Đây là một trong những nội dung lấy ý kiến dự thảo quyết định ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra.
Ngoài vấn đề về vốn điều lệ thì việc thành lập trường đại học phải bảo đảm các điều kiện: Có đề án thành lập trường đại học phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch mạng lưới các trường đại học đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Đề án thành lập trường đại học phải xác định rõ mục tiêu, nội dung, chương trình, ngành nghề, quy mô đào tạo, cơ cấu tổ chức, quản lý, quy hoạch đất đai, nguồn vốn xây dựng trường, kế hoạch và lộ trình đầu tư phát triển, bảo đảm phù hợp với nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và địa phương.
Ý kiến chấp thuận bằng văn bản về thành lập trường tại địa phương của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở chính và giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư thành lập trường đại học tư thục.
Bên cạnh đó, diện tích đất xây dựng trường không ít hơn 5 ha, và đạt mức bình quân tối thiểu 25 m2/1 sinh viên tính tại thời điểm trường có quy mô đào tạo cao nhất trong kế hoạch 10 năm đầu sau khi thành lập. Có cơ sở vật chất, thiết bị bảo đảm đáp ứng yêu cầu hoạt động của nhà trường. Địa điểm xây dựng trường đại học phải bảo đảm về môi trường giáo dục, an toàn cho người học, người dạy, người lao động khác trong nhà trường.
Dự thảo cũng nêu rõ, hết thời hạn 4 năm, kể từ khi quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, nếu trường không chuẩn bị được các điều kiện để được phép hoạt động giáo dục thì Bộ GD-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ thu hồi quyết định thành lập trường hoặc quyết định cho phép thành lập trường.
Riêng vấn đề được phép hoạt động sau khi được có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập trường thì dự thảo quy định khá chặt chẽ.
Chẳng hạn như, trường phải có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó mỗi ngành, chuyên ngành có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký; có đủ số lượng kỹ thuật viên, nhân viên thí nghiệm, thực hành với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của các ngành đào tạo. Có chương trình đào tạo, đề cương các môn học theo quy định của Bộ GD-ĐT….
Dự thảo này sẽ được trưng cầu lấy ý kiến đến hết ngày 25/10. Sau khi nhận các ý kiến đóng góp Bộ GD-ĐT sẽ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Quyết định.
Theo Dân trí