Tin tức thời sự : Thế và lực

Thế và lực

Cuộc tranh luận về cấu trúc an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương trở nên tâm điểm trước những sự kiện diễn ra gần đây.

Đầu tiên là công bố mới nhất về ngân sách quốc phòng từ Bắc Kinh mà theo Chủ tịch Đại hội nhân dân toàn quốc Lý Triệu Tinh là hơn 670 tỉ Nhân dân tệ (106,4 tỉ USD), tăng 11,2 % so với năm ngoái.

Loạt ảnh về tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc năm ngoái mang tên Thi Lang được công bố rộng rãi trên internet tiếp tục theo đó như một mắt xích dấy lên các tiếng nói lo ngại từ Đài Bắc đến Seoul về cán cân quyền lực đang thay đổi ảnh hưởng đến tình hình an ninh mỗi nước.

Song hành với đó là bức tranh động về năng lực quốc phòng cùa Quân đội giải phóng nhân dân PLA, mà theo các chuyên gia, tập trung vào hai lĩnh vực chính: phát triển kho vũ khí hạt nhân và hải quân.

Kế hoạch hiện đại hóa hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc đạt bước tiến tương đối trong vòng 7 năm trở lại đây: Trong năm 2002, chỉ có 7 trong 69 chiếc tàu ngầm đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại, năm 2009 tỷ lệ này tăng lên 31 trên 65 chiếc, trong đó bao gồm mười hai tàu ngầm hạng Kilo.


Xu hướng tăng cường quân sự của Trung Quốc dấy 
lên mối lo ngại trong khu vực. Ảnh minh họa.

Một xu hướng tương tự như thế cũng có thể quan sát từ kế hoạch phát triển kho vụ khí hạt nhân với việc thiết lập các loại tên lửa xuyên lục địa họ Đông Phong (Đông Phong-31 và Đông Phong-31A) với phạm vi tấn công khoảng từ 7.200 đến 11.200 km. Đáng kể nữa là mười hai tên lửa Ngưu Lang 2 (Julang 2) với một phạm vi tấn công ít nhất 7.200 km được trang bị trên các tàu ngầm lớp Tấn (Jin-Class).

Theo nhiều nguồn tin, dường như Trung Quốc cũng đang thử nghiệm (hay xây dựng thành công ??) một tên lửa đạn đạo với đầu đạn cơ động, có thể tấn công trực tiếp từ bờ biển đến một tàu sân bay trong một khỏang cách hơn 1.500 km. Sỡ hữu một loại vũ khí như vậy, rõ ràng rằng sẽ thay đổi đáng kể các toan tính quân sự và chiến lược trong vùng.

Trong bức tranh chuyển động rất nhanh về cán cân quyền lực thiên về Trung Quốc, một luồng ý kiến đi nguợc khẳng định lại vị trí "cấu trúc" của các nước trong trật tự vùng. Trường phái này lập luận, sức mạnh cứng thông qua lượng, hay qua sự gia tăng quân sự quốc vòng vừa là yếu tố quan trọng để phân định sự hình thành trật tự mới, nhưng cũng vừa bị những yếu tố cấu trúc của trật tự cũ kìm hãm và giới hạn. Thí dụ rõ nhất là vai trò nước Mỹ trong trật tự châu Á Thái Bình Dương kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Qua những thăng trầm thời gian, đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, trật tự quyền lực của chú Sam trong khu vực này đã định hình rõ nét với hai cột trụ. Thứ nhất là ô dù quân sự của cả vùng với vai trò sê-ríp của hạm đội 7, và các cơ sở hạ tầng quân sự (lẫn mang tính hổ trợ quân sự) mà Mỹ thiết lập được.

Nhận định chung của các chuyên gia là bên cạnh tốc độ tăng trưởng ấn tượng về lượng, chiến lược hải quân biển xanh của Bắc Kinh vẫn còn nhiều giới hạn và trong nhiều trường hợp đang bị thổi phòng quá mức.

Một tác giả của viện nghiên cứu hải quân Hoa Kỳ nhận định rằng hơn 60 tàu ngầm cuả PLA sở hữu đều có nguồn gốc vũ khí từ Nga và trong thời điểm này tụt hậu nhiều phía sau tiêu chuẩn Phương Tây. Các thí dụ gần đây nhất cho thấy Bắc Kinh trong nhiều trường hợp vẫn còn phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng không gian của quân đội Hoa Kỳ. Mục tiêu "hiện thực" nhất của PLA trong những năm tới, theo các nhà quan sát, có thể chỉ giới hạn vào việc cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc này.

