Nhiều trường ĐH lớn như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Học viện Bưu chính Viễn thông, Học viện Ngân hàng đã được Bộ GD-ĐT cho phép xét tuyển hệ ngoài ngân sách trong mùa tuyển sinh 2010.
Nguyên tắc xét tuyển hệ ngoài ngân sách là mức điểm trúng tuyển thấp hơn so với điểm chuẩn nguyện vọng (NV) 1 nhưng chênh lệch không quá 2 điểm so với điểm trúng tuyển NV1. Đối với các khối thi cơ bản (A, B, C, D), mức điểm chuẩn tuyển sẽ không thấp dưới 20 điểm.
Những thí sinh này dự thi vào Trường ĐH Ngoại thương, khi trượt nguyện vọng 1 sẽ còn có cơ hội vào hệ ngoài ngân sách. Ảnh: DUY TIẾN
Giống bằng cấp, chỉ khác tiền
Ngay khi có quyết định của bộ, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã thông báo sẽ xét tuyển hệ ngoài ngân sách đối với những thí sinh (TS) đã đăng ký dự thi khối A đạt tổng điểm thi 3 môn (chưa nhân hệ số và không có môn nào bị điểm 0) đạt kết quả 20 điểm và 20,5 điểm, tính theo khu vực 3.
Học viện Ngân hàng cũng xét tuyển 284 TS dự thi vào trường khối A có điểm thi từ 20,5 điểm vào học hệ đào tạo ngoài ngân sách, với hai chuyên ngành kế toán và quản trị kinh doanh.
Trường ĐH Ngoại thương, với truyền thống tuyển sinh ngoài ngân sách từ nhiều năm nay, thông báo tuyển 300 chỉ tiêu cho cơ sở phía Bắc và khoảng 150 chỉ tiêu cho cơ sở phía Nam đối với những TS có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn 1,5 điểm ở cả 9 chuyên ngành của trường.
Khi học theo hệ ngoài ngân sách, TS sẽ được cấp bằng ĐH hệ chính quy dài hạn nhưng không được Nhà nước hỗ trợ về kinh phí đào tạo, tức là người học sẽ phải chịu 100% kinh phí học tập. Mức này cao gấp khoảng 3 lần so với bình thường.
Học phí của Trường ĐH Ngoại thương vào khoảng 11 triệu đồng/năm (tùy theo số tín chỉ sinh viên đăng ký học hằng năm).
Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, cho biết mỗi sinh viên phải nộp 295.000 đồng/chứng chỉ (tương đương với mức học phí 950.000 đồng/tháng theo quy chế).
Ông Lê Đình Lập, Giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông, cho biết trường thu học phí theo học kỳ, mỗi tháng 720.000 đồng.
Tiền hậu bất nhất
Việc Bộ GD-ĐT cho phép một số trường được tuyển sinh theo hệ ngoài ngân sách đã khiến không ít TS cảm thấy không công bằng trong cuộc đua vào ĐH. Trong khi hàng ngàn TS trên cả nước có điểm thi thấp hơn chuẩn của trường mình thi từ 1-2 điểm đang hồi hộp chờ ngày công bố kết quả xét tuyển NV2 vào những trường khác thì những TS của 3 trường trên lại có thể ung dung nhập học ở chính ngôi trường mà mình đã từng trượt.
Liệu việc Bộ GD-ĐT đã công bố không có hệ ngoài ngân sách rồi lại cho một số trường tuyển sinh ngoài ngân sách là có bất nhất hay không?
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2010 không có kết quả cao như mọi năm. Vì vậy, các trường ĐH, CĐ trên cả nước phải xét tuyển hơn 99.000 chỉ tiêu NV2 - một con số rất lớn. Con số này cũng cho thấy nhu cầu tuyển sinh của các trường thì nhiều trong khi nguồn tuyển có chất lượng không như ý muốn.
Nhiều trường ĐH tốp giữa muốn qua xét tuyển NV2 để nhận những TS có chất lượng từ các trường tốp trên, tuy nhiên, nhu cầu này không phải có thể dễ dàng được đáp ứng. Đó là chưa kể nhiều TS để chắc ăn, trong lúc chờ giấy báo nhập học hệ ngoài ngân sách đã nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào trường khác, dẫn đến số lượng “ảo” trong xét tuyển của các trường.
Từ nhiều năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường được Bộ GD-ĐT phê duyệt dựa trên các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất... của trường. Chỉ tiêu này, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, là đã giao hết công suất. Để bảo đảm chất lượng thì không thể vượt qua ngưỡng đó được.
Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau khi được phê duyệt chỉ tiêu, chính các trường lại đề xuất tăng thêm chỉ tiêu ngoài ngân sách, thường là từ 10%-15%...
Thương học sinh hay làm kinh tế?
Nhiều người cho rằng việc tăng chỉ tiêu này là để tạo điều kiện cho TS điểm cao có thể được học ở trường các em mong muốn. Nhưng cũng có ý kiến khác cho rằng đây là một cách để các trường “làm kinh tế”. Ai cũng thấy sinh viên hai hệ này hoàn toàn không có gì khác biệt về quyền lợi, bằng cấp, nghĩa vụ; điều khác nhau duy nhất là học phí hệ này cao hơn hệ kia vài lần.
|
(Theo NLĐ)