Tin tức tổng hợp : Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có hồi kết

Thư ngỏ gửi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã có hồi kết

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ vừa chính thức ban hành Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non quy định tại Quyết định số 60/2011/QĐ-TTg.

Thông tư liên tịch (TTLT) này chính thức có hiệu lực từ ngày 25/4/2013. Chính sách hỗ trợ đối với giáo viên mầm non được tính hưởng kể từ ngày 1/1/2012. Đối với trẻ mầm non thì chính sách hỗ trợ được tính hưởng từ ngày 1/9/2012.

5 đối tượng trẻ được Nhà nước hỗ trợ
 
Theo TTLT thì có 5 đối tượng trẻ em được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định 60 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đối tượng 1 trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 9/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 - 2015.
 
Đối tượng 2 là trẻ em mẫu giáo 3 đến 5 tuổi dân tộc rất ít người đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 -2015.
 
Đối tượng 3 là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo, các xã và thôn bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành.
 
Đối tượng 4 là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non không thuộc đối tượng 3 có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nước. Chuẩn nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ.
 
Đối tượng 5 là trẻ em mẫu giáo 3 và 4 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế.
 
Tương ứng từng đối tượng sẽ có chính sách hỗ trợ khác nhau. Cụ thể, đối tượng 1 được hỗ trợ ăn trưa theo quy định tại Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT- BGDĐT-BTC ngày 15/7/2011 của Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính hướng dẫn chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010-2015.
 
Đối tượng 2 thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 19/1/2012 của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015.
 
Đối tượng 3, 4 và 5 được hỗ trợ ăn trưa là 120.000 đồng/tháng/trẻ và được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.
 
Mỗi trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ tối đa trong 3 năm học. Năm học được hưởng là năm học mà trẻ đạt đến 3 tuổi, 4 tuổi, 5 tuổi theo giấy khai sinh.
 
Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được cấp theo số tháng thực học, tối đa 9 tháng/năm học và thực hiện 2 lần trong năm: lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm.
 
TTLT cũng cho hay, có hai phương thức chi hỗ trợ. Một là cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ (khuyến khích cơ sở giáo dục mầm non tổ chức nấu ăn tập trung cho trẻ); Hai là chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ, người nhận nuôi).
 
Cơ sở giáo dục mầm non công lập chịu trách nhiệm tiếp nhận kinh phí và thực hiện việc chi trả. Căn cứ vào thực tế quản lý và cách tổ chức ăn trưa, lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ để quyết định 1 trong 2 phương thức nêu trên.
 
Đối với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thì Phòng GD-ĐT chịu trách nhiệm tiếp nhận kinh phí và tổ chức phối hợp với cơ sở giáo dục mầm non để thực hiện việc chi trả. Căn cứ vào thực tế quản lý và cách tổ chức ăn trưa, lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ để quyết định 1 trong 2 phương thức nêu trên.
 
Giáo viên hợp đồng cũng được hưởng theo thang bảng lương
 
Theo TTLT thì có 3 đối tượng giáo viên mầm non được nhà nước hỗ trợ, bao gồm: Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đủ tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (trong định mức giáo viên được cấp có thẩm quyền phê duyệt) ở các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ sở giáo dục mầm non dân lập; Giáo viên mầm non (bao gồm cả hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) đang công tác tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục.
 
Các đối tượng giáo viên mầm non này sẽ được xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và hưởng các chế độ phụ cấp lương (nếu có) đối với giáo viên mầm non theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
 
Được nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn (do lập thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ và khi có thông báo nghỉ hưu) theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; Được đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
 
Thông tư cũng nhấn mạnh, việc hỗ trợ thực hiện chính sách phải đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng nội dung hỗ trợ và lồng ghép với các chính sách khác có cùng nội dung, mục tiêu đang thực hiện trên địa bàn. Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại TTLT này, nếu đồng thời thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ cùng loại khác thì chỉ được hưởng mức hỗ trợ cao nhất.
 
Thực hiện lồng ghép và xã hội hoá các nguồn kinh phí để đảm bảo thực hiện đầy đủ, thống nhất các chính sách quy định tại TTLT này. Khuyến khích các địa phương huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung mức hỗ trợ cho các đối tượng.
 
Bạn đọc có thể xem toàn văn TTLT số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV tại đây

S.H


TIN LIÊN QUAN


TIN TỨC - SỰ KIỆN

Xem thêm...

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG

Trụ sở chính: Số 54 - Khu Liên Phương - P. Phương Đông - TP Uông Bí - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.854497 - Fax:02033.854302

Địa điểm đào tạo số 01: Phường Hà Phong - TP Hạ Long - Tỉnh Quảng Ninh

Địa điểm đào tạo số 02: Nguyễn Văn Trỗi - P. Cẩm Thủy - TP Cẩm Phả - Tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại: 02033.862091 - 02033.969661 - Fax:02033.864950

Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn

TAG BÀI VIẾT

BẢN ĐỒ CHỈ DẪN

PAGE FACEBOOK

Xét tuyển trực tuyến Nhập học trực tuyến
Xét tuyển trực tuyến
Nhập học trực tuyến