Với điểm học tập toàn khóa đạt 3.71/4.00, Park Young Su là sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN). Khi được hỏi cảm nhận về đất nước và con người Việt Nam, Park Young Su cười cho biết: “Việt Nam rất đẹp nhưng ấn tượng nhiều nhất là ở con người. Con người nơi đây sống thân thiện hòa đồng và yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau”. Và cũng chính điều này đã khiến chàng trai xứ Hàn quyết định sẽ gắn bó lâu dài với nơi đây cho dù đã tốt nghiệp ra trường.
Với điểm học tập toàn khóa đạt 3.71/4.00, Park Young Su đỗ tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH QGHN. Vốn tiếng Việt học trong gần 5 năm giúp anh nói chuyện khá trôi chảy và gần như không bị vấp một từ nào.
Trò chuyện với chúng tôi, Park Young Su kể về kỉ niệm cách đây gần 5 năm, khi đó anh đã đang theo học Đại học Cảnh vệ tại Hàn Quốc. Trong một chương trình Park Young Su được xem nói về tinh thần đấu tranh gìn giữ hòa bình của dân tộc Việt Nam để tạo dựng được một cuộc sống hiện đại ngày nay, anh đã hoàn toàn bị thuyết phục để rồi sau đó quyết định sang Việt Nam. Thấy yêu và thích được sống tại mảnh đất này nhưng ban đầu vì chưa hiểu tiếng Việt nên Park Young Su nghĩ phải học ngôn ngữ để hiểu con người Việt nói gì, làm gì và hiểu văn hóa Việt Nam. Vì vậy, chàng trai Hàn Quốc đã thi và theo học ngành Tiếng Việt của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH QGHN. Những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu đối với chàng trai nước ngoài không làm Park Young Su nản bước. Hơn thế nữa, được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn sinh viên Việt Nam nên chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, Park Young Su đã quen dần với môi trường sống mới nơi đây.
Park Young Su tâm sự: “Thời gian đầu sang Việt Nam mình chưa biết đi đâu, làm gì nhưng có nhiều bạn Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ nên cứ tìm hiểu dần dần Hà Nội và các tỉnh thành khác. Các bạn chở Su đi thăm quan các địa danh ở Hà Nội bằng xe máy, giới thiệu cho mình biết về Hồ Gươm, Tháp Rùa và Cầu Thê Húc”. Từ những buổi dạo phố đi ăn kem Tràng Tiền hay xem phim ở rạp chiếu phim Quốc Gia… đã giúp Su biết và quen dần với văn hóa Việt Nam. Và trong những lần đi chơi đó, có một thứ không bao giờ Su quên mang theo đó là tấm bảng đồ chỉ dẫn đường, vì thế mà sau gần 5 năm sống ở đây, chàng trai đến từ Hàn Quốc nhớ gần hết các đường ở Hà Nội và gần như không bao giờ bị lạc.
Tuy nhiên thời tiết của Việt Nam khiến Park Young Su không mấy dễ thích nghi. Su nói ở Việt Nam cũng có 4 mùa như Hàn Quốc nhưng nhiệt độ ẩm hơn nên ban đầu mới sang, anh thấy khó chịu. Mùa đông ở Việt Nam trời âm u khiến Park Young Su buồn và nhớ bố mẹ và em gái đang ở nhà. Mỗi lần như thế, mẹ Su hay gọi điện sang hỏi thăm con trai, khiến Su chạnh lòng nhớ nhà nhưng anh chàng vẫn quyết tâm ở lại bởi đối với Su, Việt Nam còn nhiều điều thú vị chưa khám phá hết.
Tiếng Việt có dấu và phát âm theo ngữ điệu nên với Su “khó học” và “khó nói” là điều thường xuyên diễn ra. Thời gian đầu, Su thường xuyên phát âm sai các dấu nên phải tập đọc và viết thật nhiều ra giấy để nhớ đồng thời kết hợp với việc nói chuyện nhiều với người Việt Nam hay xem các chương trình truyền hình Việt Nam. Càng học, càng tìm hiểu Việt Nam, Park Young Su càng thấy khâm phục ý chí và nghị lực của con người nơi đây và như có một sức hút kì diệu khiến anh rất muốn ở lại và sinh sống làm việc ở đất nước này.
Được biết, Park Young Su hiện là Hội trưởng Hội Sinh viên Hàn Quốc tại Hà Nội. Đã nhiều lần Su tổ chức cho các bạn trong Hội đi thăm và làm từ thiện ở các vùng quê Việt Nam như Lào Cai, Nghệ Anh, Phú Thọ… Mỗi một chuyến đi với Su là cả một sự trải nghiệm khó quên.
Hiện tại Park Young Su vừa tốt nghiệp ra trường và đang làm cho công ty Lock & Lock. Vốn tiếng Việt được học tập tích lũy trong gần 5 năm giúp anh nói chuyện khá trôi chảy và gần như không bị vấp một từ nào. Chia sẻ về dự định trong tương lai, Su cho biết: “Bố mẹ muốn mình về Hàn Quốc, tuy nhiên mình thấy yêu thích và muốn gắn bó với Việt Nam nên đang thuyết phục bố mẹ sang bên này. Sau này mình cũng mong muốn lấy được vợ là người Việt Nam để Việt Nam thật sự là một nửa của mình cho dù mình có đi đến đâu”.
Phạm Oanh