Xe cháy có thể xuất phát do hệ thống điện bị chập. Tia lửa điện bắn ra do đoạn mạch bắt vào các vật liệu dễ cháy như thảm, nhựa, nỉ...vv. Nguyên nhân có thể do chủ xe độ âm thanh, đèn còi nhiều mà không tính đến phụ tải cho hệ thống. Trường hợp này tốt thì đứt cầu chì; tệ thì có thể gây chập cháy hệ thống điện dẫn đến cháy xe. Tốt nhất trong trường hợp này khi lắp thêm các thiết bị dùng điện hãy tư vấn giới chuyên môn để tính tải cho cả máy phát và hệ thống. Tuyệt đối không thay cầu chì có chỉ số dòng lớn hơn thông số của nhà sản xuất để "đỡ phải thay cầu chì thường xuyên" khi nâng cấp thiết bị!
Xe cháy do bắt lửa từ hệ thống xả. Nhiệt độ ở cổ xả rất cao có thể gây cháy bất kỳ khi nào nếu có các vật liệu dễ bắt lửa như rơm, rạ, giấy vướng vào gầm gần ống xả. Một điểm cần lưu ý, các xe đi trên đường có phơi rơm, rạ nên tránh xa hết mức có thể các loại rơm, rạ phơi trên đường.
Một nguyên nhân khác có thể dẫn đến cháy từ hệ thống xả, đặc biệt trên các xe cũ, là các vết dầu, mỡ văng ra từ hộp số, mặt máy, đáy các-te...vv, lâu ngày có thể đọng lại dưới gầm xe rất dễ gây cháy nếu cổ xả hở hoặc có vật dễ bắt lửa vướng vào gầm. Giải pháp cho tình huống này là trước khi đi xa thay vì chỉ rửa xe thông thường, hãy vệ sinh máy và xịt gầm cho sạch các vết dầu mỡ đọng.
Với một số loại xe cũ dùng bơm nhiên liệu chạy điện gắn ngoài cũng tiềm ẩn nguy cơ cao gây cháy. Khi bơm theo xe bị hỏng, một số chủ xe thường tiết kiệm chi phí bằng cách "chế" bơm của Tàu. Đây thật sự là một ẩn họa cho xe cũ vì bơm nhiên liệu của Tàu thường có chất lượng rất kém, các khớp nối đường dẫn nhiên liệu có thể gây rò rỉ; nếu có tia lửa điện từ các giắc tiếp xúc của bơm điện hoặc từ hệ thống đánh lửa (có thể rò từ dây cao áp, "tẩu" bu-gi do ẩm ướt) sẽ dễ dàng gây cháy.
Giải pháp tốt nhất cho trường hợp này là khi hỏng bơm nhiên liệu hãy sử dụng đồ chính hãng hoặc có xuất xứ rõ ràng với chất lượng đảm bảo; không cắt và đấu lại dây dẫn và giắc cắm.
Một khả năng có thể xảy ra là xe cháy do sinh nhiệt từ ma sát như bó phanh, vỡ ổ bi...vv. Các chi tiết kim loại bị nung nóng khiến dầu, mỡ bị tan chảy rất dễ bắt lửa sang các bộ phận dùng chất liệu dễ cháy như nhựa, lốp...vv. Để tránh khả năng này, hãy bảo dưỡng xe định kỳ, khi xe có dấu hiệu bất thường, từ hệ thống đèn báo cho đến các chi tiết kỹ thuật hãy xử lý ngay tại các cơ sở có chuyên môn.
Biện pháp cuối cùng mọi người nên làm là hãy trang bị bình cứu hỏa loại dùng cho xe hơi hay bán tại các cửa hàng đồ chơi xe hơi. Đừng mua bình với mục đích trang trí, hãy dùng loại có chất lượng cao dù có thể "nuôi quân 3 năm, dùng chỉ 1 giờ". Không nên mặc cả với sự an toàn của mình!
(Theo AutoPro)