Như Dân trí đã đưa tin, tuyển sinh 2012, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định về chính sách ưu tiên đối với thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo theo Quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.
Theo đó, quy định thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học.
Tuy nhiên, với chủ trương lớn như vậy khi mới bắt đầu thực hiện đã có một số trường ĐH, CĐ từ chối không nhận đối tượng này và thậm chí nhiều trường đặt tiêu chí quá cao, thí sinh khó lòng đáp ứng được.
Trao đổi với Dân trí, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Với chủ trương này, Bộ đã có văn bản hướng dẫn cụ thể tới các trường thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ đã để các trường tự đưa ra tiêu chí tuyển chọn phù hợp với chương trình đào tạo của mình. Các trường có thể đặt ra các tiêu chuẩn riêng, nhưng bắt buộc phải thực hiện chủ trương này không được phép từ chối bởi đây là quy định chung có văn bản pháp quy các trường phải chấp hành".
Về vấn đề kinh phí đào tạo hỗ trợ cho các học sinh nghèo này đi học, ai sẽ chi trả và lo bố trí việc làm sau khi ra trường như nhiều địa phương thắc mắc. Thứ trưởng Ga cho biết: "Các thí sinh này không phải là học sinh thuộc diện cử tuyển. Chính sách nhà nước đã ưu tiên cho các em được tuyển thẳng vào đại học rồi nên kinh phí chi trả học tập các em phải tự lo như các sinh viên bình thường khác. Hơn nữa, hiện nay Chính phủ có chương trình hỗ trợ cho vay vốn học tập đối với sinh viên nghèo đó là điều kiện thuận lợi để các em yên tâm học tập".