Theo phân cấp thì quả đúng là Bộ GD-ĐT không thể can thiệp sâu vào công việc của các địa phương. Với tư cách quản lý, Bộ cũng chỉ biết nhắc nhở chứ không thể xử lý mạnh tay bởi theo Luật Giáo dục thì mọi trẻ em đều được đến trường, không có lý do gì mà để các em buộc phải “thất học”.
Nếu để ý các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… trong những năm qua thì không khó nhận ra một điều: Địa phương nào cũng quyết tâm thực hiện chủ trương “3 giảm” (giảm sĩ số lớp, giảm số lớp trong một trường, giảm HS trái tuyến - PV). Tuy nhiên, không phải cứ nói là có thể thực hiện được ngay.
Lực bất tòng tâm…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cứ đến mùa tuyển sinh là hiệu trưởng các trường ở Hà Nội lại ở trạng thái lo âu, bất an. Từ công tác tuyển sinh đến xây dựng kế hoạch trường lớp phải đảm bảo đủ phòng học, xây dựng đội ngũ giáo viên… cho năm học mới đều là những bài toán không đơn giản chút nào.
Theo cô Phạm Thị Yến - hiệu trưởng Trường tiểu học Thành công B (quận Ba Đình, Hà Nội) thì việc quy hoạch trường lớp được thực hiện với tầm nhìn lâu dài nhưng trên thực tế mỗi năm phải tính toán lại cho hợp lý. Với việc dân số cơ học có sự biến động mạnh mẽ thì đòi hỏi cần phải cập nhật thường xuyên để có sự điều chỉnh kịp thời.
Nhiều bậc phụ huynh khi trao đổi về việc quá tải đều cho rằng, thiếu phòng học thì xây dựng thêm. Nếu không có đất thì xây thêm tầng... Tuy nhiên nói thì dễ nhưng có mấy ai hiểu được rằng để làm được việc đó đâu phải chỉ cần mỗi tài chính vững mạnh. Ngoài việc thực hiện các quy định về an toàn xây dựng, lên tầng phải được phép của ban ngành liên quan… thì vẫn còn đó những tiêu chí khác như diện tích sân chơi, nhà chức năng…
Được đánh giá là một trong những địa phương tích cực trong khâu giảm sĩ số lớp nhưng Hà Nội cũng gặp không ít khó khăn. Tài chính thì không thiếu nhưng tìm được quỹ đất sạch để xây dựng trường là không dễ. Để giải quyết bài toán khó này, Hà Nội đã phê duyệt cho 4 quận nội thành lõi được phép lên thêm tầng nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tạm thời còn về mặt lâu dài thì chưa ổn. Nhiều năm qua, một số phường của quận nội thành Hà Nội chưa có trường mầm non công lập, sau bao nhiêu lần giải quyết giờ vẫn có phường còn “điểm trắng”.
Không chỉ nội thành mà ngay như cả một số quận được đánh giá là có quỹ đất xây dựng trường “dư dả” thì giờ đây cũng đang đặt trong tình trạng báo động bởi sự xuất hiện của các chung cư cao tầng mọc lên như nấm. Theo lãnh đạo phòng GD-ĐT quận Hà Đông thì năm học này số lượng HS thuộc địa bàn tăng lên cả nghìn em. Mặc dù đã nỗ lực xây dựng các trường mới tạm thời đáp ứng đủ nhưng nếu sau này các gia đình đổ bộ về chung cư sinh sống thì lúc đó chưa biết sẽ như thế nào.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện thủ đô có 2.434 trường học, hơn 1,5 triệu HS. Thành phố đã bổ sung, thay thế gần 5.000 phòng học mới, 36 trường học mới. Mức kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường năm nay là 2.253 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với năm trước.
Và những nghịch lý khó hiểu!
