GS Đào Trọng Thi: Giáo dục Việt Nam còn nhiều hạn chế
(Dân trí) - “Đổi mới theo hướng hiện đại hòa nhập là phải tiếp thu các kinh nghiệm, tinh hoa của nền giáo dục tiên tiến. Giáo dục Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong đó có việc trì trệ về phương pháp dạy học, trong độ hòa nhập” - nhận định của GS Đào Trọng Thi.
GS Đào Trọng Thi - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng Văn hóa Giáo dục của Quốc hội trao đổi với PV Dân trí trong đợt dẫn đầuĐoàn giám sát Uỷ ban Thường vụ Quốc hội làm việc tại các cơ sở giáo dục ở TPHCM để chuẩn bị cho công cuộc đổi mới giáo dục.
Ông nói: Việc đổi mới phải có chuẩn bị trước về cơ sở vật chất, về trang thiết bị đáp ứng được đòi hỏi của nội dung, chương trình sách giáo khoa (SGK). Đặc biệt một trong những điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông thì việc phát triển đội ngũ giáo viên (GV) đáp ứng được yêu cầu của SGK là nội dung rất quan trọng.
Để đào tạo bồi dưỡng tốt đội ngũ GV thì ngoài kế hoạch của nhà trường thì cần quan tâm các vấn đề khác, nhất là về chính sách chế độ đối với GV cũng như các cơ chế hoạt động trong môi trường sư phạm.
GS Đào Trọng Thi.
Không còn con đường nào khác ngoài đổi mới
Phóng viên: Chúng ta đã bàn rất nhiều về việc quan tâm đến chế độ cho GV vì điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng vì đâu việc này vẫn thực hiện rất chậm nếu không muốn nói bàn ra rồi... để đó, thưa GS?
GS Đào Trọng Thi: Thời điểm này chế độ chính sách đối với GV còn rất nhiều hạn chế, trong đó có những hạn chế xuất phát từ khả năng của xã hội. Đội ngũ GV của chúng ta rất hùng hậu, nếu đưa ra một chế độ nào đó đồng nghĩa với việc cần chuẩn bị các kế hoạch, chính sách để thực hiện, khiển khai chế độ đó.
Tôi ví dụ, việc chỉ cần tăng phụ cấp hay phụ cấp thâm niên cho GV là cả một vấn đề phải chuẩn bị. Quốc hội ra nghị quyết nhưng Chính phủ phải đến hai năm sau mới chuẩn bị được các điều kiện để thực hiện. Chuẩn bị có nhiều vấn đề về văn bản, về giấy tờ và có cả sự chuẩn bị về ngân sách.
Nhà nước và xã hội cần có những giải pháp cụ thể để tăng cường sự chăm lo cho GV về tinh thần lẫn vật chất. Sự chăm lo đó phải tạo thành động lực để khuyến khích sự phát triển ở trường học, khuyến khích GV dạy tốt, khuyến khích học sinh tốt nghiệp phổ thông đăng ký thi vào các trường Sư phạm để có được đội ngũ GV giỏi. Có như vậy mới có nền giáo dục chất lượng.
“Đổi mới theo hướng hiện đại hoà nhập là phải tiếp thu các kinh nghiệm, tinh hoa của nền giáo dục tiên tiến. Điều này sẽ bị cản trở, kìm hãm bởi tư tưởng, tư duy lạc hậu. Giáo dục Việt Nam còn nhiều hạn chế, trong đó có việc trì trệ về phương pháp dạy học, trong độ hoà nhập.” - GS Đào Trọng Thi
Phóng viên: Vậy phải chăng vấn đề ngân sách, tài chính là một trong những cản trở việc thực hiện đổi mới giáo dục?
GS Đào Trọng Thi: Theo tôi, chúng ta muốn con em có nền giáo dục tốt, được học tập tốt, có điều kiện phát triển trong tương lai thì chúng ta phải chấp nhận đầu tư, chấp nhận cắt giảm, hạn chế chi tiêu ở những hoạt động khác cho giáo dục. Đòi hỏi một phần từ nhà nước, một phần từ xã hội và một phần từ phụ huynh.
Còn ai cũng nghĩ có một người khác sẽ lo chuyện này thì không bao giờ chúng ta thực hiện được. Dù khó khăn đến mấy chúng ta phải quyết tâm thực hiện bởi không còn con đường nào khác. Nếu không làm thì con cái chúng ta không được hưởng một nền giáo dục tốt, đồng nghĩa không được chuẩn bị các hành trang tốt hơn cho cuộc sống.
