Những bất ổn vĩ mô, tình trạng bất công gia tăng, các vấn đề môi trường bị che giấu và sự không hài lòng đang được kìm nén của công chúng sẽ đặt Hà Nội trước sức ép ngày càng lớn buộc phải thay đổi.
Năm ngoái, với tỷ lệ lạm phát 18%, Việt Nam đã chứng kiến tình trạng gia tăng các cuộc đình công trong giới lao động. Bất chấp tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt 5,9%, cuộc sống người nghèo ngày càng khó khăn hơn khi mức thu nhập "gầy còm" của họ không thể đuổi kịp đà tăng giá lương thực. Nhằm xoa dịu mối lo âu này của dân chúng, chính phủ đã hứa áp dụng các biện pháp tài chính và tiền tệ mạnh tay để chống lạm phát.
Nhưng cải cách tài chính không phát huy tác dụng vì việc cắt giảm chi tiêu công trở nên khó khăn khi đối mặt với mức lãi suất cao. Và các biện pháp thắt chặt tiền tệ đã đẩy hàng chục nghìn công ty nhỏ và vừa ra khỏi thương trường hoặc lâm vào cảnh phá sản. Họ gặp khó khăn khi đi vay do lãi suất cao, trong khi các biện pháp ưu đãi chỉ dành cho các doanh nghiệp nhà nước (SOEs). Tình hình này đặt ra một mối đe dọa không nhỏ đối với sự phát triển của lĩnh vực tư nhân ở Việt Nam.
Giới hoạch định chính sách thừa nhận rằng mô hình tăng trưởng của Việt Nam - dựa vào giá nhân công rẻ, khai thác nguồn tài nguyên và tăng trưởng vốn - đang tỏ ra không hiệu quả. Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình từ năm 2010, nhưng phải chứng kiến một thực tế là mức thu nhập trung bình của nhóm 20% dân số có thu nhập cao nhất đã tăng gấp 9,2 lần so với nhóm 20% dân số có thu nhập thấp nhất, trong cùng một năm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kêu gọi tái cấu trúc nền kinh tế và thay đổi mô hình tăng trưởng của đất nước. Để đạt mục tiêu này, ông nhấn mạnh cần cải thiện các thể chế thị trường - một mong muốn "nói dễ hơn làm". Một mặt, lĩnh vực nhà nước đóng vai trò hàng đầu trong "nền kinh tế thị trường hướng tới xã hội chủ nghĩa" của Việt Nam. Trong quá trình phấn đấu trở thành một đất nước công nghiệp hóa hiện đại vào năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục dồn các nguồn lực cho các doanh nghiệp nhà nước. Điều này có nghĩa là đã chọn người chiến thắng, và chính sách này đã không thành công; bằng chứng là lĩnh vực đóng tàu và sản xuất thép không vận hành tốt.
Một vấn đề khác là nạn tham nhũng. Dù giới lãnh đạo cam kết đấu tranh chống vấn nạn này, nhưng kết quả dường như không đáng khích lệ.
Tham nhũng không chỉ hủy hoại các nỗ lực cải thiện các thể chế thị trường và hệ thống tư pháp, mà còn xói mòn niềm tin của dân chúng.
Tại một cuộc họp của Đảng gần đây, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng các Đảng viên cần cam kết nghiêm túc "phê bình và tự phê bình" để giúp giải quyết mọi vấn đề. Nhưng các cuộc cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng dường như khó lòng xảy ra trong thời gian trước mắt. Thách thức phải tăng trưởng bền vững và toàn diện hơn đòi hỏi trách nhiệm giải trình lớn hơn của chính phủ và sự tham gia rộng rãi hơn của dân chúng.
Một cảm nhận ít mang tính chính trị hơn, là nhiệm vụ thúc đẩy tăng năng suất lao động. Một báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey cho rằng Việt Nam cần tăng năng suất lao động trung bình hàng năm lên 6,4%, từ mức 4,1%, để đạt tăng GDP trung bình hàng năm là 7%.
Tăng năng suất một cách bền vững đòi hỏi đầu tư nhiều hơn cho nguồn nhân lực thông qua việc xác định lại ưu tiên trong việc phân bổ nguồn lực, chuyển đầu tư của nhà nước, hiện đang đổ vào các ngành công nghiệp không hiệu quả, sang đào tạo hướng nghiệp, y tế và giáo dục.
Cải thiện quyền sở hữu đất đai cũng tạo một cơ hội khác. Luật đất đai hiện hành của Việt Nam, theo đó "đất thuộc sở hữu toàn dân, và Nhà nước là người đại diện sở hữu", còn nhiều lỗ hổng, vì vậy tạo ra một mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Sửa đổi đạo luật này theo hướng xác định rõ hơn và bảo vệ tốt hơn sẽ giúp giảm tham nhũng và những tranh cãi về đất đai, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp thương mại.
Khi cải cách từ trên xuống là rất khó khăn trong bối cảnh lãi suất cao, một cách tiếp cận từ dưới lên có thể sẽ tạo đà mới. Các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia cố vấn ủng hộ cải cách, cũng như các thể chế phát triển quốc tế, nên ủng hộ việc đưa ra các ý tưởng nền tảng. Các ý tưởng này nhằm thúc đẩy sự phát triển dựa vào thị trường nhiều hơn và tăng sự tham gia của dân chúng vào công tác quản lý, điều hành.
Nới lỏng kiểm soát truyền thông cũng quan trọng trong quá trình cải cách. Các kinh nghiệm gần đây cho thấy truyền thông đóng một vai trò quan trọng trong việc phát hiện tham nhũng và các trường hợp lạm dụng quyền lực.
Trần Lê Anh
- Tác giả: Trần Lê Anh, giáo sư tại Đại học Lasell ở Newton, bang Massachusetts (Mỹ). Bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên trang globalpost.com hôm 28/5.
Châu Giang dịch