![]() |
|||
Nhà giáo mong ước gì? (18/11/2013)Đào tạo sớm thay đổi cơ bản toàn diện, chất lượng giáo dục tăng lên, tiêu cực giảm đi và đời sống giáo viên được cải thiện là ước vọng chung của các nhà giáo trước thềm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11)
Phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), tâm sự rằng ông đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giáo dục, ước vọng của ông không gì khác hơn là nhìn thấy sự thay đổi cơ bản, toàn diện của nền giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Kỳ vọng giáo dục thay đổi “Việc Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ra Nghị quyết Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thực sự là niềm vui lớn đối với cả ngành giáo dục. Tôi hy vọng sau cú hích này, nền giáo dục của chúng ta sẽ đổi mới thực sự” - PGS Văn Như Cương chia sẻ. Ông cũng có chút băn khoăn, cũng như suy nghĩ của không ít người về đề án này: “Đúng là khó thật! Nhưng chúng ta đứng trước thế không đổi mới thì chết. Giáo dục nhiều năm qua đã bại liệt vì không đổi mới, vì thế phải dốc sức, quyết tâm làm bằng được, phải xem đây như một cuộc chấn chỉnh lớn lao. Nếu giáo dục cứ như thế này khoảng 15 năm nữa thì không biết sẽ đi đến đâu. Nếu cứ xây thủy điện, đường cao tốc, nhà máy điện hạt nhân mà không quan tâm đổi mới căn bản giáo dục thì không chỉ giáo dục chết mà cả xã hội cũng bị ảnh hưởng” - ông Cương nói. Hầu hết giáo viên đều mong sống được với nghề bằng lương.. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường Tiểu học Minh Đạo, quận 5, TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH Cũng chung nỗi niềm, GS Hoàng Tụy nhấn mạnh: Sau nhiều năm trì trệ, giáo dục lâm vào trạng thái chết lâm sàng, cần phải có những xúc tác mạnh. “Đề án đổi mới GD-ĐT nếu được thực hiện nghiêm chỉnh sẽ lay chuyển được tình hình giáo dục” - GS Hoàng Tụy tin tưởng. Ông nói thêm: “Với một triết lý giáo dục đúng đắn thì hiệu quả, đột phá cũng sẽ chín chắn. Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu đã từng khuyên ta rằng phải thắng trong giáo dục mới thắng được trong kinh tế”. Có được một nền giáo dục đổi mới, chất lượng tăng lên, tiêu cực giảm đi cũng là ước vọng của TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). “Tôi rất buồn mỗi khi nghe thấy chuyện chạy trường nọ, trường kia mất mấy ngàn đô la. Rồi thi cử tiêu cực, học sinh - sinh viên phải đóng tiền “chống trượt” cho thầy cô giáo. Hy vọng sau những thay đổi cơ bản trong cách dạy và học, sẽ không còn tình trạng phụ huynh phải chi những khoản tiền lớn để chọn lớp tốt cho con, người học không còn phải đóng những khoản tiền vô lý, từ đó giáo dục Việt Nam sẽ thật sự trong sạch” - TS Lâm nói. Đời sống giáo viên tăng lên Dù đã được cải thiện nhưng rõ ràng thu nhập của giáo viên hiện nay chưa đủ để các thầy cô toàn tâm, toàn ý với việc giảng dạy; rất nhiều người phải lo toan cho cuộc sống của cả gia đình bằng những công việc khác ngoài giờ đứng lớp. Và vì thế, nâng cao đời sống giáo viên là nguyện vọng vô cùng chính đáng của các thầy cô giáo. Một giáo viên giỏi có thâm niên 13 năm trong nghề tại Trường THCS Chu Văn An, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết đến tận bây giờ, tổng thu nhập từ lương, phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp của cô chỉ dừng lại ở con số hơn 4 triệu đồng/tháng. “Việc thi tuyển đầu vào của chúng tôi rất gắt gao, mỗi tuần phải dạy từ 18-20 tiết mà thu nhập như vậy thì rõ ràng là không đủ để lo cho cuộc sống. Nếu có ai hỏi về ước vọng thì mong muốn rõ ràng nhất là đời sống giáo viên của chúng tôi được cải thiện, phụ cấp dạy thừa giờ không phải là hơn chục ngàn/tiết như hiện nay” - cô giáo này bộc bạch. Thầy Đỗ Việt Khoa, giáo viên Trường THPT Thường Tín, huyện Thường Tín, TP Hà Nội - người hùng chống tiêu cực một thời - cho biết sau 20 năm đứng lớp, tổng thu nhập của thầy nay chỉ chưa đến 5,2 triệu đồng/tháng. “Tôi vẫn mong đời sống giáo viên khá lên. Nhưng tôi cũng hiểu đó là điều không thể thành hiện thực trong giai đoạn này” - thầy Khoa nói. Nổi tiếng bằng tinh thần chống tiêu cực quyết liệt, chia sẻ về ước vọng lớn của mình, thầy Đỗ Việt Khoa nói rằng không gì khác hơn là tiêu cực được quét sạch, môi trường giáo dục trong sáng, không bị làm vấy bẩn. “Ước vọng là thế nhưng tôi biết thay đổi triệt để là rất khó. Những người có thâm niên trong nghề giáo như tôi nhìn thấy những vấn đề rất khó thay đổi. Khi tình trạng tiêu cực trong giáo dục không bị đẩy lùi thì cải cách cũng vô tác dụng” - thầy Khoa nói.
|
|||
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG |