Cụ thể, tuổi của học sinh tiểu học từ 6 đến 14 tuổi (tính theo năm). Tuổi vào học lớp 1 là 6 tuổi; trẻ em ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, trẻ em người dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em trong diện hộ đói nghèo theo quy định của Nhà nước, trẻ em ở nước ngoài về nước có thể vào học lớp 1 ở độ tuổi từ 7 đến 9 tuổi.
Theo dự thảo Bộ đưa ra, học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Thủ tục thực hiện xem xét đối với từng trường hợp cụ thể như sau: Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường; Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: các đại diện của Ban giám hiệu và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, Tổng phụ trách Đội; Căn cứ kết quả khảo sát của Hội đồng tư vấn, Hiệu trưởng xem xét quyết định.
Học sinh trong độ tuổi tiểu học ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được học ở trường tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường tiểu học ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận.
Dự thảo bổ sung quy định mới về chuyển trường đối với học sinh tiểu học. Theo đó, học sinh trong độ tuổi tiểu học có nhu cầu học chuyển trường và được trường tiểu học nơi tiếp nhận đồng ý sẽ được chuyển trường. Hồ sơ gồm: Đơn xin học chuyển trường của cha mẹ hoặc người đỡ đầu; Học bạ; Bản sao giấy khai sinh; Bảng kết quả học tập (đối với trường hợp học chuyển trường trong năm học).
Đồng thời, học sinh trong độ tuổi tiểu học có nhu cầu chuyển trường, được chuyển đến trường tiểu học tại nơi cư trú hoặc trường tiểu học ngoài nơi cư trú nếu được trường đồng ý tiếp nhận...
Bộ GD-ĐT cho biết sau khi xin đóng góp ý kiến về dự thảo theo đúng quy định sẽ ban hành chính thức và được thực hiện ngay trong năm 2012.
Nguyễn Thảo