THÔNG TIN LIÊN QUAN
Học khu: chủ trì và chủ chi
Hệ thống giáo dục Mỹ được điều hành và cấp kinh phí bởi chính quyền từ cấp liên bang đến chính quyền địa phương. Hệ thống công lập vận hành theo nguyên tắc phi tập trung, các địa phương được tự chủ về giáo dục.
Ở hai cấp giáo dục phổ thông bắt buộc là tiểu học và trung học, chương trình đào tạo, việc cấp vốn, giảng dạy… thường được uỷ nhiệm cho các Học khu (school district), mà ranh giới thường trùng với các địa giới. Học khu tồn tại độc lập với các cơ cấu hành chính khác tại địa phương, có biên chế và ngân sách riêng, nhờ thu thuế và một số khoản trưng thu khác. Mỗi học khu bao gồm một số trường công thuộc mỗi bậc của hệ phổ thông.
Bộ phận hành chính của Học khu là Ban đặc trách trường học (school boards), gồm các thành viên được lựa chọn qua bầu cử tại địa phương. Ban này ấn định chương trình học, tuyển giáo viên, và định mức kinh phí dành cho từng chương trình học, và bổ nhiệm một quan chức cai quản ngành giáo dục (superintendent) để điều hành các trường trong học khu.
|
Chọn trường như chọn tương lai. Ảnh: David Zalubowski |
Nền giáo dục công của Mỹ vẫn “viêm màng dạ dày” về kinh phí (underfunded), khiến cho uy tín quốc tế của nó không gây lạc quan, chẳng hạn, như đánh giá về các trường ĐH (tư) của Mỹ.
Quản trị giáo dục bằng học khu bị chê là xơ cứng, không nhạy bén với quan tâm của học sinh và phụ huynh, trơ ỳ với cải cách giáo dục, không có động cơ cạnh tranh giữa các trường, dẫn đến các học sinh tậm tịt cả văn (đọc viết) lẫn toán, môi trường sư phạm ô nhiễm. Nhiều trường công kêu ca là bị thiếu quyền tự chủ, bị bó tay bởi chính sách giáo dục “lệ làng”...
Chốn hội chợ phù hoa
Khoảng 85% học sinh Mỹ học tại hệ công lập, không phải trả học phí. Theo số liệu chính thức, khoảng 1/10 trẻ em vào học các trường tư thục.
Hệ tư thục có nhiều trường dòng thuộc các tôn giáo khác nhau, phổ biến hơn là trường Thiên chúa giáo. Học phí trường tư phụ thuộc vào địa thế, phí tổn đào tạo, nguồn tài trợ. Có rất ít trường tư thuộc diện phi lợi nhuận. Nhiều trường tư đòi hỏi phải đóng tiền học cao, nhưng vẫn đảm bào cạnh tranh đủ “khốc liệt” ở đầu vào, thu hút được nhiều học sinh có nguyện vọng thi đỗ vào các trường đại học có tiếng tăm. Thời khoá biểu trường tư thục thường phong phú hơn trường công lập. Ở trường công lập, mỗi lớp có khoảng 20 – 30 em, còn một lớp của trường tư thục thường gồm dưới 20 học sinh.
Khác với hệ công lập, hệ tư thục không có trách nhiệm thu nhận mọi học sinh. Thường tuyến sinh đầu vào rất nghiêm ngặt, trường tư có thể đuổi vĩnh viễn một trò hư, điều mà hệ công lập không dễ gì làm được. Cho dù giáo viên trường tư ở Mỹ thường được trả lương thấp hơn hệ công lập, hệ tư thục vẫn hấp dẫn giáo viên nhờ triển vọng nâng tay nghề sư phạm, và các khoản trả công do tham gia giảng dạy các lớp chuyên, các khoá nâng cao.
Trường tư thường bị kết án làm sâu sắc sự bất công về giáo dục: “con vua lại làm vua”. Nhưng con nhà nghèo, da màu, dân thiểu số khó chọn trường chất lượng cao, do trường tư đòi trả học phí cao, cũng không dễ vào trường công chất lượng cao hơn, thường ở xa các khu “Harlem”.
Công tư hợp doanh
Từ khoảng thập kỷ 80 ở Mỹ đã ra đời loại hình “Trường uỷ nhiệm” (về giáo dục), charter schools, là một bộ phận của hệ công lập, nhưng được phép tự quản về điều hành và về tài chính, tuy phải tuân thủ chế độ giải trình về trách nhiệm trước “chủ quản” về hiệu quả giáo dục, và không được thu phí. Đây là mô hình “nhà nước và nhân dân cùng làm” về giáo dục, cố tránh các khiếm khuyết của cả trường công và trường tư, phải thu dung học sinh mọi hoàn cảnh, kể cả dạng “cá biệt”, không trường nào muốn nhận.
