Xét tuyển năm nay, mỗi trường có quy định riêng nên thí sinh cần nghiên cứu kỹ trước khi nộp hồ sơ.
Khó xác định được lượng thí sinh đến
Xét tuyển năm nay, thí sinh được quyền sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng (theo quy định của từng trường) để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.
Bên cạnh đó, các trường được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm xét tuyển, không hạn chế số đợt xét tuyển, không qui địnhđiểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước, bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11 hằng năm.
Tuy nhiên, hiện nay khá nhiều trường lo lắng về số lượng hồ sơ xét tuyển "ảo". Ông Đinh Văn Chỉnh - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông Nghiệp Hà Nội cho biết: "Mọi năm thí sinh chỉ có 2 phiếu báo điểm để tham gia xét tuyển NV2 và để tránh "ảo" mặc dù chỉ tiêu xét tuyển có ngành là 100, nhà trường đã phải nhận đến 200 đơn, vậy mà số lượng thí sinh đến vừa đủ. Năm nay, khó đoán được số lượng thí sinh đến nhập học bởi các em được nộp bản photo có công chứng vì có thí sinh đã nộp tới 2 – 3 hồ sơ xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau trong trường".
Trường ĐH Mỏ - Địa chất năm nay dành hơn 1.000 chỉ tiêu xét tuyển NV2 vào cả hệ ĐH,CĐ. Thời hạn kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển là 10/9.
Tuy vậy, ông Lê Trọng Thắng - trưởng phòng đào tạo cho hay: "Mọi năm, thí sinh đến nộp hồ sơ bao nhiêu nhận bấy nhiêu đủ chỉ tiêu là thôi. Năm nay cũng khó xác định được số lượng thí sinh đến nhập học và không nói trước được điều gì nên nếu kết thúc đợt 1 nhận hồ sơ xét tuyển, thí sinh đến ít thì trường lại tiếp tục xét đợt tiếp theo cho đủ chỉ tiêu".
Thí sinh cần lưu ý quy định riêng của từng trường
Những quy định mới về xét tuyển năm nay đem tới cho thí sinh nhiều lợi thế. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên thí sinh lưu ý thời hạn kết thúc xét tuyển của từng trường để không bị mất cơ hội. Thí sinh cũng cần để ý tới quy định riêng của từng trường về việc yêu cầu nộp bản chính phiếu điểm có dấu đỏ hay chấp nhận bản photo.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết: “Theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, thời hạn nộp hồ sơ, đợt xét tuyển đều do các trường quy định. Do đó, các thí sinh cần cập nhật nhanh chóng và thường xuyên thời hạn xét tuyển, điểm xét tuyển, chỉ tiêu của từng trường. Bởi không giống năm trước, năm nay các trường có thời gian xét tuyển khác nhau”.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong tuyển sinh, ông Lê Trọng Thắng - trưởng phòng đào tạo ĐH Mở Địa chất khuyên thí sinh: “Mọi năm điểm chuẩn xét tuyển NV2 có ngành của trường tăng từ 2 – 3 điểm, có ngành giữ mức ổn định như điểm thông báo xét tuyển ban đầu. Tuy nhiên, mỗi năm xét tuyển khác nhau. Do vậy, các em cần theo dõi thông tin xét tuyển của các trường trên mạng về số lượng hồ sơ để nhận biết khả năng đỗ của mình”.
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Mặc dù có thể rút hồ sơ nhiều lần để vào được ngành phù hợp nhưng thí sinh vẫn nên cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ thay vì rút ra, nộp lại nhiều lần, gây mất thời gian, lại ảnh hưởng không tốt tới tâm lý”.
Nhiều chuyên gia tuyển sinh cũng đưa ra lời khuyên, với các trường công lập, nếu thí sinh có điểm thi chỉ bằng điểm xét tuyển, chỉ tiêu còn lại của trường không cao thì khả năng trượt nguyện vọng bổ sung là rất lớn. Vì vậy, sẽ an toàn hơn nếu có điểm cao hơn từ 0,5 - 1 điểm so với điểm xét tuyển của trường.
Với các thí sinh có điểm thi chỉ bằng điểm sàn, điểm xét tuyển mà các trường thông báo ban đầu thì để chắc chắn đỗ nhất là nộp hồ sơ vào các trường ĐH vùng, các trường ngoài công lập, có chỉ tiêu xét tuyển lớn.