Đó là một trong những nội dung công văn chỉ đạo kì thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Trong những năm vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ban, ngành đoàn thể liên quan tổ chức kỳ thi tốt nghiệpTHPT và các kỳ thi tuyển sin ĐH, CĐ hệ chính quy đảm bảo yêu cầu an toàn, nghiêm túc, khách quan và thuận lợi cho người dự thi”.
Công văn nêu rõ, để thực hiện tốt chủ trương này, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong các kỳ thi, tiếp tục nâng cao chất lượng của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Bộ GDĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, Sở GDĐT, các ban, ngành đoàn thể có liên quan, UBND các cấp phối hợp với ngành GDĐT thực hiện tốt các công việc. Cụ thể, tiếp tục phát huy kết quả đạt được từ việc thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, đảm bảo tổ chức các kỳ thi an toàn, khách quan, công bằng và chính xác, đánh giá sát chất lượng dạy học.
Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức thi, đề ra các giải pháp thực tế và khả thi, đảm bảo tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, tích cực chuẩn bị phương án dự phòng, kịp thời ứng phó với các hiện tượng bất thường do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, cháy nổ, mất điện...; tăng cường kiểm tra tất cả các khâu tổ chức thi và thường xuyên chỉ đạo thực hiện các yêu cầu theo Quy chế thi. Trong đó lưu ý, thực hiện đúng Quy chế thi tốt nghiệp THPT và các công văn chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ trong tất cả các khâu của kỳ thi; đảm bảo kỷ cương, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực trong thi cử; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy chế thi của các tổ chức, cá nhân tham gia kỳ thi.
Xây dựng kế hoạch tổng thể bố trí các Hội đồng in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo; xây dựng phương án thực hiện việc coi thi, chấm thi, thực hiện báo cáo tiến độ và kết quả chấm thi theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT; phương án xử lý kết quả thi đảm bảo đúng quy chế và tuyệt đối an toàn, không để xảy ra sai sót; xây dựng phương án dự phòng để kịp thời ứng phó với các tình huống đột xuất có thể xảy ra và phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, bảo mật cho toàn bộ quy trình thực hiện các khâu của kỳ thi; chuẩn bị đầy đủ, kịp thời các điều kiện về tài chính cho kỳ thi.
Bố trí cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn tham gia công tác thi; có biện pháp tuyên truyền, tập huấn để bảo đảm cán bộ quản lý, giáo viên tham gia công tác thi và thí sinh nắm vững quy chế thi và các văn bản hướng dẫn; tổ chức tập huấn nghiệp vụ thi cho cán bộ quản lý, giáo viên tham gia công tác thi; phổ biến rộng rãi, công khai các quy định về thi cử trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để tất cả học sinh lớp cuối cấp đủ tiêu chuẩn đều tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đối với kì thi ĐH, CĐ thì cần phối hợp chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH trên địa bàn tổ chức kỳ đúng quy chế.
Để đảm bảo cho cả hai kì thi Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các đơn vị cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc tổ chức thi, chấm thi và công bố kết quả các kỳ thi… Tăng cường các phương tiện giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của thí sinh, có phương án giải tỏa ùn tắc giao thông, không để thí sinh đến thi muộn do ách tắc giao thông. Xây dựng và thực hiện kế hoạch huy động các nhà trường phối hợp với các lực lượng xã hội và Ban đại diện cha mẹ học sinh đảm bảo an toàn về đi lại, đề phòng tai nạn giao thông ở các địa bàn phức tạp như vùng lũ, vùng sông nước, đồi núi hiểm trở.
Đảm bảo cung cấp điện nước ổn định, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và các điều kiện khác cho các kỳ thi. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các cơ sở kinh doanh, dịch vụ và các cơ sở cho thuê phòng nghỉ trọ trên địa bàn, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo thuận lợi cho thí sinh lưu trú, ngăn ngừa và xử lý kịp thời các tệ nạn xã hội nhằm đáp ứng việc ăn, nghỉ đối với thí sinh ở xa và có nhu cầu, không để xảy ra tình trạng bỏ thi vì thiếu điều kiện ăn ở, sinh hoạt...
Để tránh những thông tin đồn thất thiệt làm ảnh hưởng đến tâm lý thí sin dự thi Bộ GD-ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan truyền thông cần trao đổi kỹ với các cơ quan có trách nhiệm trước khi cho đăng tải các thông tin liên quan đến đề thi như: lộ đề, đề có sai sót… (nếu có).
Nguyễn Hùng