Học sinh Mỹ giải quyết vấn đề kém xa châu Á (03/04/2014)

OECD đã kiểm tra kỹ năng giải quyết vấn đề của 85.000 học sinh tại 44 quốc gia.

Theo một nghiên cứu được công bố mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), học sinh ở các nước châu Á có khả năng giải quyết vấn đề tốt hơn rất nhiều so với bạn bè ở châu Âu và Mỹ.

Năm 2012, OECD đã kiểm tra hơn 85.000 học sinh ở độ tuổi 15 tại 44 các quốc gia và nền kinh tế về kỹ năng giải quyết vấn đề của các em, nhằm đánh giá khả năng khai thác các giới hạn và vượt qua trở ngại của học sinh bằng các thông tin được cung cấp.

Kết quả kiểm tra cho thấy học sinh Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là những người giải quyết vấn đề tốt nhất, trong khi học sinh Mỹ chỉ đạt mức trên trung bình một chút, còn học sinh Nga và Israel thì lại dưới cả mức trung bình.

Học sinh Mỹ giải quyết vấn đề kém xa châu Á - 1

Học sinh châu Á có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt nhất thế giới

Theo OECD, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp chính là chìa khóa để dẫn tới thành công về kinh tế trong tương lai.

Ông Andreas Schleicher, quyền Chủ nhiệm Giáo dục và Kỹ năng tại OECD nhận định: “Những học sinh 15 tuổi kém kỹ năng giải quyết vấn đề ngày hôm nay sẽ trở thành những người trưởng thành gặp nhiều khó khăn trong tìm và giữ việc làm ngày mai.”

Bài kiểm tra này được thiết kế trên cơ sở những vấn đề mà nhiều người gặp phải mỗi ngày, chẳng hạn như kỹ năng sử dụng một chiếc điện thoại di động lạ hay một chiếc máy bán vé tự động.

Báo cáo của OECD cho biết cứ 10 người lao động thì lại có 1 người gặp phải những tình huống trên mỗi ngày. Việc giải quyết các vấn đề tưởng như nhỏ nhặt này lại góp phần hình thành kỹ năng về kỹ thuật và quản lý vốn rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế.

Trong bài kiểm tra, học sinh các nước được yêu cầu đọc kỹ các tình huống với nhiều lựa chọn khác nhau và đưa ra một quyết định cuối cùng, chẳng hạn như việc lựa chọn loại thuốc giảm đau phù hợp cho người bệnh dựa trên những lời phàn nàn và triệu chứng của họ.

Ngoài ra, học sinh cũng được yêu cầu giải quyết những vấn đề mang tính quy hoạch, chẳng hạn như xây dựng một ngôi nhà hay lập lịch trình bay cho một hãng hàng không.

Trong bài kiểm tra này, có một câu hỏi yêu cầu học sinh phải tìm cách xếp chỗ cho những người đến dự tiệc sinh nhật dựa trên mong muốn của từng thực khách.

Kết quả cho thấy chỉ có 1/5 học sinh ở châu Âu và Mỹ có thể giải quyết được “những vấn đề vô cùng đơn giản, với điều kiện là chúng phải diễn ra trong những tình huống quen thuộc, chẳng hạn như lựa chọn đồ đạc từ một cuốn catalog, chỉ ra những thương hiệu và giá cả khác nhau, hay những món đồ rẻ nhất để trang trí cho căn phòng.”

Tuy nhiên những học sinh này không thể giải quyết được những vấn đề xa lạ trong những tình huống chưa từng gặp.

Học sinh Mỹ giải quyết vấn đề kém xa châu Á - 2

Học sinh Mỹ và châu Âu thường "bó tay" trước những vấn đề xa lạ

OECD cho rằng điều này là hậu quả của nền giáo dục chỉ chú trọng vào các bộ quy tắc khác nhau, chẳng hạn như các quy tắc đại số. Mặc dù đại số rất quan trọng, nhưng trong thực tế, việc ứng dụng các quy tắc toán học không quan trọng bằng việc tìm giải pháp cho vấn đề.

Báo cáo của OECD nêu rõ: “Bước đầu tiên, và là bước mà máy tính không làm được, đó là xem xét bối cảnh phức tạp của các dữ kiện trong một vấn đề của đời thực nhằm quyết định xem nên áp dụng quy tắc đại số nào.”

Theo OECD, để tránh việc biến học sinh của mình thành những con robot chỉ biết áp dụng máy móc các quy tắc cứng nhắc, giáo viên cần phải khuyến khích học sinh suy nghĩ về những kỹ năng mà chúng học được trong lớp, chẳng hạn như kỹ năng đọc và toán học, rồi sau đó ứng dụng chúng khi gặp phải vấn đề trong môn sinh học hay lịch sử.


Nguồn 24h.com.vn



TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG
Phương Đông - Uông Bí - Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.3854497 - Fax:02033.3854302
Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn
Ghi rõ nguồn "www.cic.edu.vn" khi phát hành thông tin từ website.