều đó?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Có thể có những phụ huynh thích cho con vào học trường này vì đó là trường mà GS Ngô Bảo Châu đã học thời tiểu học. Nhưng ai cũng biết rằng để thành tài được như GS Châu, cần rất nhiều yếu tố, trong đó truyền thống gia đình, nỗ lực của bản thân và môi trường học tập, làm việc những năm đi sâu vào “nghề Toán” của Giáo sư đóng vai trò hết sức quan trọng.
Theo tôi, ở cấp tiểu học, chỉ cần cho con vào những trường bình thường, có thầy cô tận tụy, quan tâm đến học trò và lớp không quá đông học sinh. Và dù con cái học ở trường nào chăng nữa, ở nhà, cha mẹ cũng nên dành thời gian quan tâm rèn luyện nền nếp học hành, vui chơi của con, bởi nền nếp học tập, sinh hoạt và hoạt động tự học của các cháu quyết định rất nhiều đối với sự phát triển năng lực và nhân cách.
Còn về sự “căng thẳng” trong tuyển sinh, ngoài lý do đã nêu, theo tôi, còn một lý do nữa là Trường Thực nghiệm không tuyển sinh theo tuyến như các trường khác mà tuyển trên diện rộng toàn thành phố. Nếu các trường điểm khác cũng tuyển trên diện rộng như vậy, tôi e rằng còn nhiều cánh cổng trường bị đe doạ.
Giáo sư nói rằng ông có thiện cảm với chương trình thực nghiệm môn Giáo dục lối sống nhưng theo quan sát của tôi, dường như Trường Thực nghiệm ít chú trọng rèn chữ cho học sinh. Theo GS thì cho trẻ thoải mái hoạt động mà quên rèn “nét chữ nết người” thì đó có phải quan điểm đúng hay không?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Hiện nay có hai quan điểm: Một là để HS tự do, viết chữ như thế nào cũng được, bởi lớn lên các em dùng máy vi tính là chủ yếu, chứ có mấy khi viết. Hai là “nét chữ là nết người”, cho nên HS phải rèn luyện chữ viết thật tốt, vở phải sạch, chữ phải đẹp.
Tôi theo quan điểm thứ hai, vì quá trình rèn luyện để viết chữ cho đúng mẫu và đẹp cũng là quá trình rèn luyện nề nếp làm việc nghiêm túc, chính xác. Thêm nữa, việc giữ vở sạch chữ đẹp cũng có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cho HS. Nhưng chuyện gì cũng cần có mức độ của nó. Các thầy cô không nên quá nôn nóng, khắt khe trong việc rèn chữ của HS tiểu học.
Cách giáo dục của Trường Thực nghiệm là không có “chê” mà chỉ có “khen”. Tuy nhiên nếu giáo viên khen hoặc cho điểm cao cả trong trường hợp kết quả học tập của HS không tốt có thể dẫn đến hệ lụy về sau. Quan điểm của GS về vấn đề này ra sao?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Đối với HS tiểu học, không nên chê. Chê sẽ làm các em bị ức chế, chê nhiều làm các em mất tự tin, thậm chí ngại đến trường. Trong trường hợp HS làm bài chưa đạt yêu cầu, tốt nhất là giáo viên động viên các em làm thêm một, hai lần nữa và cho điểm tốt khi bài làm lại đạt yêu cầu.
Nhưng nếu chỉ vì muốn tạo động lực cho HS học tập mà lúc nào ta cũng khen thì có hại bởi lúc đó trẻ làm sai mà không biết mình sai. Lúc nào cũng được khen, kể cả khi làm sai thì lớn lên các em sẽ chỉ thích khen thôi. Nếu các em đó mà trở thành lãnh đạo thì… nguy.
Xin cảm ơn GS!
Nguyễn Hùng (thực hiện)