Sách giáo khoa riêng là “ngược đời”? (16/07/2014)

Trong nỗ lực đổi mới bộ mặt giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM mới đây đã đề xuất xây dựng một bộ sách giáo khoa riêng cho thành phố. Nhưng ý kiến này lập tức vấp phải sự phản ứng. Có chuyên gia nói đây là ý tưởng “ngược đời”.

Sách “đặc thù”

Tại cuộc họp HĐND TPHCM ngày 9/7, về việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM phát biểu: “Trong các nội dung đổi mới thực hiện định hướng chúng tôi sẽ xin phép lãnh đạo thành phố có một cơ chế riêng, đặc thù. Đó là khi triển khai ngành dọc chung của Bộ GD - ĐT, chúng tôi muốn đề nghị rằng (chỉ) thực hiện khung chương trình của Bộ, các chuẩn đánh giá đầu ra trong việc học tự chọn, thi tự chọn”. Cùng đó, ông Sơn đề nghị xây dựng một bộ sách giáo khoa “mang tính đặc thù của TPHCM”.

Tuy nhiên, trả lời trên báo Người Lao Động ngày 14/7, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM nói, chủ trương “không phải là viết một bộ SGK mới” mà chỉ là điều chỉnh cho phù hợp với đặc thù của TPHCM trên cơ sở vẫn giảng dạy theo chương trình khung của Bộ.

Theo ông Hoàng, ý tưởng trên xuất phát từ mong muốn xây dựng một chương trình phù hợp với đặc trưng địa phương, giúp học sinh dễ hiểu và tiếp nhận. “Một số từ ngữ của miền Bắc khi dạy ở TPHCM học sinh không hiểu, đơn cử như miền Bắc thì dùng từ “tàu hỏa”, trong khi học sinh miền Nam lại dùng từ “tàu lửa”. 

Bên cạnh đó, nhiều địa danh ở TPHCM rất cần để học sinh biết đến” - ông Hoàng lý giải. Ông Hoàng cho biết thêm nếu được UBND TPHCM và Bộ GD-ĐT đồng ý, việc làm đề án sẽ được giao cho hội đồng chuyên môn lên kế hoạch, lộ trình cụ thể và ít nhất 3 năm mới hoàn thành.

Sách giáo khoa riêng là “ngược đời”? - 1

 SGK riêng là một tín hiệu tích cực nhưng cần phải thận trọng và cần có sự tham khảo. Ảnh: Hồng Vĩnh

Cần tính toán kỹ

Theo GS. TS Nguyễn Lộc, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, việc TPHCM muốn có một bộ SGK riêng là một tín hiệu tích cực nhưng cần phải thận trọng và cần có sự tham khảo từ các chuyên gia giáo dục.

“Nếu đất nước có nhiều bộ SGK, TPHCM không cần thiết phải có một bộ sách riêng mà nên khuyến khích các chuyên gia giáo dục tham gia viết sách, sau đó chọn ra bộ SGK phù hợp với địa phương là được”.

GS nguyễn Lộc

GS Lộc lưu ý, hiện Việt Nam chỉ có một bộ SGK dành cho học sinh từ tiểu học đến THPT. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT đang có những nỗ lực đổi mới về chương trình SGK sau năm 2015 và một trong những tranh luận nổi lên là sắp tới, Việt Nam nên giữ một bộ SGK hay có nhiều bộ SGK. Trong khi đó, xu thế chung của thế giới là ở các trường THPT có nhiều bộ SGK cho các trường tự chọn và việc sử dụng SGK nào là do nhà trường, phụ huynh và học sinh quyết định. 

Ngoài ra, việc TPHCM muốn có một bộ SGK riêng có vẻ khá ngược đời so với các nước. GS Lộc lấy ví dụ, ở Philippines có nhiều bộ SGK nên đất nước này thành lập một nhóm chuyên gia độc lập đứng ra thẩm định, đánh giá, sau đó đưa ra khuyến cáo đến các trường nên dùng bộ SGK nào cho phù hợp. Còn ở Hàn Quốc hay Nhật Bản, hội đồng nhà trường sẽ cùng với phụ huynh ngồi lại để đưa quyết định chọn bộ sách nào được phép giảng dạy trong nhà trường. Trong khi đó, TPHCM là thành phố lớn, dân cư đa dạng về nguồn gốc vùng miền nhưng lại chủ trương soạn một bộ SGK (riêng so với cả nước và chung cho toàn thành phố), như vậy có đáp ứng được yêu cầu hay không?

GS Lộc lưu ý, nếu làm SGK thì TPHCM phải làm theo bộ chương trình chuẩn của Bộ GD-ĐT (bộ chương trình quốc gia bao gồm các quy tắc về kỹ năng, năng lực của học sinh…), có như thế học sinh mới không bị lệch chuẩn khi học và thi cử.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Độ, Phó Hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân (TPHCM) cho rằng, thành phố này có một bộ sách riêng là tốt, phù hợp với chủ trương của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên, khi biên soạn cần phải theo chuẩn chung của xã hội.

Theo ông Độ, trước năm 1975, mỗi giáo viên có thể dùng một bộ SGK riêng, thậm chí một trường nhưng lại học nhiều bộ SGK nhưng chất lượng giảng dạy vẫn tốt.

Nhiều từ ngữ địa phương, đặc biệt là từ ngữ miền Bắc ở SGK của Bộ GD-ĐT khiến học sinh miền Nam khó tiếp thu nên bộ SGK riêng của TPHCM có thể nêu chú thích rõ thêm để học sinh dễ hiểu. Bên cạnh đó, SGK hiện tại của Bộ GD-ĐT khá vắn tắt nên khi giảng dạy, giáo viên phải thường xuyên mở rộng thêm, việc này cũng có thể khắc phục ở bộ SGK riêng”, ông Độ nói.


Nguồn 24h.com.vn



TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG
Phương Đông - Uông Bí - Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.3854497 - Fax:02033.3854302
Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn
Ghi rõ nguồn "www.cic.edu.vn" khi phát hành thông tin từ website.