Phụ huynh thì bức xúc mỗi khi chứng kiến cảnh con mình học trong những lớp 50 - 60 HS nhưng khi được giải quyết để được học trong một môi trường lý tưởng hơn thì lại từ chối. Cách cư xử khó hiểu của phụ huynh cũng khiến cho công tác “3 giảm” ở Hà Nội gặp nhiều khó khăn.
Chẳng hạn như vừa qua, các bậc phụ huynh ở thôn Yên Ngưu (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) cương quyết phản đối kịch liệt khi Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì có chủ trương đưa toàn bộ con em nơi đây về ngôi trường đúng tuyến. Sở dĩ họ cương quyết không chịu là do Trường tiểu học B Thị trấn Văn Điển được xây dựng trên đất của thôn và khi dự kiến xây dựng, lãnh đạo xã Tam Hiệp cũng như Ban giám hiệu nhà trường đã hứa là ưu tiên cho con em trong thôn được học tại trường.
Việc làm của Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì cũng chỉ nhằm mục đích giảm sĩ số lớp của Trường tiểu học B Thị trấn Văn Điển bởi trong khi Trường tiểu học Tam Hiệp cách đó không xa còn thừa phòng học thì nơi đây lại phải tận dụng phòng chức năng để bố trí thêm lớp.
Sau nhiều lần họp bàn trao đổi với phụ huynh nhưng không nhận được sự tán thành nên Phòng GD-ĐT huyện Thanh Trì đành phải chấp nhận Trường tiểu học B Thị trấn Văn Điển có sĩ số gần 60 HS/lớp.
Ngày 28/5/2012, hơn 100 phụ huynh tập trung tại cổng trường Tiểu học B Thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) để đòi quyền lợi cho con em thôn Yên Ngưu.
Cũng ở tình trạng tương tự, Trường tiểu học Phú La (phường Phú La, quận Hà Đông) được xây dựng nhằm mục đích giảm tải cho một phường lân cận. Lâu nay HS ở phường Phú La do chưa có trường nên phải đi “học nhờ” một số phường khác nên việc có ngôi trường mới lẽ ra phụ huynh phải vui mừng mới phải. Nhưng trên thực tế, khi trường mở, nhiều phụ huynh có hộ khẩu thường trú ở phường này lại từ chối cho con em về học với lý do trường mới sợ chất lượng chưa tốt, sợ bạn bè mới nên con lạc lõng…
Qua tìm hiểu thực tế thì nguyên nhân sâu xa của việc phụ huynh “bảo thủ” trong việc cho con học đúng tuyển, gần nhà… là muốn tiện đường đưa đón, muốn con được học trong ngôi trường tốt. Cũng vì quan điểm như vậy mà hàng năm Hà Nội luôn “nóng” với những cuộc chạy đua vào trường điểm.
Chưa dừng lại ở đó, dù Sở GD-ĐT đã có quy định không thi tuyển để xếp lớp nhưng các trường vẫn âm thầm mặc định lớp chọn, lớp thường. Một lần nữa, phụ huynh lại đua nhau đưa con vào lớp chọn khiến cho sĩ số các lớp này gia tăng.
Chị Lê Phương ở khu tập thể K1 Giảng Võ chia sẻ: “Các lớp chọn thường có sĩ số khá cao. Mặc dù không gian học tập bị hạn chế nhưng có điều đáng ghi nhận là các con đều học tốt bởi do các thầy cô “giỏi” nhất của trường đảm nhận. Từ phụ huynh này được truyền tai đến phụ huynh kia nên “sức nóng” ở các lớp chọn không bao giờ giảm”.
Với những cuộc chạy đua vì con em, cộng với khó khăn trong việc xây dựng trường do thiếu đất nên nếu không có sự cảm thông chia sẻ từ chính các bậc phụ huynh thì có lẽ bài toán quá tải ở Hà Nội sẽ không thể có lời giải đáp. Có thể xét về bình quân sĩ số lớp ở Hà Nội sẽ giảm nhưng tách riêng biệt ra thì những con số 60 thậm chí là 70 HS/lớp cũng không có gì là bất ngờ.
Nguyễn Hùng