Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh vừa thay mặt Chính phủ ký báo cáo sơ kết 5 năm triển khai luật Phòng, chống tham nhũng để trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Xử lý 678 lãnh đạo đơn vị có tham nhũng
Báo cáo khẳng định, việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan công quyền đã có chuyển biến mạnh mẽ. Dù vậy, việc công khai, dân chủ trên một số mặt còn nhiều hạn chế, vẫn còn tình trạng lạm dụng các quy định về bí mật nhà nước để không thực hiện việc công khai, minh bạch. Qua kiểm tra đã phát hiện, xử lý 1.704/23.522 cơ quan, đơn vị có vi phạm quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động.
Về vấn đề kê khai tài sản, dù còn nhiều hạn chế, hiệu quả thấp (việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai còn ít, kết quả kê khai chưa được công khai, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập, tiêu dùng của người có chức vụ, quyền hạn…) nhưng việc này đã có tác động tích cực đến nhận thức và hành động của cán bộ, công chức về trách nhiệm minh bạch tài sản, thu nhập và có tác dụng phòng ngừa tham nhũng nhất định, giúp công tác quản lý cán bộ, đảng viên được chặt chẽ hơn.
Trả lương, chi tiêu qua tài khoản thay vì dùng tiền mặt là giải pháp hữu hiệu chống tiền "bẩn".
Về việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong 5 năm, cả nước có 678 trường hợp, trong đó xử lý hình sự 101 trường hợp, xử lý kỷ luật 577 trường hợp. Một số tỉnh, thành phố xử lý nhiều người đứng đầu là: Quảng Nam (77 người), Bình Thuận (46 người), Bắc Giang (41 người), Đăk Lăk (38 người), Cao Bằng (31 người)…
Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng được Tổng thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, đã có tác dụng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đồng thời có tác dụng răn đe nhất định.
Nhưng ông Tranh cũng xác nhận, thực tế số người đứng đầu bị xử lý còn ít so với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý; còn có sự nhầm lẫn giữa xử lý người đứng đầu khi có sai phạm và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Nguyên nhân là do còn có sự nể nang, né tránh trong xử lý, cùng với những quy định về phân cấp và quản lý cán bộ hiện nay chưa rõ ràng và thiếu hướng dẫn cụ thể.
Đánh giá chung việc phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn cho rằng vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chưa cao. Các vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý chủ yếu ở cấp cơ sở và chủ yếu là đối tượng trực tiếp thực hiện; số vụ việc, vụ án có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường bị kéo dài, tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo còn chiếm tỷ lệ cao, tài sản bị tham nhũng, gây thiệt hại do tham nhũng được thu hồi và bồi thường còn rất hạn chế v.v…
Mọi cán bộ có chức vụ phải kê khai tài sản
Bản báo cáo gây chú ý nhiều hơn ở nội dung phương hướng, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng thời gian tới. Một trong những nội dung quan trọng được lưu ý là hoàn thiện chính sách pháp luật, nội luật hóa những quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, khắc phục những “lỗ hổng” của quy định hiện hành.
Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu chú trọng cải cách thực chất chế độ tiền lương, bảo đảm để người có chức vụ, quyền hạn có mức thu nhập khá trong xã hội; thực hiện chính sách tiền lương, đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức và trong một số lĩnh vực đặc thù, nhất là lĩnh vực phòng chống tham nhũng.
Quy định trách nhiệm giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai tài sản so với những lần kê khai trước và nguyên tắc xử lý đối với trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý. Mở rộng diện đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập bao gồm tất cả người có chức vụ, quyền hạn. Bổ sung quy định về việc công khai tại nơi cư trú đối với bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai cũng như quy định để cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ chủ động xác minh bản kê khai tài sản đối với một số đối tượng nhất định.
Một giải pháp mạnh được dự kiến là quy định việc cán bộ, công chức phải thanh toán qua tài khoản khi mua sắm những tài sản có giá trị lớn.
Ngoài ra, luật Phòng chống tham nhũng sẽ ổ sung quy định về việc trong một số trường hợp cụ thể sẽ xem xét giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý đối với người đã đưa hối lộ do bị ép buộc nhưng chủ động khai báo khi chưa bị phát hiện và trong một thời hạn nhất định kể từ khi đưa hối lộ.
Quy định việc điều động khỏi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn để xem xét giải quyết tố cáo hoặc khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra, điều tra.
Chính sách mới cũng sẽ tăng cường trách nhiệm giải trình của người có chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội; hoàn thiện chính sách hình sự đối với tội phạm tham nhũng.
Trong 5 năm, thanh tra đã triển khai 62.994 cuộc, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.619 tập thể, 11.973 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 464 vụ việc; phát hiện nhiều thiếu sót, sai phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước 20.743,8 tỷ đồng, 3.793.978 USD; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 23.770,2 tỷ đồng.
Qua giải quyết 4.572 vụ tố cáo về tham nhũng đã phát hiện 466 vụ việc với 727 người có hành vi tham nhũng. Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn (đã khởi tố 1.458 vụ án tham nhũng với 3.151 bị can; truy tố 1.603 vụ, 3.889 bị can; xét xử 1.455 vụ, 3.387 bị cáo). Qua điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng đã thu hồi về ngân sách nhà nước 1.061,6 tỷ đồng, 218,8 ha đất.
|
P.Thảo