- Những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành giáo dục trong năm học mới 2010-2011 là gì, thưa bộ trưởng?
- Năm học 2010-2011 được chọn là năm học “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.” Bên cạnh việc triển khai các nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, toàn ngành sẽ tập trung triển khai tốt các công việc mới là Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; Chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh từ lớp 3; Đề án phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên. Cùng với đó, chúng tôi tập trung chỉ đạo tổ chức giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh phù hợp với từng cấp học và điều kiện của từng địa phương.
Những nhiệm vụ thường xuyên của các năm học trước vẫn sẽ tiếp tục được thực hiện với yêu cầu cao hơn, trong đó có chú ý đẩy nhanh tốc độ kiên cố hóa trường lớp học để trong thời gian ngắn nhất các học sinh, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, có thêm điều kiện học tập tốt. Đặc biệt, chúng tôi sẽ chú ý tới hệ thống trường dân tộc nội trú để củng cố, nâng cấp các trường hiện có, mở thêm các trường dân tộc nội trú ở nơi còn thiếu.
Nói khái quát lại, trong năm học mới 2010-2011, chúng tôi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ nâng cao chất lượng dạy chữ; Từng bước hướng nghiệp, phát triển dạy nghề ở nơi thuận lợi; Đặc biệt chú trọng việc dạy làm người, nâng cao kỹ năng sống, giúp học sinh có ý thức, biết tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ mình trước cái xấu, trước những cám dỗ và hành vi không lành mạnh.
- Trong thời gian làm Bộ trưởng, giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã ưu tiên, đề ra các giải pháp mạnh khi giải quyết tình trạng tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích kéo dài nhiều năm trong giáo dục. Trong nhiệm kỳ của mình, ông có dự định sẽ chọn vấn đề gì để ưu tiên giải quyết?
- Tôi không nghĩ đến việc tạo dấu ấn cá nhân cho mình. Mục tiêu của tôi là cùng với các đồng nghiệp của tôi trong toàn ngành nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đặt ra nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Trong sự tiếp nối công việc đã làm, những gì làm tốt cần được phát huy, những gì làm chưa tốt sẽ phải khắc phục nhanh chóng.
Còn về những hiện tượng không lành mạnh, không đúng với bản chất của nền giáo dục, chúng ta đều phải ngay lập tức đấu tranh để chấm dứt. Trong những vấn đề nêu trên, có những vấn đề chung của nền giáo dục cả nước, có những vấn đề cần được giải quyết theo thực tế mỗi địa phương.
Ví dụ như tình trạng học thêm tràn lan chỉ diễn ra ở thành phố, đô thị, còn ở nông thôn, nhiều nơi có tổ chức học thêm nhưng không thu tiền. Tôi đã chứng kiến tận mắt không ít thầy, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa không chỉ dạy thêm không thu tiền mà còn nhường cơm dành tiền của mình cho học sinh… Bộ sẽ cùng các Sở Giáo dục Đào tạo, các nhà trường xem xét, căn cứ thực tế để chọn vấn đề ưu tiên cần giải quyết nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
Để khắc phục tình trạng lạm thu đầu năm học, cần có sự thống nhất hành động của mọi chủ thể. Có khi nhiều người, với tư cách công dân thì phản ứng nhưng với tư cách phụ huynh lại tiếp tay cho việc nộp tiền.
Tôi cảm ơn các cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi người dân đã quan tâm đầu tư để các cháu học sinh con em chúng ta có điều kiện học tập tốt hơn. Đồng thời, tôi cũng xin đề nghị tăng cường hơn nữa việc giám sát sử dụng các khoản thu này, đề nghị các cơ quan công luận tuyên truyền rộng rãi để các phụ huynh thống nhất hành động vì mục tiêu chung cao nhất là môi trường giáo dục lành mạnh cho con em chúng ta.
- Nhiều năm qua, người đứng đầu ngành giáo dục đều có điểm xuất phát từ các cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng có cho rằng mình sẽ gặp khó khăn khi lãnh đạo bộ, trong đó có mảng công việc mới là giáo dục phổ thông?
- Tôi vốn là cán bộ giảng dạy và quản lý một trường đại học. Nhưng ngay với mảng công việc này, tôi cũng không dám cho rằng mọi điều về giáo dục đại học mình đã biết hết. Vẫn cần phải thường xuyên nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Giáo dục phổ thông có xa hơn một chút nhưng tôi có 2 sự thuận lợi.
Nữ sinh Hà Nội trong ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Quang Xuân.
Thứ nhất, trong sáu năm công tác với nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, tôi tham gia các hoạt động của ba Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ và tôi đi công tác ở địa phương khá đều đặn. Vì thế, tôi hiểu được những vấn đề khó khăn nhất của giáo dục phổ thông cả nước.
Bên cạnh đó, tôi cũng là cha của hai cháu. Cháu lớn đang học đại học, cháu nhỏ mới học trung học cơ sở. Trước đây, tôi vẫn thường đi họp phụ huynh. Gần đây, tôi không làm được việc yêu thích này nữa vì ít có thời gian rỗi. Vì thế, mọi vấn đề của giáo dục phổ thông, tôi bàn bạc, trao đổi với đồng nghiệp và suy xét giải quyết không chỉ trên cương vị nhà giáo, người quản lý mà còn xuất phát từ suy nghĩ, lo lằng trên cương vị của một phụ huynh, một người cha.
- Là một chuyên gia kinh tế, ông có băn khoăn hay lo lắng gì về những "dự án nghìn đô” cho giáo dục vừa được phê duyệt?
- Trong việc xây dựng, thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, tôi sẽ cân nhắc, xem xét sao cho phù hợp quy luật của khoa học sư phạm, khoa học quản lý… Tất nhiên, tôi cũng sẽ xem xét từ góc độ kinh tế sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Tôi nghĩ cách đặt vấn đề khái quát “các dự án nghìn đô” có vẻ không ổn… Tuy nhiên, tôi không muốn bình luận về điều này. Các dự án này đã được chuẩn bị và cân nhắc kỹ không chỉ trong ngành giáo dục mà còn được thảo luận ở Chính phủ và Quốc hội. Do vậy, với câu hỏi có băn khoăn gì không, tôi trả lời là không băn khoăn.
Còn với câu hỏi có lo lắng không thì tôi thừa nhận là có. Lo lắng khi chưa được quan tâm đầu tư thì không đủ nguồn lực để thực hiện và phát triển. Khi đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư thì phải lo phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương quản lý chặt để đồng tiền của nhân dân mang lại hiệu quả cao nhất.
(Theo TTXVN)