Một nghiên cứu khác -dựa trên các tiêu chí phân tích cấu trúc hệ thống hải quân thế giới nhận định vị trí của hải quân Trung Quốc-, vừa công bố trong thời gian gần đây. Tác giả Kirchberger của đại học Hamburg cũng chỉ ra là lực lượng hải quân PLA còn hạn chế trong nhóm cuối cùng cường quốc biển được định nghĩa như sức mạnh có giới hạn khu vực cùng với các nước như Nhật Bản hay Nam Hàn (so với nhóm thứ nhất là các nước sức mạnh hải quân toàn cầu với trường hợp duy nhất là Hoa Kỳ, nhóm thứ hai các nước sức mạnh toàn cầu nhưng có giới hạn trong một số mục tiêu như Anh và Pháp, và nhóm thứ ba các quốc gia có khả năng hải quân liên khu vực như Ấn Độ, Nga,..).

Ấy là chưa kể khả năng tiếp cận kỹ thuật quân sự của Trung Quốc vẫn bị các cường quốc phương tây kiềm hãm -do những lý do chiến lược- so với các quốc gia đang ở trình độ phát triển hai quân tương tự như Ấn Độ hay Nhật Bản.

Thứ hai, khác với cơ chế quân sự đa phương ở khu vực Bắc Đại Tây Dương thông qua NATO, cơ chế an ninh châu Á Thái Bình Dương chủ yếu dựa trên hệ thống đồng minh song phương giữa Mỹ và các đồng minh chiến lược hay "bán" chiến lược được phân định từ cao đến thấp. Để đảm bảo ảnh hưởng của mình tại khu vực, Mỹ xây dựng một hàng rào chiến lược bao gồm năm đồng minh (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Philippines, Thái Lan) dưới hỗ trợ một đối tác an ninh quan trọng (Singapore) và tiếp xúc với nhiều quốc gia khác trong chức năng đơn vị hậu cần (bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia).

Ngoài ra còn có sự hiện diện linh hoạt trên mặt đất và các đơn vị tuần tra hàng hải đảo Guam. Những chuyển biến gần đây bảo vệ lập luận vị trí cấu trúc của Mỹ trong trật tự vùng thông qua tranh chấp ở biển Đông. Thái độ lúc mềm mỏng, lúc cứng rắn với từng quốc gia, diễn ra trong từng diễn đàn, từng tình huống dẫn từ Bắc Kinh đến cảm giác sự không minh bạch về chính sách, và tạo nên những tiên đoán khác nhau từ các nước liên quan. Một quy tắc ứng xử "Biển Đông" mới bao gồm a) tất cả các bên tham gia theo phương thức đa phương, b) quy định về quy tắc tranh chấp lãnh thổ, lẫn quyền lưu thông trên biển, c) giải quyết xung đột trên phương thức hòa bình và d) mang tính pháp lý ràng buộc, đang là một giải pháp tiệm cận gần nhất với lợi ích của từng nước.

Trong trường hợp ngược lại, nếu Trung Quốc tiếp tục giữ cách thức giải quyết theo cách song phương, hay sử dụng ưu thế chèn ép nước lớn, việc các nước đi gần hơn với các cường quốc bên ngoài đề đảm bảo lợi ích là không thể tránh khỏi.

Xét cho cùng, "thế" và "lực" vừa cần bổ sung cho nhau, vừa cần có sự dung hòa. Ấy vậy mà người ta nói lực tạo thế, và từ thế có thể tích lũy thêm cho lực ngày càng mạnh. Trong khung cảnh an ninh khu vực Thái Bình Dương, hai nhận định trên, dù ám chỉ siêu cường Hoa Kỳ, hay cường quốc đang lên Trung Quốc, đều phần nào mang tính lý lẽ của nó.

Nguyễn Chính Tâm


TIN LIÊN QUAN


TIN TỨC - SỰ KIỆN

Xem thêm...

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG

Trụ sở chính: Số 54 - Khu Liên Phương - P. Phương Đông - TP Uông Bí - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.854497 - Fax:02033.854302

Địa điểm đào tạo số 01: Phường Hà Phong - TP Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh

Địa điểm đào tạo số 02: Nguyễn Văn Trỗi - P. Cẩm Thủy - TP Cẩm Phả - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.862091 - 02033.969661 - Fax:02033.864950

Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn

TAG BÀI VIẾT

BẢN ĐỒ CHỈ DẪN

PAGE FACEBOOK

Xét tuyển trực tuyến Nhập học trực tuyến
Xét tuyển trực tuyến
Nhập học trực tuyến