Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (27/5), trao đổi với Dân trí về vấn đề sai phạm của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) giai đoạn 2007-2010, Bộ trưởng, Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ sẽ xử lý nghiêm vụ việc này theo đúng những quy định của pháp luật.
Ông Dương Chí Dũng (ảnh nhỏ) hiện được tin là đã bỏ trốn không rõ tung tích
Theo đó, đối với một quốc gia biển như Việt Nam, việc phát triển ngành công nghiệp vận tải biển là rất quan trọng. Việc cố ý lạm trái, gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ mua ụ nổi No83M của Vinalines là trái với chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đầu tư.
Vụ việc này đã được các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố vụ án, bị can và đã thi hành biện pháp ngăn chặn đặc biệt.
Bộ trưởng Đam nói thêm, khi được cơ quan công an báo cáo có dấu hiệu vi phạm, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời với cương vị trưởng ban Chỉ đạo chống tham nhũng trung ương đã có văn bản chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công an và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (cũng là các thành viên trong Ban chỉ đạo) tiến hành những biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.
Kế luận của Thanh tra Chính phủ thấy, trong vụ việc này, Vinalines đã bỏ ra tới 26,3 triệu USD (gấp đôi dự toán ban đầu) bằng nguồn vốn vay và vốn tự có của Vinalines để mua về ụ nổi “già cỗi” này. Từ 2008 đến nay, ụ này đã được sửa chữa tại Việt Nam nhưng vẫn không thể hoạt động.
Mới đây, ngày 23/5, Cục Đăng kiểm có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải giải trình quá trình giám định ụ nổi No83M do Vinalines mua.
Cơ quan này cho biết, sau khi cấp văn bản thẩm định trạng thái ụ nổi No83M cho Vinalines vào năm 2007, cơ quan này không nhận được yêu cầu và cũng không thực hiện bất kỳ công việc đăng kiểm nào đối với ụ nổi No83M.
Chỉ đến khi Cục cảnh sát Phòng chống tham nhũng yêu cầu cấp hồ sơ vào cuối năm 2011, Cục mới được biết ụ nổi được đưa về Việt Nam từ năm 2008 và được Cơ quan Đăng kiểm RMRS (Nga) giám sát chất lượng sửa chữa tại nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, đến nay, nhìn chung, các sai phạm đang được phía cơ quan điều tra làm rõ, trách nhiệm liên quan đến ai, đến cơ quan nào sẽ được điều tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tổng công ty Hàng hải cũng như việc Bộ Giao thông Vận tải bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng vào vị trí Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ trưởng Đam cho biết, tất cả đều được thực hiện đúng thẩm quyền và đúng với quy trình theo quy định về bổ nhiệm cán bộ.
Theo đó, tại thời điểm Bộ Giao thông Vận tải có văn bản đề nghị ông Dũng thôi chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn để bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải là vào tháng 12/2011 và Bộ Nội vụ có văn bản thẩm định vào tháng 1/2012. Các sự kiện này đều diễn ra trước thời điểm phía thanh tra có dự thảo về Kết luận thanh tra.
Cũng theo Bộ trưởng, không có quy định nào nói rằng khi một doanh nghiệp và một đơn vị đang bị thanh tra thì không được có những quyết định bổ nhiệm mới. Do công việc thanh tra là công việc hàng năm, công việc bình thường. Ngoài ra, thẩm quyền trách nhiệm của cơ quan này đến đâu, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có buổi trao đổi, trả lời báo chí sau.
Bích Diệp