Kỹ năng sống - Người lớn cũng cần (23/03/2012)

Kỹ năng sống được coi trọng vì có tác dụng lớn trong hình thành tư duy, nhân cách mỗi người. Đó là thái độ sống, giá trị sống căn bản, như sống trung thực, can đảm đối mặt sự thật, biết thương yêu và biết cách vượt lên nghịch cảnh.

Ai được học, có cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, ứng biến tích cực với mọi tình huống xảy ra, biết cách đối diện và đương đầu, vượt qua những khó khăn, hạn chế những mâu thuẫn, xung đột, bạo lực…, người đó được rèn luyện, phát triển tính cách tự chủ, tự tin vào bản thân, tinh thần trách nhiệm cùng khả năng diễn đạt, thuyết phục, thói quen chia sẻ, giúp đỡ người khác. Đó chính là những yếu tố quan trọng giúp mỗi người đạt được thành công trong đời.

Học kỹ năng sống, vì vậy, không chỉ cần cho trẻ em, mà cả người lớn cũng vậy. Thiếu kỹ năng sống, một người lớn cũng có thể "gục ngã”, đầu hàng cuộc sống bằng nhiều cách tiêu cực, nói chi dạy dỗ thế hệ trẻ... Không ít người trưởng thành cũng hạn chế các kỹ năng như giữ gìn hạnh phúc, kiểm soát bản thân, làm chủ thời gian sống… Kỹ năng sống vì vậy chả nên coi là vấn đề để "lên lớp”, dạy khôn. Đó là vô số kỹ năng, cách xử thế, kinh nghiệm trực tiếp cần cập nhật, có thể bàn bạc giữa các thế hệ để xử lý tối ưu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa kỹ năng sống là "khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày”. Đó có thể là một tập hợp những khả năng được rèn luyện và đáp ứng các nhu cầu cụ thể của cuộc sống hiện đại hóa. Bằng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy về kỹ năng sống, ông Trần Văn Hoàn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vườn ươm Doanh nghiệp Tâm Việt - Hà Nội thống kê thấy trẻ ở những gia đình thu nhập trung bình lại có kỹ năng sống tốt, biết chia sẻ, quan tâm đến gia đình, người thân, biết tự giác tổ chức cuộc sống cho mình, bảo vệ bản thân trước nguy hiểm và biết cách vượt qua khó khăn

Một người lớn tuổi cũng có thể học kỹ năng sống từ lớp trẻ, như kỹ năng quản lý tài chính (cá nhân), sử dụng các loại thẻ ngân hàng, điện thoại di động, vi tính, xử lý tình huống nếu kẹt thang máy, nếu lạc trong sân bay quốc tế... Lớp trẻ lại có thể học kỹ năng chuẩn bị thức ăn, vệ sinh, cách diễn đạt và kỹ năng tổ chức…ngay tại nhà, chính từ cha mẹ mình.

Cách học đó hay và hiệu quả vì kỹ năng sống gắn với thực tế, đi liền với cuộc sống các thế hệ, nhất là khi không ít người lớn cũng thiếu kỹ năng sống. Không ít người gọi nhầm số điện thoại mà không xin lỗi, vào phòng không gõ cửa, không nói lời cảm ơn khi được giúp đỡ, để chuông di động réo ầm ĩ trong cuộc họp, nói chuyện oang oang trong buổi hòa nhạc… Hãy nhìn quanh ta xem biết bao người cả một đời cũng không có nổi được kỹ năng đơn giản đó, đừng nói tới những kỹ năng phức tạp và tinh tế hơn nhiều!

Cách đây ít lâu, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông. Tại Hội thảo, chuyên gia Phan Thị Lạc nói: "Hãy nhìn vào tội phạm trẻ vị thành niên đang gia tăng; hành vi ứng xử tiêu cực khi các em gặp phải sự cố bất thường nho nhỏ trong cuộc sống; học sinh 18 tuổi tốt nghiệp THPT không biết lựa chọn cho mình hướng đi nào... Để tồn tại và phát triển, con người cần đứng vững và bước vững chắc trên đôi chân của mình và cần có kỹ năng sống”.

Và nhiều cha mẹ say sưa cho con đi học kỹ năng sống, ngành giáo dục coi việc tăng cường kỹ năng sống cho học sinh là một nhiệm vụ trọng tâm. Nhưng như Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Thạc sĩ Đỗ Doãn Hải, thì với kỹ năng sống, cũng như giá trị sống của mỗi học sinh, cần phải hoàn thiện theo cơ chế hình thành nhân cách, chứ không phải cứ học là có, cứ dạy là cảm thụ được. Vả lại, nhất trí việc dạy kỹ năng sống trong trường học trở thành nhu cầu cấp thiết nhưng dạy như thế nào?

Rõ ràng giảng dạy kỹ năng sống không giống như các môn học khác. Kỹ năng sống phải được giảng dạy theo phương thức tương tác, trải nghiệm thực tế, không thể là những bài học lý thuyết thông thường. Đòi hỏi số một là giáo viên phải được trang bị và thực hành thành thạo các phương pháp giảng dạy kỹ năng sống, gần gũi, thân thiện với học sinh và còn cần có vốn sống phong phú, những trải nghiệm của sóng gió cuộc đời và trên hết phải có tấm lòng nhân hậu. Đây dường như là một thách thức lớn với đa số giáo viên ở mọi vùng miền. Song nếu trong các bài giảng kỹ năng sống, học sinh không được suy ngẫm, trải nghiệm để khám phá các giá trị, cùng nhau thảo luận để hiểu sâu thêm và đồng cảm, e khó cảm nhận về giá trị sống một cách sáng tạo nhằm phát triển các kỹ năng. Ngay tại Hà Nội, rất ít trường học được trang bị phòng "Tham vấn học đường” giúp học sinh giải quyết những khúc mắc, dù việc này cần thiết.

Và điều cực kỳ quan trọng, để giáo dục giá trị sống thành công, mỗi giáo viên và phụ huynh phải trở thành tấm gương sống đúng với các giá trị. Thiếu kỹ năng sống và không được giáo dục về giá trị sống, con người có những biến động phức tạp trong nhân cách, dễ suy thoái về đạo đức dù ở độ tuổi nào. Nếu không có nền tảng giá trị sống, sẽ không biết cách tôn trọng bản thân và người khác, không biết cách hợp tác, không biết cách xây dựng và duy trì tình đoàn kết trong mối quan hệ, không biết cách thích ứng trước những đổi thay, có khi còn tỏ ra tham lam, cao ngạo về những kỹ năng nhất định mình có được. Trong khi đó, người lớn ở ta chưa quen, chưa cần đến "tham vấn” mỗi khi có khó khăn về cuộc sống và tâm lý.

Ngành giáo dục đang bắt tay vào việc đưa kỹ năng sống vào giảng dạy trong nhà trường. Thế nhưng cần hơn chính là chuyện người lớn, nhất là các thầy cô giáo, phải là một tấm gương về điều này.

Theo Thanh Như

 



TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG
Phương Đông - Uông Bí - Quảng Ninh
Điện thoại: 02033.3854497 - Fax:02033.3854302
Email: cdcnxd@cic.edu.vn - cdcnxdub@cic.edu.vn
Ghi rõ nguồn "www.cic.edu.vn" khi phát hành thông tin từ website.