An toàn giao thông : “Nhận diện” văn hóa giao thông

“Nhận diện” văn hóa giao thông

Văn hoá khi tham gia giao thông - một bộ phận của văn hoá nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ khi tham gia giao thông.

 

“Nhận diện” văn hóa giao thông

 

Văn hoá khi tham gia giao thông - một bộ phận của văn hoá nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ khi tham gia giao thông.

Khi chúng ta hiểu đúng các quy định về Luật Giao thông, biết hàng trăm biển báo hiệu, biết điều khiển xe vận hành và dừng, đỗ, với các thao tác kỹ thuật máy móc tương ứng, thì đây là kiến thức về Luật Giao thông, nghĩa là, chúng ta biết, hiểu và thực hiện các động tác cơ học nào đó khi tham gia giao thông.

Còn văn hoá giao thông, chính là cách xử sự của con người đối với các kiến thức về Luật Giao thông đường bộ quy định, mà chúng ta phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác.

Nói cách khác, văn hoá tham gia giao thông, là thái độ, hành vi xử thế của người tham gia giao thông đối với các quy định của pháp luật về giao thông.

Theo đó, hành vi xử thế trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng.

Đúng ra, nói đến văn hoá giao thông, phải kể đến các nhóm chủ thể liên quan như: người điều khiển giao thông, người tham gia giao thông; phương tiện tham gia giao thông; đường sá và các công trình phụ trợ, biển hiệu đi theo nó.

Người điều khiển giao thông, không chỉ có cảnh sát giao thông, mà còn có một số lực lượng khác theo luật định, khi thi hành công vụ, họ cũng phải có văn hoá giao thông, trước hết, là công vụ phải đúng chức năng luật định, đúng quy trình, có lời ăn, tiếng nói, cử chỉ nhã nhặn, cương quyết thưởng phạt, xử lý nghiêm minh, giải thích, hướng dẫn người tham gia giao thông cặn kẽ, tận tình và không nhận mãi lộ, để bỏ qua vi phạm và các hành vi khác trái đạo đức xã hội.

Anh có quyền thổi còi dừng phương tiện, nhưng phải chào theo điều lệnh, trừ trường hợp người vi phạm có thái độ trái văn hoá, trái pháp luật đối với mình, họ không thể có thái độ vênh váo, kênh kiệu, nói hất hàm, ban ơn, xúc phạm đến danh dự của người liên quan.

Đây chính là tiêu chí để xác định văn hoá giao thông, của người điều khiển giao thông. Đối với người tham gia giao thông, thì văn hoá giao thông, được hiểu là các xử thế đúng và đẹp, khi họ tham gia giao thông.

Đó là thực hiện đúng luật, tự tôn trọng mình, tôn trọng mọi người; tôn trọng an toàn công cộng, trật tự công cộng, giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, như cấp cứu người bị nạn, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường; cùng với cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác; thấy các sự cố về đường sá, phương tiện, phải kịp thời báo hiệu, thông báo cho nơi liên quan, để kịp thời ngăn chặn xử lý.

Văn hoá giao thông, còn phải kể đến phương tiện tham gia giao thông, nói cách khác, là các loại xe. Khi sản xuất phương tiện, nhà sản xuất đã tính toán kỹ về tiêu chuẩn kỹ thuật, từ gương, đèn, phanh và màu sơn... ấy vậy mà, chúng ta lại thay gương của nhà sản xuất, bằng loại gương chiếu hậu kỳ dị, nhỏ, thấp và không thể quan sát phía sau.

Trên xe thì gắn nhiều hình ảnh lố lăng, quái dị, phản cảm; Đèn thì chiếu thẳng vào mặt người đi ngược chiều, phanh còi quá âm lượng quy định, với các tiếng hú, tiếng la hét đinh tai, nhức óc. Đây chính là những cái không văn hoá của phương tiện, mà người làm ra nó, chính là chủ nhân của những chiếc xe này, có thể nói; nhìn xe mà khẳng định tính cách của chủ xe, có văn hoá hay không. Người đời nói, nhận thức đúng là tác nhân chỉ đường cho hành vi, vì vậy, cần hiểu lại một lần nữa, thế nào là văn hoá giao thông. Thực ra, khái niệm văn hoá giao thông phải được cấu thành từ 3 vấn đề.

Đó là, tính pháp lý khi tham gia giao thông, đây là đặc tính đầu tiên cấu thành văn hoá giao thông; tiếp đến là tính cộng đồng khi tham gia giao thông, đây là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông và cuối cùng là thuộc tính thẩm mỹ khi tham gia giao thông, đây chính là cái đẹp khi tham gia giao thông.

Hồ Bá Võ


TIN LIÊN QUAN


TIN TỨC - SỰ KIỆN

Xem thêm...

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG

Trụ sở chính: Số 54 - Khu Liên Phương - P. Phương Đông - TP Uông Bí - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.854497 - Fax:02033.854302

Địa điểm đào tạo số 01: Phường Hà Phong - TP Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh

Địa điểm đào tạo số 02: Nguyễn Văn Trỗi - P. Cẩm Thủy - TP Cẩm Phả - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.862091 - 02033.969661 - Fax:02033.864950

Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn

TAG BÀI VIẾT

BẢN ĐỒ CHỈ DẪN

PAGE FACEBOOK

Xét tuyển trực tuyến Nhập học trực tuyến
Xét tuyển trực tuyến
Nhập học trực tuyến