GS Đào Trọng Thi: "Theo tôi, chúng ta muốn con em có nền giáo dục tốt, được học tập tốt, có điều kiện phát triển trong tương lai thì chúng ta phải chấp nhận đầu tư, chấp nhận cắt giảm, hạn chế chi tiêu ở những hoạt động khác cho giáo dục. "
Chưa thấy định hướng rõ ràng
Phóng viên: Việc đổi mới SGK cần có sự chuẩn bị nền tảng kỹ lưỡng về nội dung chương trình. Chúng ta đang gặp khó khăn nào trong việc xây dựng một chương trình mới, thưa GS?
GS Đào Trọng Thi: Chương trình SGK hiện hành bộc lộ nhiều bất cập về cách làm, quan niệm, nội dung… Chúng ta nhận thức được điều
"Muốn con em có nền giáo dục tốt, có điều kiện phát triển trong tương lai thì chúng ta phải chấp nhận đầu tư, chấp nhận cắt giảm, hạn chế chi tiêu ở những hoạt động khác. Cả nhà nước, xã hội và phụ huynh.
Còn ai cũng nghĩ sẽ có một người khác sẽ lo chuyện này thì không bao giờ chúng ta thực hiện được" - GS Đào Trọng Thi
đó, vấn đề mang tính căn bản nhưng đến nay vẫn chưa có định hướng cụ thể.
Như việc dạy học phân hoá, tích hợp thì phân hoá thế nào, tích hợp đến đâu. Nếu chưa có định hướng cụ thể thì lấy gì để để biên soạn SGK, chương trình cụ thể và làm sao để chuẩn bị cho GV việc đổi mới.
Không thể bắt một ông dạy Toán, sau một thời gian có thể dạy Toán - Lý; thầy dạy Hoá, dạy Sinh có thể chuyển sang dạy chung về khoa học tự nhiên. Vấn đề này đòi hỏi ít nhất là một khoá đào tạo GV.
Phân ban là một chủ trương lớn của đổi mới, mà nói công bằng chúng ta không đạt được các yêu cầu, chủ trương phân ban. Chưa ai đánh giá việc phân ban hiện nay thành công hay chưa, cần thay đổi thế nào, đổi theo hướng gì thì làm sao để đổi mới? Phải biết rõ điều đó thì mới có thể xây dựng chương trình, xây dựng các môn học, môn nâng cao…
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của ngành giáo dục cho công cuộc đổi mới này?
GS Đào Trọng Thi: Với những gì Bộ GD-ĐT công bố rõ ràng mà chúng ta biết thì tôi chưa thấy thể hiện được sự chuẩn bị chu đáo. Xã hội còn rất nhiều băn khoăn, sự chuẩn bị đó chưa làm cho dư luận yên tâm. Hay có thể ngành đang thực hiện âm thầm?
Những người có trách nhiệm, người được phân công phải đưa ra tiếng nói định hướng vì đổi mới là sự nghiệp của toàn dân đòi hỏi sự nhất trí cao của xã hội, GV, học sinh, phụ huynh. Đổi mới không phải là ý chí của một vài người lãnh đạo, đưa ra những điều áp đặt, không phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo người dân thì không thể thực hiện cho dù về mặt lý thuyết những nội dung đó là đúng, là khoa học.
Phóng viên: Trong buổi đàm mới đây về vai trò của hiệu trưởng trong việc đổi mới tại TPHCM, nhiều hiệu trưởng chia sẻ tính chủ động trong việc đổi mới việc nhưng họ chỉ nghĩ mà không dám làm. Ông nghĩ sao về vai trò của các cấp cơ sở trong công tác đổi mới?
GS Đào Trọng Thi: Đổi mới về chương trình, phân ban, dạy tích hợp thuộc nghị quyết của Quốc hội, mang tầm vĩ mô nên phải thực hiện từ trên, các cơ quan cao nhất, cấp quản lý nhà nước. Đương nhiên mỗi cấp có quyền đổi mới trong khuôn khổ thẩm quyền của mình mà theo tôi khuổn khổ ấy rất rộng rãi chứ không gò bó. Bởi việc đổi mới phải có sự đầu tư, quyết tâm cao của tất cả mọi người liên quan như nhà trường, GV, học sinh…