Luật Không để một học sinh nào rớt lại (No Child Left Behind Act, NCLB) ra năm 2002, quy định những trường công nào 5 năm liền không đạt “mức tiến bộ hàng năm” theo chuẩn liên bang (Adequate Yearly Progress) sẽ bị đóng cửa. Các pháp nhân và cả tự nhiên nhân (phụ huynh học sinh, thậm chí bất cứ ai) có thể tiếp thu để mở trường uỷ nhiệm trên nền một trường công quá yếu kém.
Cũng có trường uỷ nhiệm được cấp vốn bởi nhà từ thiện, các trường viện đại học, hoặc các pháp nhân tìm kiếm lợi nhuận. Có trường tư thục phá sản cũng nhập vào đội ngũ trường uỷ nhiệm. Còn có trường uỷ nhiệm gần về ý đồ với trường thực nghiệm ở Việt Nam.
Ngoài Mỹ, mô hình trường uỷ nhiệm này còn có ở Anh, Canada, Chile, New Zealand, Thụy Điển…
Mô hình trường uỷ nhiệm tới nay vẫn thuộc dạng “thực nghiệm”, vì còn không ít bang còn chưa chấp nhận “bán cái” (cấp giấy phép) cho nó. Nhưng mô hình này nhận được sự ủng hộ suốt mấy đời tổng thống Clinton, Bush (con), và Obama. Hiện Bộ giáo dục Mỹ và Hiệp hội giáo dục toàn quốc (NEA) vẫn khăng khăng rằng giữa trường công và trường ủy nhiệm, cũng chưa rõ "mèo nào cắn mỉu nào". Mô hình trường uỷ nhiệm hiện phổ biến ở thành thị hơn ở nông thôn.
Giấy uỷ nhiệm (giấy phép cho lập trường uỷ nhiệm) thường có thời hạn khoảng 3 – 5 năm. Theo số liệu năm 2009, trong khoảng 5000 trường uỷ nhiệm được lập ra ở Mỹ (trên tổng số khoảng 99 ngàn trường công trong 50 bang), trong số đó có 12,5% bị đóng cửa, do chất lượng đài tạo kém, do kinh phí, do quản trị kém, hoặc do bị chính quyền “nhiễu nhương”, hoặc “phân biệt đối xử” (về cấp kinh phí/ đầu học sinh) , so với các trường công “chính ngạch”.
Tới tháng 11/2011, số lượng trường uỷ nhiệm ở Mỹ đạt khoảng 5600. Năm 2012 chứng kiến sự vọt lên số học sinh tựu trường uỷ nhiệm, dù có thể chỉ là dấu hiệu, chẳng hạn của xu thế “trượt dốc” ở trường công truyền thống.
Trường uỷ nhiệm bị phê phán thường trú đóng ở khu vực da màu; trao quá nhiều quyền cho phụ huynh và thày cô; đòi hỏi quá cao ở giáo viên, làm họ dễ mất việc hơn so với trường công; là khó thực hiện hết trách nhiệm giải trình, thậm chí là “kinh doanh giáo dục” trá hình… Năm 2004, Học viện uỷ nhiệm California (California Chapter Academy). một chuỗi được cấp kinh phí ngân sách tới 100 triệu USD, nhưng do tư nhân điều khiển, đã vỡ nợ, làm cho hàng ngàn trẻ em không có trường tới học.
‘Giấy uỷ nhiệm’ đi tìm ngôi Trường mới
Các nhà giáo dục học Mỹ nghĩ rằng các tìm tòi trên mô hình trường uỷ nhiệm, như một thứ phòng thí nghiệm, sẽ giúp tìm một khuôn mẫu tiến hoá từ trường uỷ nhiệm, thay thế được hình thái trường học Mỹ truyền thống, đang không đáp ứng được đòi hỏi thời cuộc mới.
Trên nền cạnh tranh hơn về giáo dục nhờ có hình thái trường ủy nhiệm, theo một phúc trình năm 2008, tới gần ¾ nhà giáo Mỹ cho rằng trường sở sẽ thân thiện hơn với học trò, nếu có được nhiều hơn, cả về quyền hạn lẫn độ linh hoạt, trong quản lý và về chức trách của giám hiệu, và thầy cô.
Mỹ vẫn cố “lấy ngắn nuôi dài”, vật lộn tìm hướng đi mới, nhờ cách tiếp cận hệ thống. Cải cách giáo dục theo hướng “thị trường hoá’, được hiểu là tăng tính cạnh tranh về giáo dục phổ thông, tạo ra nhiều lựa chọn hơn về trường sở, nhờ đó cải thiện chất lượng và công bằng về giáo dục. Nôm na, làm sáo để không em bé nào bị buộc phải đến ngôi trường nó không muốn, phụ huynh không phải xô… cổng (trường) xông vào, liều mình củng cố đời con.
Việt Nam vẫn rầm rĩ dạy và học theo kiểu “bóc ngắn cắn dài” trên thế “độc canh” (chuyên quyền, độc đoán, lạm thu ngoài sổ sách nhờ độc quyền). Còn xã hội hoá giáo dục (kinh doanh trường tư) thì làm kiểu “ăn đong”, “lấy mỡ nó rán nó”…