Theo kế hoạch, các trường mầm non tại TPHCM sẽ kết thúc năm học từ ngày 31/5, các trường tổ chức dạy hè sẽ được nghỉ 15 ngày trước khi mở lớp. Hầu hết, các trường sẽ dựa trên số học sinh (HS) đăng ký học hè để cân nhắc số lượng giáo viên (GV) tham gia giảng dạy sao cho phù hợp.
Nhiều trường học tại TPHCM lên kế hoạch mở lớp ngày hè đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.
Nhưng không ít trường rơi vào cảnh thiếu nhân sự vì GV không muốn tham gia dạy hè, trong khi lượng HS đăng ký học hè có thể cao nên áp lực lớp quá tải là điều khó tránh.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.2, trong năm học, các lớp mầm non còn quá tải nên việc quá tải trong dịp hè là điều không thể tránh khi mà nhiều GV không có nhu cầu dạy thêm. Nhiều trường phải vận động, động viên các cô thu xếp đến lớp để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của PH.
“Chúng tôi cũng nhắc nhở các trường động viên sao cho GV thấy thoải mái khi nhận lời hoặc từ chối, chứ động viên quá lại thành bắt ép thì không hay. Thiếu người các trường có thể làm hợp đồng với GV bên ngoài, sinh viên mới ra trường”, bà Hằng nói.
Về học phí, bà Hằng cho biết chắc chắn là sẽ cao hơn trong năm học vì dạy hè là người lao động đang làm việc vào ngày nghỉ. Mức thu sẽ do thỏa thuận giữa gia đình và nhà trường để đảm bảo quyền lợi cho GV cũng như các hoạt động về y tế, dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh… phải đảm bảo an toàn cho trẻ nhưng phải nằm trong mức thu chi quận cho phép.
Bà Nguyễn Mai Hương, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.5 cho hay, do có kinh nghiệm từ các năm trước nên các trường trên địa bàn không bị áp lực về việc dạy hè. Việc tổ chức dạy học hè dựa trên nhu cầu giữa nhà trường và PH nhưng các trường trong quận sẽ hỗ trợ nhau. Với những trường quá đông trẻ hoặc không đủ nhân sự, nhà trường sẽ tư vấn cho PH chuyển trẻ qua những trường khác gần khu vực để tránh tình trạng nơi quá tải, nơi thiếu HS.
Không để thiếu GV
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) nhấn mạnh, sau khi kết thúc năm học, GV mầm non trên địa bàn sẽ nghỉ nửa tháng trước khi các trường mở lớp học hè. Nếu GV tham gia dạy hè, hiệu trưởng phải sắp xếp sao cho GV được nghỉ luân phiên để đạt tổng thời gian nghỉ tối thiểu là 1 tháng và đi dạy 1 tháng vì tiêu chuẩn nghỉ hè của GV là 2 tháng.
Đặc biệt, không để GV phải dạy hết thời gian hè vì như thế các cô sẽ không có thời gian nghỉ để tái tạo sức lao động. Với những GV không đăng ký làm hè cũng không được áp đặt các cô. Tuy nhiên, các trường vẫn phải đảm bảo trong hè mọi sinh hoạt từ dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc trẻ và khâu quản lý của ban giám hiệu… đều hoạt động như trong năm.
Các trường có thể hợp đồng với GV bên ngoài để đảm bảo nhân sự cho hoạt động dạy hè.
Theo bà Dung, trong hè thường diễn ra tình trạng, vì tiết kiệm GV để các cô tăng thêm thu nhập nên nhiều trường dồn rất đông trẻ vào một lớp mà chỉ có 1 - 2 GV chăm sóc, gây quá tải cho cả thầy lẫn trò.
“Điều này sẽ làm GV rất mệt và khó đảm bảo được an toàn cho trẻ, nhất là khi một cô đột xuất ốm đau thì khó xoay xở được GV dự phòng. Các trường lưu ý không để thiếu nhân sự, nếu GV trong trường không làm thêm có thể hợp đồng với GV ngoài hoặc sinh viên mới ra trường để đảm bảo an toàn cho trẻ”, bà Dung gợi ý.
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng công HS - SV (Sở GD-ĐT TPHCM) lưu ý, việc mở lớp học hè ở trường mầm non xuất phát từ nhu cầu của PH nhưng các trường phải đảm bảo an toàn tuyệt đối các mặt về phòng chống dịch bệnh, ăn uống… cho trẻ. Trong thời gian này, các trường chỉ có nhiệm vụ trông trẻ an toàn chứ không phải thực hiện các công tác dạy học chuyên môn.