![]() |
||
Vinalines tiếp tục lỗ hơn 1.400 tỉ đồng (23/07/2012)(Dân trí) - Với mức doanh thu đạt hơn 11.600 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2012, Vinalines cũng mới chỉ "chạm" 44% kế hoạch và bằng 97% thực hiện cùng kỳ năm 2011.
Theo kết quả được lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm, nửa đầu năm 2012, Vinalines đạt doanh thu 11.614 tỷ đồng, chỉ đạt 44% kế hoạch và bằng 97% thực hiện cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, doanh nghiệp này bị lỗ 1.439 tỷ đồng (theo tỷ lệ vốn góp của công ty mẹ tại các doanh nghiệp). Trong đó, Vinashinlines và Bisco (hai doanh nghiệp từ Vinashin chuyển sang) lỗ khoảng 700 tỷ, Falcon lỗ khoảng 267 tỷ đồng.
Các chỉ tiêu khác như tổng sản lượng vận tải biển đạt 15,3 triệu tấn, đạt 40% kế hoạch 2012 và bằng 85% thực hiện cùng kỳ năm 2011. Tổng sản lượng hàng thông qua cảng đạt 34 triệu tấn, đạt 48% kế hoạch và tăng 8% so với cùng kỳ năm 2011.
![]() Vinalines cho biết, thời gian vừa qua, các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty đã tiếp tục tập trung thực hiện các dự án đóng mới tàu dở dang, không đầu tư mua thêm tàu. Có 5 tàu với tổng trọng tải 182.000 DWT đã được bán và thanh lý.
Tính đến hết tháng 6, đội tàu của toàn Tổng công ty đạt 3,17 triệu tấn. Về các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, Vinalines đang chuẩn bị đưa vào khai thác Cảng Cái Cui giai đoạn 2 – bến số 2 (Tp. Cần Thơ), Bến số 2 Cảng Ba Ngòi (Khánh Hòa), Bến 2,3,4 Cảng Cái Lân. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 1, Cảng container quốc tế Cảng Sài Gòn – SSA, Cảng Sơn Trà (Đà Nẵng), Cảng Năm Căn (Cà Mau)…
Phía công ty nhìn nhận, kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2012 được đặt trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế trong nước, khu vực và thế giới. Thị trường vận tải biển tiếp tục suy yếu, giá cước vận tải liên tục giảm trong thời gian dài. Ngành hàng hải phải chống chọi với sự dư thừa cung trọng tải trên hầu hết các thị trường. Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng phải giải quyết những khó khăn xuất phát từ nội bộ doanh nghiệp.
Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012 mà Vinalines đặt ra là đảm bảo duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó, Tổng công ty đã áp dụng các giải pháp từng bước giảm lỗ của hoạt động vận tải biển.
Cụ thể, doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu đội tàu vận tải biển, thanh lý những tàu già, khai thác kém hiệu quả để lành mạnh hóa tình hình tài chính, đồng thời tập trung triển khai các dự án đóng mới tàu biển trong nước dở dang. Từ đó, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.
Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2012 của Vinalines là đạt sản lượng vận tải biển đạt 38 triệu tấn và 152 tỷ tấn Tkm, sản lượng hàng thông qua cảng đạt 70 triệu tấn và tổng doanh thu đạt 26.200 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh của Vinalines những năm gần đây, có sự chênh nhau giữa các số liệu báo cáo. Riêng năm 2011, theo báo của Vinalines, Tổng công ty này lãi 62 tỷ đồng, trong khi các báo cáo khác đều lỗ. Số liệu của Văn phòng Chính phủ cung cấp trong phiên họp báo thường kỳ ngày 27/5 là âm 2.600 tỷ đồng thì con số mà Chính phủ (do Bộ Giao thông Vận tải chuẩn bị) trình lên Quốc hội vừa rồi là lỗ 434 tỉ đồng. Tình hình kinh doanh lỗ cũng đã được Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh xác nhận tại phiên chất vấn Quốc hội hôm 7/6.
Tại buổi họp báo công bố kết quả kiểm toán 2011 với niên độ 2010 vừa rồi của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan này cho biết, năm 2010, Vinalines lãi gần 269 tỷ đồng, giảm 44% so năm 2009.
Con số này cao hơn so con số Bộ Giao thông vận tải cung cấp là 142 tỷ đồng, và do Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh cung cấp là 114 tỷ đồng. Trong khi đó, Vinaline khai lãi 1.241 tỷ đồng. Ngược lại, số liệu tại Kết luận số 864, ngày 12/4/2012 của Thanh tra Chính phủ về chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines cho thấy Tổng công ty lỗ 1.274 tỷ đồng và số lỗ do Văn phòng Chính phủ đưa ra là âm 1.200 tỷ đồng.
Nói về tình hình thua lỗ, khó khăn trong lĩnh vực kinh doanh chính của Vinalines, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần đặt doanh nghiệp này trong bối cảnh khách quan chung của thị trường thế giới. Theo đó, nhiều hãng tàu lớn như Maersk, Hanjin, NYK trong ngành này cũng đều bị thua lỗ trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay.
|
||
TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHIỆP VÀ XÂY DỰNG |