![]() |
|
Vincom kiện Vincon nhái thương hiệu (24/11/2010)Công ty CP Vincom chính thức công bố việc khởi kiện dân sự Công ty CP Tài chính và Bất động sản Vincon lên TAND TP. Hà Nội; đồng thời gửi đơn yêu cầu xử lý vi phạm lên Thanh tra Bộ KHCN vì cho rằng Vincon đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu và tên thương mại của mình.
Theo Vincom, tên thương mại/tên doanh nghiệp của VINCON tương tự với tên thương mại của VINCOM đã được đăng ký trước và được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực "bất động sản". Việc đặt tên nhãn hiệu và tên thương mại VINCON đã gây ra sự nhầm lẫn nhãn hiệu và tên thương mại của Vincom; từ đó dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín thương hiệu, hình ảnh và uy tín của Vincom. Vincom cho rằng, căn cứ theo các quy định về sở hữu trí tuệ thì nhãn hiệu VINCON bị coi là tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu VINCOM đang được bảo hộ. Vincon đã sử dụng chỉ dẫn VINCON dẫn đến gây nhầm lẫn với tên thương mại, nhãn hiệu VINCOM cũng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ của Vincom. Việc khác nhau ở duy nhất một chữ N và M tại cuối từ, nhưng hai chữ này đều là phụ âm đọc tương tự nhau và nhìn cũng giống nhau. Sự khác biệt này không đủ để phân biệt một cách rõ ràng giữa hai nhãn hiệu và gây nhầm lẫn về tổng thể của hai nhãn hiệu. Trên thực tế, công chúng đã nhiều lần bị nhầm lẫn về hai nhãn hiệu này.
Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vincom, cho rằng, Vincon, mặc dù ra đời sau rất nhiều khi thương hiệu VINCOM đã nổi tiếng nhưng lại sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu VINCON để gây ra sự nhầm lẫn, hiểu lầm với tên thương mại, nhãn hiệu VINCOM là một hành vi cố tình nhằm hưởng lợi trên uy tín và danh tiếng của Vincom. "Chúng tôi đã cảnh báo Vincon trên công luận về vấn đề "nhái" tên thương hiệu này vào đầu năm 2009 khi Công ty này công bố dự án khu du lịch sinh thái tại Chân Mây - Lăng Cô. Gần đây, sự việc "bắt quả tang Phó tổng giám đốc VINCON đánh bạc ngay trong phòng họp" cũng khiến dư luận hiểu lầm thành Phó Tổng giám đốc của Vincom. Sự việc này khiến chúng tôi hết sức bức xúc và nhận thấy cần phải có những hành động cương quyết hơn để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình", ông Hiệp nói. Ông Hiệp còn cho biết, "Vincom đã gửi thư đến Ban Lãnh đạo Vincon yêu cầu đổi tên để tránh nhầm lẫn, tuy nhiên, phía Vincon đã không có những trả lời hợp lý... Chính vì vậy chúng tôi đã quyết định phải hành động quyết để giải quyết dứt đểm vấn đề này". Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quất, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH-CN, nhận xét, hai nhãn hiệu/ tên thương mại này có khả năng gây nhầm lẫn cao, đặc biệt là phần chữ. nếu như Công ty Cổ phần Vincom có đơn yêu cầu lên Thanh tra Bộ thì chúng tôi sẽ tiến hành xác minh và xử lý vi phạm. "Tên doanh nghiệp sử dụng bị trùng hoặc tương tự, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng với một nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, là vi phạm. Trong trường hợp này, người ta có thể lạm dụng uy tín của thương hiệu Vincom hoặc có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của Vincom. Nếu như khẳng định được hành vi xâm phạm cạnh tranh không lành mạnh như trên, Bộ sẽ tiến hành làm các thủ tục đình chỉ vi phạm và quyết định xử lý vi phạm", ông Quất nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng Phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại, Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ KH-CN, cho biết, đến thời điểm hiện tại Vincom đã có văn bản phản đối với việc vi phạm của Vincon lên cơ quan này. Đơn của Công ty Cổ phần Vincom đã được chấp nhận hợp lệ và Cục Sở hữu Trí tuệ đang xem xét để đưa ra những kết luận cuối cùng về sự việc trên. Theo VietNamNet |
|
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG |